Hà Nội: Trung tâm thương mại hoạt động không hiệu quả
Đó là ý kiến của lãnh đạo một số quận huyện tại cuộc họp đánh giá tình hình quản lý và đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn TP Hà Nội do ông Nguyễn Văn Sửu, phó chủ tịch UBND TP, chủ trì chiều 8-8.
Ông Lâm Quốc Hùng, phó chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm, phân tích: “Một số chợ được đầu tư chuyển đổi, xây mới thành trung tâm thương mại nhưng dân không vào mua vì việc đầu tư, chuyển đổi chưa thật sự phù hợp. Tại chợ Hàng Da, sau khi được chuyển đổi, xây dựng mới thì các ngành hàng như quần áo, tạp phẩm hoạt động không hiệu quả khiến một số hộ kinh doanh bỏ chợ, bán lại sạp hàng. Chợ có năm tầng nhưng chỉ có một tầng hầm gửi xe khiến xe ra vào rất khó khăn. Ngoài ra, giá giữ xe không được kiểm soát, cứ xe máy vào là thu 5.000 đồng nên người dân ngại vào chợ”.
Cũng theo ông Hùng, khi giao cho doanh nghiệp xây dựng, chuyển đổi chợ thành các trung tâm thương mại thì giá cho thuê sạp thường cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn quy định năm năm sẽ tăng giá cho thuê sạp nên các chi phí tăng lên khiến người kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Việt Hà - phó chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy, người dân đặt vấn đề: trên địa bàn quận chỉ còn 3 chợ truyền thống, nếu chuyển đổi hết thành trung tâm thương mại là không ổn. Các hộ kinh doanh cho rằng khi chuyển đổi chợ thành trung tâm thương mại, giá cho thuê sạp tăng tới 3 lần. Hơn nữa, việc chuyển đổi chợ được giao cho doanh nghiệp, khi đó quyền nâng giá lên là của doanh nghiệp, trong khi người dân chỉ tin vào Nhà nước... Đa số hộ kinh doanh ở Q.Cầu Giấy đề nghị nếu chuyển đổi chợ thì chỉ ở mức xây dựng thấp tầng, có thể tới 2 tầng, không nên chuyển tất cả chợ sang trung tâm thương mại.
Ông Nguyễn Văn Sửu cho rằng trong thiết kế về mô hình chợ tới đây phải giữ được chợ truyền thống, phải dành khu vực bán hàng cho các hộ kinh doanh từ chợ truyền thống chuyển sang.
XUÂN LONG
Tuổi Trẻ
|