Thứ Sáu, 10/08/2012 15:53

Liệu Standard Chartered có bị cấm cửa ở Mỹ?

Đầu tuần này, Cơ quan Dịch vụ tài chính bang New York (DFS) của Mỹ đã có thông báo chính thức cáo buộc Ngân hàng Standard Chartered (Anh) bất chấp lệnh cấm của Chính phủ Mỹ, đã dám “đi đêm” bắt tay với Iran để rửa tiền bất hợp pháp, với khoản tiền lên tới 250 tỷ USD trong gần một thập kỷ qua.

Ông Benjamin Lawsky, Giám đốc DFS khẳng định, cơ quan này có đầy đủ bằng chứng cho thấy, Standard Chartered đã che giấu 60.000 giao dịch bí mật cho các “thể chế tài chính Iran”, vốn đang phải chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ (có hiệu lực từ năm 1979). Ông Benjamin Lawsky đã dùng nhiều lời lẽ khá gay gắt và lớn tiếng dọa sẽ rút giấy phép hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Standard Chartered tại Mỹ.

Nếu điều này trở thành hiện thực, Standard Chartered sẽ phải chấm dứt mọi hoạt động tại thị trường Mỹ, tức bị cấm cửa hoàn toàn.

Sau khi có tuyên bố trên của DFS, giá cổ phiếu của Standard Chartered đã bị giảm 2 phiên liên tục. Riêng trong phiên giao dịch ngày 7/8 tại Sở GDCK London (Anh), có thời điểm giá cổ phiếu của Standard Chartered sụt tới 25%, mức giảm lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, vào thời điểm đóng cửa, giá cổ phiếu của Standard Chartered “chỉ” giảm có 16%. Như vậy, giá trị vốn hoá thị trường của Standard Chartered đã bị mất đứt hơn 10 tỷ USD.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, không chỉ bị thiệt hại về tài chính, mà Standard Chartered chắc chắn sẽ bị sứt mẻ về uy tín, không ít thì nhiều. Sau khi HSBC và Barclays bị dính vào các bê bối lớn về “rửa tiền”, lũng đoạn tỷ giá liên ngân hàng Libor, thì Standard Chartered được coi là ngân hàng lớn duy nhất không bị tỳ vết. Giờ thì nhận định này không còn đúng nữa.

Vào cuối tuần trước, Standard Chartered vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, kết quả đạt được rất mỹ mãn, khi lợi nhuận thuần của Standard Chartered đạt 2,86 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giữa tuần này, ông Peter Sands, 50 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) Standard Chartered thừa nhận: “Tôi thực sự lấy làm tiếc về những sai phạm mà Chi nhánh Standard Chartered tại Mỹ đã làm, song về thực chất, chưa đến mức nghiêm trọng để bị rút giấy phép”.

Có nhiều chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp ở Anh cho rằng, ông Benjamin Lawsky đã dùng nhiều từ thiếu chọn lọc, có thể hơi nặng lời với Standard Chartered.

Có thể, do cách đây ít lâu, sau khi có Ngân hàng HSBC cũng của Anh bị cáo buộc đã tiếp tay cho nhiều phần tử bất hảo rửa tiền ở Mỹ, lãnh đạo HSBC đã thành khẩn nhận lỗi và thu xếp 700 triệu USD nhằm dàn xếp ổn thoả vụ này. Được thể, Mỹ cũng muốn có cách xử lý tương tự với Standard Chartered.

Ông Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cũng lên tiếng bênh vực Standard Chartered khi cho rằng: “Các cơ quan chức năng Mỹ đã phản ứng hơi thái quá”.

Rồi ông Boris Johnson, Thị trưởng Thành phố London cũng phản ứng rằng, những tuyên bố sặc mùi hăm doạ và có phần ngạo mạn của ông Benjamin Lawsky có ảnh hưởng xấu đến thanh danh của London, một trong số trung tâm tài chính lớn nhất của thế giới.

Cũng có ý kiến cho rằng, con số 250 tỷ USD đã bị “thổi phồng” khi một số nhà quản lý cao cấp của Standard Chartered ước tính tổng giá trị giao dịch chỉ cỡ vài chục triệu USD. Hơn nữa, các giao dịch kiểu này đã chấm dứt cách đây 5 năm.

Điều đáng chú ý nữa, là trong vụ việc này, cơ quan điều tra khẳng định Deloitte, tập đoàn kế toán – kiểm toán quốc tế lớn đã giúp Standard Chartered qua mặt cơ quan chức năng. Cụ thể, nhiều nhân viên tư vấn của Deloitte đã giữ kín các chi tiết mà họ nắm được về giao dịch của Standard Chartered với các khách hàng Iran.

Có cả ý kiến cực đoan cho rằng, 90% doanh thu hàng năm của Standard Chartered có được từ các nước đang phát triển, nên dẫu có bị “bật bãi” khỏi Mỹ, thì Standard Chartered cũng không bị ảnh hưởng lớn.

Tuy nhiên, ông Cormac Leech, chuyên gia phân tích về ngân hàng của Hãng Liberum Capital có trụ sở chính ở London lại nhận định, xét một cách khách quan và với những bằng chứng đã công bố, thì Standard Chartered khó lòng mà chối tội. “Áp dụng những quy định của Mỹ có liên quan đến an ninh quốc gia…, thì Standard Chartered có thể bị nộp phạt tới 1,5 tỷ USD. Mọi người cũng nên kiềm chế để xử lý cho có lý có tình. Đừng để sự việc bé xé ra to, hoàn toàn không có lợi cho Standard Chartered”, ông Cormac Leech cảnh báo.

Ngày 8/8, ông Jay Carney, Thư ký phụ trách báo chí của Nhà Trắng phát biểu: “Bộ Tài chính Mỹ đang làm việc với các cơ quan hữu trách cấp liên bang và tiểu bang để sớm làm rõ mọi việc. Trên cơ sở đó, sẽ có hình phạt thích hợp với Standard Chartered”.

Được biết, Standard Chartered đã thuê 2 hãng luật danh tiếng là Sullivan & Cromwell ở New York (Mỹ) và Slaughter & May in London để làm việc với các cơ quan hữu trách của Mỹ, như Bộ Tài chính, DFS… Điều này cho thấy, Standard Chartered cũng đã thấy rõ được “sự nghiêm trọng của vấn đề, không thể xem nhẹ và chủ quan”.

Trung Hiếu

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Australia nâng mức dự báo về tăng trưởng kinh tế (10/08/2012)

>   Kinh tế Hồng Kông: Bí ẩn đằng sau mác tự do (10/08/2012)

>   Những nền kinh tế tệ nhất thế giới (10/08/2012)

>   Choáng giá nhà đất 3 tỷ đồng/m2 (09/08/2012)

>   Anh sẽ rời bỏ EU? (09/08/2012)

>   BoF: Kinh tế Pháp trước ngưỡng cửa suy thoái (09/08/2012)

>   Kinh tế Đức bị "nhiễm sốt" khủng hoảng nợ Eurozone (09/08/2012)

>   Diễn biến thị trường tiền tệ sau quyết định của BoJ (09/08/2012)

>   Hàng loạt ngân hàng trung ương ngừng nới lỏng tiền tệ (09/08/2012)

>   Fitch Ratings cảnh báo các ngân hàng châu Á (09/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật