Thứ Năm, 30/08/2012 11:14

Doanh nghiệp cảng biển tự “dìm” nhau

Tình trạng hàng loạt cảng biển tìm cách “dìm” nhau bằng chính giá dịch vụ không chỉ khiến cho các DN cảng biển “nội” thua ngay trên sân nhà mà nhiều đơn vị có nguy cơ phá sản vì đứng trước việc thua lỗ.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cảng biển VN (VPA), từ đầu năm đến nay, lượng hàng hoá qua cảng tăng khoảng 4%. Hàng hóa tăng, song các DN cảng biển vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn và đều trong tình trạng bị thua lỗ bởi giá dịch vụ tại các cảng đang giảm mạnh. Trong đó, nhiều cảng đã phải giảm 15 – 20% giá cước, thậm chí có cảng giảm tới 30% giá cước đối với hàng container. Đây là giá thấp nhất trong khu vực và chỉ bằng khoảng 50% so với những nước có giá dịch vụ cao như Singapo, Nhật Bản…

Ăn vào thịt mình

Ông Vũ Khắc Từ - TGĐ Cty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh cho biết: Ở thời điểm hiện tại, các cảng biển giá dịch vụ trung bình 40 USD/container 20 feet (tiêu chuẩn) và thời gian gần đây tại khu vực tỉnh BR - VT đã xuất hiện một số cảng thực hiện việc bốc dỡ chỉ khoảng trên 30 USD/container. Với mức giá này thì bình quân đã giảm gần 10 USD/container so với hai năm trước đây. Tuy nhiên, mức giá này đã thấp hơn so với mức độ định giá đầu tư ban đầu tại nhiều cảng khoảng 15- 20 USD/container. Theo ông Từ, các DN cảng đang phải “ăn” trực tiếp vào giá trị đầu tư của cảng như một cách ăn thịt chính mình.

Thực tế, hiện nay hàng hoá vẫn tập trung về những nơi tập trung KCN, KCX là cụm cảng tại khu vực TP HCM (Cảng Tân Cảng - Cát Lái, VICT với hàng container và Cảng Tân Thuận, Khánh Hội (hàng rời) hay tại phía Bắc là các cảng thuộc cụm Cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hãng tàu liên tiếp lỗ trong các năm gần đây do lượng cung vượt quá cầu, họ đều yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ cảng giảm giá nâng hạ, xếp dỡ.

Giá dịch vụ không thể tăng trong khi các chi phí đầu vào như điện, nhiên liệu đều tăng là khó khăn rất lớn cho các DN khai thác cảng. Bên cạnh đó, vốn đầu tư xây dựng cảng và mua trang thiết bị cảng lại rất lớn, thường vài trăm triệu USD cho một dự án; Áp lực lãi suất vay ngân hàng cao làm cho các cảng mới ra đời đều gặp rất nhiều khó khăn. Ngay tại khu vực Thị Vải- Cái Mép có 5 Cảng Container đã hoàn tất xây dựng và đưa vào hoạt động gồm: Cảng CMIT, TCIT, TCCT, SP-PSA và SITV song hiện chỉ có hai cảng có tàu container là Cảng CMIT và Cảng TCIT của Tân Cảng Sài Gòn. Các cảng còn lại phải chuyển sang làm hàng rời và tàu thỉnh thoảng mới có. Cảng SSIT do SSA của Mỹ đầu tư đã xây dựng xong nhưng hiện cũng chưa có tuyến dịch vụ nào.

Giải pháp giá sàn

Mặc dù, nhiều cảng hiện đang được đầu tư mới có công suất cẩu đạt trên 50 container/giờ nhưng hầu hết phải liên doanh với các đối tác nước ngoài và thậm chí các đối tác chiếm phần lớn cổ phần trong liên doanh. Do đó, khi đồng loạt các cảng này đi vào hoạt động thì sức ép cạnh tranh về giá dịch vụ tại cảng sẽ càng lớn.

Để tìm giải pháp “cứu” DN nội không bị thiệt thòi khi “biếu” lợi thế “sân nhà” cho các DN nước ngoài, vừa qua Cục Hàng hải VN đã có văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải về việc ban hành giá sàn dịch vụ xếp dỡ tại một số khu vực cảng. Trong đó, tại khu vực Cái Mép - Thị Vải giá sàn bình quân đã được xây dựng khoảng 65 USD/container. Theo ông Trần Khánh Hoàng, đây là việc làm rất quan trọng hỗ trợ trực tiếp các DN cảng nội địa nhưng vấn đề chính là phải kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ được mức giá này. Trong đó, quản lý khó nhất khi các đối tác liên doanh cảng cùng với các hãng tàu sẵn sàng bắt tay “làm giá” ngay từ bên ngoài VN. Chắc chắn họ đưa ra mức giá phí dịch vụ cảng biển có lợi cho hãng tàu để ép cảng nội địa “phá giá” thị trường làm các đối tác liên doanh nội thua lỗ triền miên và dẫn đến tự... chết. Thực tế này các DN cảng đã gặp trong việc hãng tàu đã ép giá cảng nội thực hiện dịch vụ bốc dỡ hàng tại khu vực Cái Mép- Thị Vải thấp hơn giá bình thường lên đến hàng chục USD một container.

Ông Nguyễn Trọng Cừu - TGĐ Cảng Bến Nghé:

Các hãng tàu liên doanh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Giá dịch vụ cảng giảm nhưng liệu các hãng tàu có giảm cho chủ hàng hay không thì không thể biết được. Và trong trường hợp này, các hãng tàu liên doanh đầu tư cảng có thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chỉ có nhà đầu tư nội thua thiệt. Giá dịch vụ tại các cảng liên doanh luôn thấp hơn cảng nội địa khoảng 5 USD/teus hàng hiện nay là một minh chứng.

Bên cạnh đó, phí dịch vụ cảng biển tại VN chiếm quá nhỏ trong chuỗi dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển. Cụ thể, một container hàng đi Mỹ hoặc châu Âu có giá khoảng từ 1.500 đến 1.800 USD và trong này cả hệ thống dịch vụ của VN chỉ thu được phí dịch vụ cảng biển khoảng 40 - 50 USD.

Ông Trần Khánh Hoàng - Phó TGĐ Cty Tân Cảng Sài Gòn:

Bài toán cạnh tranh

Bài toán cạnh tranh về giá dịch vụ đang phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố chất lượng và công suất tại các cảng biển. Thực tế, tại khu vực phía Bắc gồm Hải Phòng, Quảng Ninh có đến 11 cảng container thì chỉ có ba cảng có công suất xếp dỡ từ 40 đến 50 container/giờ. Còn tại TP HCM đang di dời cảng về khu vực Cái Mép- Thị Vải, Hiệp Phước (Nhà Bè) nên trừ cảng Tân Cảng Cát Lái cùng một số cảng liên doanh đạt công suất từ 50 đến 60 container/giờ, số còn lại chỉ có công suất bốc dỡ dưới 30 container/giờ. Với các cảng có công suất thấp sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong cạnh tranh giá dịch vụ tại cảng.

Ông Vũ Khắc Từ - TGĐ Cty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh:

Cảng công suất thấp bất lợi

Để giải phóng hàng trên một tàu có trọng tải trung bình khoảng 2.800 container thì đối với công suất cẩu khoảng 30 container/giờ thì mất khoảng 93 giờ, tương đương 3,87 ngày nhưng với công suất cẩu 50 container/giờ chỉ mất 56 giờ, tương đương 2,3 ngày. Như vậy đã rút ngắn khoảng hơn 1,5 ngày/tàu. Thời điểm hiện tại giá thuê tàu trung bình khoảng 18.000 USD/ngày và nhìn vào đây thấy được hãng tàu tiết kiệm được 27.000 USD, tương đương gần 10 USD/container nếu bốc dỡ tại các cảng công suất cao trên 50 container/giờ.


Thanh Huyền

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Giá thép giảm, lượng tiêu thụ vẫn “giậm chân tại chỗ" (30/08/2012)

>   Doanh nghiệp FDI: "Không từ mà biệt" (30/08/2012)

>   "Mê hồn trận" các công ty con (30/08/2012)

>   VNPT phải trình phương án tái cơ cấu trong năm nay (30/08/2012)

>   Chúng ta đang xuất đi những cái thế giới không thiếu (30/08/2012)

>   Phải đấu giá quyền khai thác than (30/08/2012)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Chậm chạp, bí lối ra (30/08/2012)

>   Không để ngành xuất khẩu “gà nhà đá nhau” (30/08/2012)

>   Khốn đốn vì giá xăng tăng (30/08/2012)

>   Chới với vì giá xăng dầu (29/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật