Thứ Ba, 07/08/2012 22:09

Hút vốn FDI của nhà đầu tư vệ tinh

Việc Công ty Moreens (Hàn Quốc) liên doanh với các đối tác Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất màn hình cảm ứng tại Bắc Ninh mở ra cơ hội thu hút thêm các nhà đầu tư vệ tinh tiềm năng đầu tư vào Việt Nam.

Một trong những thông tin đáng chú ý về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những ngày đầu tháng 8 này, chính là việc UBND tỉnh Bắc Ninh đã đồng ý về chủ trương cho Công ty cổ phần Công nghệ Bắc Việt liên doanh với Công ty Moreens (Hàn Quốc) và Tập đoàn Kangaroo (Việt Nam) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất màn hình cảm ứng tại KCN Quế Võ 1 (Bắc Ninh).

Hiện tại, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh, Bắc Việt chưa chính thức nộp hồ sơ đăng ký đầu tư lên các cơ quan chức năng của tỉnh này. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Công ty cho biết, thực tế, ba bên (Bắc Việt, Moreens, Kangaroo) đã ký biên bản bản ghi nhớ về việc hợp tác đầu tư dự án này từ tháng 4/2012. Theo kế hoạch, trong tháng 8 này, hợp đồng liên doanh sẽ được ký kết, và ngay sau đó, các bên liên doanh sẽ làm các thủ tục cần thiết để dự án có thể được cấp chứng nhận đầu tư.

Mặc dù thủ tục đầu tư chưa thực hiện, song thông tin từ Bắc Việt cho biết, theo kế hoạch, trong tháng 9-10/2012, liên doanh sẽ chuẩn bị nhà xưởng để đến tháng 10-11/2012 lắp đặt thiết bị. Và nếu mọi việc suôn sẻ, tháng 12/2012, nhà máy có thể bắt đầu đi vào sản xuất, với năng lực sản xuất giai đoạn I là 600.000 sản phẩm/tháng, tương đương 7,2 tấn sản phẩm/năm. “Đối tác phía Hàn Quốc của chúng tôi muốn đẩy nhanh quá trình triển khai dự án ở Việt Nam”, đại diện của Bắc Việt nói và cho biết, nhà máy mới sẽ được xây dựng trên khu đất 3,5 ha mà hiện tại Bắc Việt đã xây dựng nhà máy của mình, nhưng chưa sử dụng hết.

Quy mô dự án, theo tính toán ban đầu của Bắc Việt, vào khoảng 10 triệu USD, tuy nhiên tỷ lệ góp vốn giữa ba bên chưa được tiết lộ.

Đây là dự án có vốn đầu tư không lớn, song lại khá có ý nghĩa đối với thu hút FDI ở Việt Nam. Lý do là vì, Moreens chính là một trong những nhà đầu tư vệ tinh cho tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới Samsung Electronics. Việc Moreens liên doanh với hai doanh nghiệp Việt để sản xuất màn hình cảm ứng cũng là để cung cấp cho nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh, vốn đang phát triển rất nhanh chóng và đã thu hút được một số lượng không nhỏ các nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam.

Thực tế thì hiện nay, Bắc Việt đã là nhà cung cấp các linh kiện cho không chỉ Canon, mà còn Samsung, Panasonic, Foster… ở Việt Nam. Song nhìn vào sản phẩm chủ lực của Công ty, chủ yếu là khuôn mẫu, sản phẩm nhựa…, có thể thấy, mức độ tham gia của Bắc Việt trong quy trình sản xuất của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới này chỉ là ở… vòng ngoài.

Hiện tại, dự án liên doanh vẫn chưa thành hình, song với sự tham gia của nhà đầu tư Hàn Quốc, cộng với kế hoạch sản xuất màn hình cảm ứng, có vẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu có cơ hội trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, nhằm tạo sức lan tỏa đối với kinh tế - xã hội đất nước, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp “nội”.

Cùng với đó, thu hút đầu tư của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng sẽ góp một phần quan trọng vào việc kéo theo hàng loạt nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam.

Chẳng hạn, Samsung, sau khi mở nhà máy điện thoại di động ở Bắc Ninh, tính tới cuối năm ngoái, đã thu hút được hơn 40 nhà đầu tư vệ tinh, với tổng vốn đăng ký 250 triệu USD. Với Intel cũng tương tự, rất nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ mối quan tâm tới thị trường Việt Nam sau khi “đại gia” này mở nhà máy ở Việt Nam...

Cách đây vài tháng, khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) công bố kế hoạch có thể tham gia vào Dự án Thép Guang Lian (Dung Quất), đã có Yoshizawa, Mining, Morimura và BIKEN đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam, với mong muốn cung ứng sản phẩm của mình cho dự án đang đợi nâng vốn lên 4,5 tỷ USD này.

Còn mới đây, Công ty Tokyo Keiki (Nhật Bản) chỉ vừa thông báo sẽ đầu tư vào Đà Nẵng và tháng 8 này họ mới chính thức làm các thủ tục đầu tư (tổng vốn đăng ký khoảng 40 triệu USD), song đã có doanh nghiệp khác từng liên kết với họ “ngấp nghé”. Niwa là ví dụ điển hình. Doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí thủy lực chính xác cao này cũng đã đến khảo sát và dự định đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Hà Nguyễn

đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhiều khuyến mãi cho doanh nghiệp vay vốn rẻ (07/08/2012)

>   Sắp hoàn tất đàm phán dự án lọc dầu thứ hai tại Việt Nam (07/08/2012)

>   7 tháng, EVN mua của Trung Quốc gần 1,6 tỷ KWh điện (07/08/2012)

>   Nhiều dự án lớn phải dừng vì vốn từ EVN và Petro Vietnam (07/08/2012)

>   Doanh nghiệp Cần Thơ xin giải cứu (07/08/2012)

>   SCG và dấu ấn của người Thái (07/08/2012)

>   Tăng liều lượng xử lý hai điểm nghẽn lớn (07/08/2012)

>   Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại gặp sự cố (07/08/2012)

>   “Đây chính là lúc dồn nguồn lực để nuôi ý chí” (07/08/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam “tin” Mỹ hơn Trung Quốc (07/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật