Thứ Tư, 08/08/2012 14:00

Nhà phân phối nội: Ngậm ngùi phận làm bàn đạp

Các thương hiệu toàn cầu đang có nhiều động thái sắp xếp lại đối tác phân phối độc quyền nhằm đạt được tham vọng vị thế số 1 tại thị trường Việt Nam.

Báo Đầu tư số ra ngày 6/8 đã “giải mã” vụ Hãng sữa Abbott (Mỹ) mua lại đối tác phân phối độc quyền sản phẩm dinh dưỡng của mình tại Việt Nam là Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (3A Nutrition) như một cách dùng nhà phân phối độc quyền làm bàn đạp giúp thương hiệu toàn cầu thâm nhập sâu hơn tại thị trường Việt Nam, thậm chí là đạt tới ngôi vị số 1.

Về phần mình, 3A Nutrition có vẻ như tình nguyện thuộc về Abbott và khẳng định việc bán lại toàn bộ cho Abbott là nhằm mục đích để các dòng sản phẩm của Abbott thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Song, ở một góc nhìn khác, vì sao một hãng sữa lớn như Abbott, dư tiền để xây dựng cả một công ty phân phối mà khi bước chân vào thị trường Việt Nam lại muốn tìm một nhà phân phối độc quyền?

Cách đây 18 năm, Abbott quyết định chọn 3A Nutrition vì ông chủ công ty này là TS. Chris Quach, một Việt kiều Mỹ gốc Hoa, là người biết khá rõ thị trường sữa bột tại Việt Nam với các nhãn hàng Meiji (Nhật), Similac (Mỹ), Guigoz (Hà Lan), Dumex (Đức)… Abbott ấn tượng bởi ông chủ 3A này rất muốn trở thành nhà tiếp thị tốt cho sản phẩm và giúp giảm chỉ số suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam xuống mức thấp nhất. Thậm chí, nhiều năm sau đó, 3A không hoạt động như vai trò một nhà kinh doanh, mà là nhà giáo dục.

Đó là những gì Abbott mong muốn khi thâm nhập thị trường Việt Nam. Công ty 3A Nutrition đã làm nhiệm vụ phân phối của mình quá tốt. Thậm chí, mỗi năm, công ty này còn đầu tư 2 - 3 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. “Abbott đã dùng 3A để giảm rủi ro về thu hồi công nợ, giao hàng, nghiên cứu thị trường… Nếu Abbott không thâu tóm toàn bộ 3A Nutrition vào thời điểm này, thì có thể, 3A sẽ thuộc về một đối thủ nào đó. Hơn nữa, Abbott đã nắm được tất cả những thông tin thị trường, họ có thể tự làm hoặc mua lại dễ dàng”, ông Robert Trần, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robeny (Canada) cho hay.

Mặc dù các điều khoản tài chính của thương vụ này không được tiết lộ, nhưng theo khẳng định lãnh đạo của Abbott Nutrition khi trả lời phóng viên Báo Đầu tư, Abbott sẽ đầu tư 20 triệu USD để làm vốn lưu động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A), thời điểm này, cái gì cũng rẻ và ai có tiền sẽ có nhiều cơ hội mua được cái mình cần. Abbott đã nắm lấy thời cơ để vừa mua được với giá tốt, vừa chủ động nắm quyền điều hành. Rõ ràng, động thái của Abbott là muốn khẳng định sức mạnh của mình tại thị trường sản phẩm dinh dưỡng ở Việt Nam với các đối thủ khác.

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường gần đây, lượng sữa bột tiêu thụ trên thị trường Việt Nam đã tăng tới 17%/năm, khiến cạnh tranh giữa các hãng sữa ngày càng gay gắt. Các hãng sữa ngoại hiện chiếm hơn 70% thị phần, trong đó, đứng đầu là Abbott với 32% (gồm các nhãn hiệu như Similac, Gain, PediaSure, Ensure và Glucerna); Dutch Lady (Freisland Campina) chiếm 16%, Dumex chiếm 8%, Nestlé chiếm 4,2%… Thị phần còn lại thuộc về các nhà sản xuất sữa bột trong nước, như Vinamilk, Nutifood...

Trường hợp tương tự cũng đã xảy ra với Công ty cổ phần Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD) khi làm nhà phân phối cho Nokia. Cách đây không lâu, liên minh này đã tan vỡ vì theo Nokia, ngành công nghiệp di động và thị trường điện thoại di động đã phát triển rất nhanh, đòi hỏi phải có những thay đổi để thích ứng. Nokia đã lựa chọn hợp tác với hai nhà phân phối là FPT và Lucky để đẩy mạnh chiến lược tập trung, cải tiến quy trình vận hành.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Samsung đã “hứng” ngay nhà phân phối này, vì theo họ, PSD là một nhà phân phối chuyên nghiệp có thể phủ toàn thị trường. Việc đó sẽ đưa Samsung lên “ngôi vương” trên thị trường điện thoại di động Việt Nam. Thực tế, nếu xét riêng về điện thoại thông minh (smartphone), Samsung đang dẫn đầu thị trường Việt Nam, với việc nắm giữ 53% thị phần tính đến hết năm 2011. Tuy nhiên, về tổng thể, Samsung đứng vị trí thứ 2, sau Nokia.

Những động thái trên cho thấy, biết đâu một ngày nào đó, khi Samsung đạt được mục đích của mình, thì số phận PSD cũng bị lung lay?

Vũ Anh

đầu tư

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xăng dầu cấp tập tìm hàng thay Dung Quất (08/08/2012)

>   Nhiều tiêu cực tại Tổng công ty Thép Việt Nam (08/08/2012)

>   Giá điện có tăng thì phải có giảm (08/08/2012)

>   McGraw-Hill rút khỏi thị trường Việt Nam (08/08/2012)

>   Hàng Thái bao phủ thị trường (08/08/2012)

>   Sáp nhập VinaPhone, MobiFone: Đến cuối năm mới rõ (07/08/2012)

>   Hút vốn FDI của nhà đầu tư vệ tinh (07/08/2012)

>   Nhiều khuyến mãi cho doanh nghiệp vay vốn rẻ (07/08/2012)

>   Sắp hoàn tất đàm phán dự án lọc dầu thứ hai tại Việt Nam (07/08/2012)

>   7 tháng, EVN mua của Trung Quốc gần 1,6 tỷ KWh điện (07/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật