Nên tách nợ xấu khỏi hệ thống ngân hàng để xử lý
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, sở dĩ có những số liệu khác nhau về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là do khi các TCTD báo cáo về NHNN, họ chỉ báo cáo hiện trạng của ngân hàng mình. Còn các tổ chức xếp hạng quốc tế vì thông tin đó được bán cho các nhà đầu tư, nên bao giờ đánh giá của họ cũng có phần thận trọng, “nghiêm khắc” hơn.
Thông tin mà các tổ chức này thu thập được chủ yếu là thông tin vĩ mô của nền kinh tế, rất ít thông tin cụ thể từ các TCTD.
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNN) lại có cái nhìn bao quát hơn về nợ xấu của toàn hệ thống, từ đó đưa ra cảnh báo cho các TCTD. Mỗi đơn vị đánh giá có mục tiêu, lợi ích khác nhau như vậy nên có số liệu đưa ra khác nhau. Điều này cũng khá phổ biến ở các quốc gia khác.
Vậy để có quyết định đầu tư, người dân nên dựa vào cơ sở nào để tham khảo?
Như tôi đã nói, các tổ chức xếp hạng quốc tế thường dựa vào thông tin của nền kinh tế, vào diễn biến thị trường đang diễn ra, và dựa cả vào tâm lý nhà đầu tư... những thông tin này sẽ được “chạy” trên mô hình đánh giá. Nhưng do các tổ chức quốc tế khó tiếp cận thông tin thực của các TCTD, nên họ phải dùng cả biện pháp “ngoại suy”, so sánh với các nước có điều kiện thị trường tương tự, đặc điểm giống với Việt Nam; hay tham khảo ý kiến chuyên gia quốc tế. Theo tôi, đó là một nguồn tham khảo tốt, thế nhưng để chúng ta “xử lý” thông tin thì nên dựa vào hiện trạng thực từ vấn đề cụ thể mà Cơ quan TTGSNH của NHNN đưa ra.
Nói như vậy, con số nợ xấu chiếm 8,6% tổng dư nợ mà Cơ quan TTGSNH đưa ra là sát thực nhất?
Đúng vậy. Bởi cơ sở lấy số liệu của Cơ quan này là từ các TCTD. Cơ quan TTGSNH có trách nhiệm phân loại để phản ánh đúng theo nguyên tắc một khách hàng thì chỉ có thể phân vào 1 hạng (xếp hạng tín dụng), dù họ vay vốn ở nhiều NHTM khác nhau. Khi các món vay đó được các NHTM phân loại nợ (theo quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro - PV) vào các nhóm nợ khác nhau, thì Cơ quan TTGSNH sẽ chọn nhóm nợ có rủi ro cao nhất để đánh giá. Vì vậy, tôi có niềm tin chắc chắn, số liệu của Cơ quan TTGSNH là đáng tin cậy. Đây là nơi có cách nhìn bao quát hơn, thu thập thông tin từ các TCTD một cách toàn diện và đáng tin cậy hơn.
Ông đánh giá thế nào về tác động của nợ xấu tới nền kinh tế?
Nợ xấu hay chính xác là nợ không sinh lời, nợ không hoạt động nên không tạo ra nguồn thu cho ngân hàng. Rõ ràng, một khoản nợ không tạo nguồn thu cho ngân hàng sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu tới các TCTD. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta có thể thấy, ảnh hưởng từ nợ xấu ít nặng nề hơn nhiều so với các nước khác, do các khoản nợ có tỷ lệ tài sản đảm bảo rất cao. Tỷ lệ tài sản đảm bảo cao nên việc xử lý nợ xấu cũng rất khả quan, nó không gây ra nhiều tổn thất cho ngân hàng. Nhưng rõ ràng nợ xấu có tác động không tốt tới khách hàng. Vì nếu một khách hàng bị đánh giá thuộc diện có nợ xấu thì khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của khách hàng đó rất khó khăn. Nếu không tiếp cận được vốn vay, họ sẽ khó có thể tái đầu tư, phục hồi sản xuất. Mà việc này đang rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông nên xử lý nợ xấu thế nào?
Khách hàng không tiếp cận được vốn vay sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và cả tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc chúng ta tách nợ xấu ra để xử lý là phù hợp. Trước đó, nhiều nước đã đi theo mô hình này như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… Nghĩa là họ tách nợ xấu ra khỏi hệ thống ngân hàng, thành lập mô hình ngân hàng tốt, ngân hàng “xấu”. Ngân hàng xấu thì chuyên xử lý nợ xấu, còn ngân hàng tốt thì tiếp tục duy trì kinh doanh bình thường để giúp cho vốn đầu tư lưu thông, hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Đức Nghiêm thực hiện
Thời báo ngân hàng
|