Thứ Sáu, 10/08/2012 18:47

Nghề chứng khoán, sự thất thế hay cơ hội đặc biệt?

Nghề chứng khoán từng là một thời được gắn với hai chữ "đại gia", và thực tế bây giờ là...?

Gần 50 sinh viên trong một lớp học tại Trường Kinh tế Quốc dân đã đồng loạt nói không với nghề chứng khoán khi giảng viên đặt câu hỏi: “Có ai trong các em muốn làm việc trong ngành chứng khoán tại Việt Nam?”. Phản ứng này khiến giảng viên D. Hoang Quan, Tổng giám đốc Công ty I.A Capital không quá ngạc nhiên, nhưng có phần thất vọng, khi thấy những nhân sự tương lai ngành tài chính công khai từ chối làm việc trên TTCK - một thị trường được coi là đỉnh cao của nền kinh tế thị trường, thị trường của trí tuệ và bản lĩnh, mà đúng ra, đó là môi trường đáng mơ ước của các sinh viên kinh tế sắp ra trường.

Nghề chứng khoán, sự thất thế…

Tại một số trường đại học khác như Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội…, ngành chứng khoán cũng đã không còn là ngành được các sinh viên ưa thích lựa chọn như thời TTCK lên cao điểm. Cử nhân chuyên ngành chứng khoán tốt nghiệp trong 1-2 năm vừa qua, nếu không phải loại xuất sắc, thường rất khó tìm được công việc đúng ngành. Anh Thanh Hà, cựu sinh viên Học viện Tài chính sau gần 2 năm ra trường, nhờ mối quan hệ quen biết, mới tìm được công việc tập sự ở một CTCK trong Top 10. Nhưng làm được hơn 1 tháng, anh đã được lãnh đạo Phòng và Giám đốc quản lý nhân sự động viên… nghỉ việc, vì Công ty đang dư người, không có việc cho anh.

Ở nhiều CTCK, nhận thức rõ tình trạng khó khăn của thị trường còn kéo dài, nên biện pháp duy nhất để tồn tại qua giai đoạn này là giảm chi phí thông qua việc cắt giảm số lượng nhân sự. Ở một số CTCK lớn từng có hơn 500 nhân viên, nay tinh gọn lại còn khoảng 200 người. CTCK SBS cũng từ hơn 500 nhân sự phải giảm xuống còn dưới 200 nhân sự. Một số CTCK nhỏ khác, lượng nhân sự làm việc cũng giảm khoảng 50% so với 1-2 năm trước.

Nguyễn Thanh Hồng tốt nghiệp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Pháp, sau 3 năm làm việc tại đây, cô trở về Việt Nam năm 2007, đúng lúc TTCK ở thời cực thịnh. Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc sẵn có, cô được chọn vào vị trí giám đốc khối quản trị rủi ro, rồi giám đốc kinh doanh của một CTCK. 2 năm sau, Thanh Hồng thay đổi công việc, sang một CTCK khác làm Giám đốc tài chính. Trao đổi với ĐTCK mới đây, Hồng chia sẻ, công việc hiện nay của cô và công ty hầu như bị ngưng trệ. Trừ môi giới còn nhúc nhích có doanh thu, các nghiệp vụ chính của CTCK (tự doanh, bảo lãnh phát hành, tư vấn) đều bế tắc. Nguồn thu lớn nhất của Công ty nơi Hồng làm việc lúc này là từ lãi tiền gửi ngân hàng.

Chưa bao giờ cơ hội việc làm trong ngành chứng khoán lại khắc nghiệt như hiện nay. Trong bức tâm thư gửi người lao động về biện pháp buộc phải cắt giảm nhân sự, Tổng giám đốc SBS Võ Duy Đạo đã thừa nhận tình trạng SBS đứng “dưới mặt đất” và ở giữa ranh giới “tồn tại hay không tồn tại”, Công ty không còn đủ khả năng trang trải cho lực lượng lao động như hiện có. Sau thông điệp này, dù có ray rứt thế nào thì quyết định vẫn cứ là quyết định. Hàng chục, hàng trăm nhân sự bị mất việc tại CTCK và lại phải bước vào cuộc săn tìm một chỗ đứng, tìm một cơ hội việc làm mới để mưu sinh.

Tại một CTCK khác, áp lực cắt giảm nhân sự được giao khoán cho từng phòng, ban. Mỗi đơn vị phải giảm từ 30-50% nhân sự hiện có và tự lãnh đạo cấp phòng phải thỏa thuận với từng nhân sự để trình Ban tổng giám đốc một danh sách dự kiến cắt giảm.

Cách làm “êm ái” nhất của nhiều CTCK là điều chuyển nhân sự (sang bộ phận kinh doanh) và áp định mức doanh thu cho các nhân sự. Khi nhân sự không đạt định mức thì đó là cái lý phù hợp nhất để cắt hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình sàng lọc, đào thải bớt nhân sự, có không ít câu chuyện cười ra nước mắt khi cả bà bầu, phụ nữ đang nuôi con nhỏ cũng thuộc đối tượng được vận động nghỉ việc, dù pháp luật không cho phép sa thải trong trường hợp này.

…. hay cơ hội đặc biệt?

Trở lại với câu chuyện với giảng viên D. Hoang Quan, ông đã ứng xử ra sao trước sự từ chối đồng loạt của các sinh viên về việc chọn làm việc trong ngành chứng khoán? “Hãy mở rộng tầm nhìn, hãy xem đường đi của TTCK Mỹ từ năm 1950-2010 sẽ thấy, trong một chu kỳ đủ dài, TTCK luôn xác lập xu thế đi lên”, ông nói. “Khi chúng ta 21 tuổi, chúng ta có cơ hội để ở cùng TTCK một thời gian đủ dài để tận hưởng xu hướng tăng điểm của TTCK. Như một quy luật, khi mọi người chán nản với chứng khoán, thì đó chính là cơ hội đặc biệt cho những người dám bước chân vào”, ông nói tiếp.

Lời khuyên của giảng viên D. Hoang Quan với sinh viên có xác đáng hay không vẫn là một câu hỏi ngỏ trong bối cảnh những khó khăn bộn bề trên thị trường hiện nay đang nhấn chìm những hình ảnh đẹp của lớp nhân sự năng động trên thị trường này. Chính ông D. Hoang Quan, một người lạc quan với TTCK Việt Nam và có những nỗ lực thực sự để thu hút dòng tiền mới từ nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK cũng “nghi ngờ chính mình”, khi thực tế cho thấy, TTCK không có quy luật, chuyển động ngược với các dự liệu lạc quan.

Hàng ngày, trên các phương tiện truyền thông có không ít nhận định về thị trường được đưa ra theo cùng một khuôn mẫu diễn đạt “Nếu…, thì”. Mới đây nhất, trao đổi với báo chí, ông Dominic Scriven nhận định, nếu niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế phục hồi thì TTCK Việt Nam sẽ phục hồi. Nhưng bao giờ TTCK phục hồi, 6 tháng, 1 năm nữa…, theo ông, thật khó mà đoán trước được. Bức tranh thị trường ở trạng thái không dự đoán được với ngay cả người đứng đầu một quỹ đầu tư lớn, trung thành nhất với TTCK Việt Nam, đã phản ánh tâm lý bấp bênh chung của các nhân sự trong ngành, mà chưa biết đến khi nào mới đi vào trạng thái ổn định.

Nghề chứng khoán, sự thất thế đang ngày càng hiện hữu khi ngày càng nhiều CTCK đảo chủ, cắt giảm nhân sự, điều chuyển nhân sự (từ lao động có thời hạn thành cộng tác viên)… Khi tương lai phía trước chưa rõ ràng, liệu có hay không cơ hội đặc biệt cho những người dám dấn thân trong giai đoạn đặc biệt? Dù sao, trước sự sa sút về tinh thần và sự suy giảm thực tế về số lượng người làm việc trong ngành chứng khoán, một câu hỏi lớn đặt ra là có nên xây dựng một Chiến lược nhân sự ngành chứng khoán? Nhìn đi nhìn lại 12 năm qua, công tác đào tạo đội ngũ nhân sự cho ngành chứng khoán vẫn phát triển theo kiểu tự phát. Lúc thị trường sốt nóng thì nhiều trường đại học mở chuyên ngành này, lúc thị trường khó khăn thì các trường thu hẹp số lớp học hoặc đóng cửa. Đơn vị duy nhất trong ngành lo công tác đào tạo nhân sự là Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 2 năm gần đây hoạt động quá yếu, hầu như không có chương trình mới để thu hút học viên. Thử hình dung với tình cảnh này, 5 năm nữa, lớp nhân sự nào sẽ giữ vai trò trụ cột trên TTCK Việt Nam? Xin gửi câu hỏi trên đến những người có trách nhiệm xây đắp một TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững.

Tường Vi - Trương Văn Hưng

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại SBS (10/08/2012)

>   Nhận diện thủ thuật “làm đẹp” BCTC và nguồn gốc lợi nhuận doanh nghiệp (10/09/2012)

>   PPE không được giao dịch ký quỹ từ 13/08 (10/08/2012)

>   Thị trường chứng khoán: Bài học từ những sai phạm (10/08/2012)

>   10/08: Bản tin 20 giờ qua (10/08/2012)

>   VDS: Tỷ lệ an toàn vốn khả dụng 6 tháng đầu năm 2012 là 224.83% (09/08/2012)

>   Vốn ngoại có mặt ở gần 50 CTCK (09/08/2012)

>   Công ty chứng khoán rầm rộ tuyển broker! (09/08/2012)

>   Chứng khoán - Ngân hàng: Từ ngang hàng thành lệ thuộc (09/08/2012)

>   Vì sao chưa có công ty chứng khoán nào phá sản? (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật