Nhà đầu tư không được bảo vệ
Thông tin Chủ tịch HĐQT và Phó chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SME (SME) bị bắt cho thấy việc giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán hay doanh nghiệp niêm yết còn quá lỏng lẻo.
Lãnh đạo chạy trước
Cuối năm 2011, một số khách hàng của SME mới biết công ty này bị mất thanh khoản khi bị Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đình chỉ hoạt động lưu ký. Tới nay đã gần 1 năm trôi qua, các nhà đầu tư (NĐT) vẫn chưa thể rút được số dư tiền trên tài khoản của mình. Cũng có nghĩa là số tiền của các NĐT đã bị SME tùy ý sử dụng.
Hiện tại, NĐT của SME không biết đến đâu để đòi tiền trong khi việc lãnh đạo của công ty này bị bắt vì giả mạo chữ ký của khách hàng trong hợp đồng hợp tác đầu tư (thực chất là hợp đồng vay tiền của ngân hàng để đầu tư chứng khoán) càng khiến NĐT bất bình.
Khác với SME, bà Phạm Thị Diệu Hiền - nguyên Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc CTCP thủy sản Bình An mang 25 triệu cổ phiếu (CP) của mình đi thế chấp cho hai ngân hàng gồm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Sở Giao dịch 2 và Ngân hàng Phát triển Cần Thơ - Hậu Giang, đồng thời mang bán cho Công ty Hồ Mây. Điều quan trọng nhất là việc này chỉ mới được lộ ra trong tuần qua và mọi cổ đông lẫn ngân hàng đều tá hỏa.
Chuyện lãnh đạo cao cấp ở nhiều doanh nghiệp thoái vốn trước khi công ty bị thua lỗ hay có nguy cơ phá sản đang diễn ra khá nhiều trên thị trường. Có thể kể đến chuyện ông Đinh Hồng Long - Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) và một số thành viên HĐQT từ cuối năm 2011 đã âm thầm bán ra hàng triệu CP, bán hết CP quỹ. Đến cuối tháng 3.2012, báo cáo tài chính quý 4/2011 của SHN chính thức công bố cho biết, công ty sắp... phá sản. Hay chuyện Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) đầu năm nay mới công khai chuyện thua lỗ cao hơn cả vốn chủ sở hữu trong khi ban điều hành đã bán xong toàn bộ CP sở hữu trước đó... Chỉ đến khi sai phạm bị vạch trần, các NĐT mới biết thì tiền mất và không biết kêu ai.
.... và lạm quyền
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam bị điểm 0 về trách nhiệm giải trình của thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp trước cổ đông. Chính điểm số này đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước kém nhất thế giới về mức độ bảo vệ nhà đầu tư (hạng 173/183).
|
Uớc tính hiện nay chỉ có khoảng hơn 20 công ty chứng khoán (CTCK) tách bạch tiền gửi của NĐT tại các ngân hàng, gần 80 CTCK còn lại vẫn nhập nhằng để giữ tiền của các NĐT trong tài khoản tổng của mình. Chính điều này khiến NĐT có nguy cơ mất tiền rất lớn vì các CTCK dễ dàng chiếm dụng tiền của NĐT mà không gặp phải cản trở nào.
Theo quy định, đến cuối năm 2008, các CTCK phải thực hiện xong việc tách bạch tiền gửi của NĐT nhưng như nói trên, hầu hết các CTCK vẫn không chịu thực hiện việc này. Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM cảnh báo, sẽ còn nhiều trường hợp tương tự SME nếu Ủy ban Chứng khoán nhà nước không kiên quyết kiểm tra và xử lý các CTCK không thực hiện theo quy định. Riêng đối với việc quy định về công bố thông tin giao dịch nội bộ, theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - về mặt nguyên tắc, Sở Giao dịch và Trung tâm lưu ký có thể biết ngay sau khi giao dịch này được thực hiện, có thể ngay lập tức bắt các cá nhân vi phạm giải trình, thậm chí hủy bỏ các giao dịch đó vì chưa công bố thông tin ra bên ngoài. Chứ chỉ phạt hành chính vài chục triệu đồng, không thấm gì so với giá trị giao dịch nên không thể ngăn chặn được việc này.
Điều quan trọng hơn, theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - trong những chuyện vi phạm trên đều cho thấy, các vị lãnh đạo công ty niêm yết quá lạm quyền. Đối với một NĐT cá nhân, giấy chứng nhận sở hữu CP chỉ có một thì khó có thể mang đi cầm cố hay bán cho 2 nơi. Trong khi đó, bản thân bà Diệu Hiền có thể in ra bao nhiêu tờ giấy chứng nhận sở hữu này cũng được nên mới dẫn đến chuyện vừa bán, vừa cầm cố ở hai ngân hàng. Tương tự tại SME, Chủ tịch HĐQT mới có quyền đưa ra quyết định sử dụng luôn tiền của NĐT trong giao dịch vì bản thân nhân viên cũng sẽ không dám tự ý sử dụng. TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề, có bao nhiêu công ty ban hành quy chế kiểm soát, ràng buộc nội bộ để ban kiểm soát và cổ đông căn cứ vào đó xem xét người quản lý đúng hay sai? Các biểu mẫu công bố thông tin thì nhiều nhưng nội dung thông tin nghèo nàn. Ngay như trường hợp của SME và bà Diệu Hiền giờ đây cũng chưa có quy định để xử lý cụ thể.
Như vậy những câu chuyện tương tự có thể sẽ tiếp tục diễn ra. Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể lớn nổi và trở nên bất ổn trong mắt NĐT khi còn những câu chuyện như thế.
Mai Phương
Thanh niên
|