Hy Lạp có hy vọng được nới lỏng thỏa thuận cứu trợ
Trong tuần này, tại các cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande dự định có thể sẽ điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận cứu trợ Hy Lạp, nếu bộ ba nhà tài trợ là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ghi nhận nước này đã đáp ứng được các điều kiện cứu trợ.
Bà Merkel đã tuyên bố các cuộc gặp sẽ diễn ra trên tinh thần các nước đối tác phải giữ đúng cam kết của mình. Quyết định của Đức về việc có cho Hy Lạp thêm thời gian để thực hiện mục tiêu về ngân sách hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả làm việc của nhóm kiểm toán của các nhà tài trợ mà sẽ được công bố vào cuối tháng tới. Trong khi đó, ông Hollande giữ vững quan điểm rằng việc Hy Lạp tuân thủ các điều kiện cứu trợ là vô cùng cần thiết, song nước này cũng cần phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi Hy Lạp muốn có bốn năm thay vì hai năm để thực hiện các biện pháp khắc khổ, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble cho rằng đó không phải là giải pháp cho vấn đề của Hy Lạp. Tuy nhiên, theo nghị sỹ Norbert Barthle thuộc liên minh cánh hữu cầm quyền của bà Merkel cho rằng có những dấu hiệu cho thấy đảng Bảo thủ ở nước này không sẵn sàng trì hoãn các mục tiêu về cải cách ở Hy Lạp, song có thể chấp nhận sự điều chỉnh trong các vấn đề như lãi suất và thời hạn thanh toán các khoản vay trong gói cứu trợ thứ hai như đã làm đối với gói cứu trợ thứ nhất dành cho nước này.
Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) Jean-Claude Juncker cảnh báo Hy Lạp đang đứng trước cơ hội cuối cùng để tránh nguy cơ vỡ nợ.
Ông cho rằng khoản cho vay tiếp theo trong gói cứu trợ dành cho Hy Lạp sẽ phụ thuộc vào một chiến lược đáng tin cậy của nước này nhằm cắt giảm chi tiêu, từ đó khôi phục nền tài chính ốm yếu. Ông hối thúc nước này đẩy nhanh các cải cách cơ cấu và chương trình tư nhân hóa để đưa nền kinh tế thoát khỏi tình cảnh ngặt nghèo.
Trong bối cảnh hiện nay, bà Merkel và ông Hollande đang cố gắng giữ vững niềm tin rằng họ sẽ tái lập một mối quan hệ như đã từng có giữa bà Merkel và người tiền nhiệm của ông Hollande là ông Nicolas Sarkozy.
Hai nhà lãnh đạo này sẽ phải tìm tiếng nói chung cho các vấn đề quan trọng mà EU sẽ phải giải quyết trong nửa cuối năm nay như vấn đề của Hy Lạp, củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ hơn nữa và việc giám sát độc lập đối với lĩnh vực ngân hàng châu Âu.
Trục Pháp-Đức đã rơi vào căng thẳng do những kêu gọi của ông Hollande về việc có thêm biện pháp kích thích tăng trưởng, trái ngược với chủ trương thắt lưng buộc bụng của bà Merkel./.
Lê Minh
Vietnam +
|