Chúng ta đang xuất đi những cái thế giới không thiếu
Khi thị trường theo chiều hướng cung nhiều hơn cầu thì lối thoát kinh điển là xuất khẩu, nhưng PGS-TS Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu Thương mại nói: “Chúng ta đang xuất đi những cái thế giới không thiếu”.
* Ngân hàng HSBC vừa giảm mức dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ 16,6% xuống 13,7% và nhập khẩu tăng từ 6,5% tới 12,3% trong năm. Ông nhận định thế nào về dự đoán này ?
- HSBC có cách nhìn riêng khi đưa ra những dự đoán như vậy, đó là những đánh giá đúng và cũng là những điều chúng ta đã lường trước. Những đánh giá của HSBC nặng về mặt giá trị và kim ngạch, nhưng sẽ đầy đủ hơn nếu HSBC đánh giá cả về mặt khối lượng. Nhìn vào những con số đánh giá đó cho thấy, chúng ta vẫn bán được hàng còn giá thấp là do khó khăn chung của cả thể giới.
Có thể giá trị kim ngạch thấp, nhưng nếu khối lượng tụt không đáng kể thì cũng không đến nỗi bi quan quá. Mặc dù về mặt kinh tế, chúng ta bị thiệt, ngoại tệ thu về ít đi nhưng trong điều kiện hiện nay như thế là tích cực. Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bây giờ kim ngạch tăng nhờ giá cao mà lượng xuất đi không đáng kể.
* HSBC cũng dự đoán nhập siêu sẽ ở mức 3,5 tỷ USD trong năm nay, thấp hơn mức dự đoán trước đó là 6,4 tỷ USD, ông bình luận thế nào?
- Đó là điều chưa yên tâm, phải suy nghĩ nhưng chưa đến mức giật mình, vã mồ hôi tìm cách ứng xử.Thời điểm này, nhập siêu không phải là vấn đề lớn của nền kinh tế, song chúng ta cũng chưa vội mừng khi thấy xu hướng nhập siêu thấp. Một nền công nghiệp gia công mà không nhập đầu vào, hệ thống sản xuất không có nhu cầu nhập nguyên liệu, thì nền kinh tế đó thực sự có vấn đề.
* Nhưng trên thực tế, đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam những tháng gần đây đã liên tục suy giảm, nhất là từ thị trường châu Âu ?
- Cầu thế giới hiện nay đã giảm. Sức mua, khả năng tiêu thụ của thị trường thế giới, đặc biệt là ở những nước có nợ công cao, tình hình còn xấu hơn Việt Nam. Trong khi đó, những mặt hàng Việt Nam xuất đi không đặc biệt, không độc đáo mà phần lớn giống các nước ASEAN và Trung Quốc nên tính cạnh tranh không cao.
Thị trường của chúng ta chưa phát triển nhưng độ liên thông với thị trường thế giới rất nhanh. Việt Nam chưa phải là một thị trường thịnh vượng, thậm chí còn đang rất yếu, những chao đảo của thị trường thế giới tác động đến chúng ta rất nhanh kể cả chiều ra lẫn chiều vào. Xuất khẩu của Việt Nam đang cùng lúc chịu 2 lực cản, một là phải cạnh tranh với hàng của các nước, hai là bản thân các nước sở tại đó cũng tự túc được một số mặt hàng.
Chu kỳ khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới tới đây sẽ diễn ra mau hơn. Đây cũng là cơ hội tốt để chúng ta nhìn lại cơ cấu hàng xuất khẩu. Nếu cứ loanh quanh ở mấy mặt hàng truyền thống sẽ không giải quyết được vấn đề. Việc làm thế nào để thành công thì chưa nói nhưng nếu chúng ta không sớm có một cơ cấu xuất khẩu phù hợp, bảo đảm được mức tổn thương ít nhất, thì sẽ liên tục ở vào thế bị động và ngày càng thua thiệt.
* Vậy, theo ông, cách giải quyết nào là hợp lý cho xuất khẩu của Việt Nam?
- Một trong những cái van điều tiết khi thị trường gặp xung đột về mặt cung cầu theo chiều hướng cung nhiều hơn cầu thì lối thoát kinh điển là xuất khẩu. Nhưng bây giờ những cái chúng ta xuất đi thì thế giới cũng không thiếu. Cho nên lối thoát duy nhất, khôn ngoan nhất là tìm thị trường, bởi dù nghèo đến đâu người ta vẫn phải tiêu dùng. Các nhà xuất khẩu phải rất nhạy bén tìm ra những lỗ hổng, những khe hở để chen chân vào song song với việc tìm kiếm thị trường mới xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như gạo, tôm cá, dệt may, cao su...
* Cảm ơn ông
Trình Tiêu thực hiện
doanh nhân sài gòn
|