Điều chỉnh biên độ giao dịch: Con dao hai lưỡi
Mấy tháng trước Sở GDCK TPHCM (HOSE) đã gửi ra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiến nghị điều chỉnh biên độ giao dịch cho HOSE theo hướng mở rộng từ ± 5% lên ± 7%. Ủy ban đã trình kiến nghị này lên Bộ Tài chính và theo nguồn tin đáng tin cậy của TBKTSG, về cơ bản bộ đã đồng ý với chủ trương điều chỉnh biên độ.
Tuy nhiên giải pháp điều chỉnh biên độ, theo ý kiến Bộ Tài chính, không nên thực hiện cùng lúc với một số giải pháp kỹ thuật khác như tăng thời gian giao dịch, áp dụng lệnh thị trường, chuẩn bị thực hiện T+3 đối với cổ phiếu thay vì T+4 như hiện nay. Việc điều chỉnh biên độ như vậy, vẫn cần được cân nhắc về mặt thời điểm sao cho thích hợp.
Mục đích của điều chỉnh biên độ được cho là nhằm tạo thanh khoản, tạo sức hấp dẫn lớn hơn cho chứng khoán, qua đó thu hút thêm nhà đầu tư. Trong bối cảnh thanh khoản cả hai sàn đang yếu ớt, mục đích ấy không phải không đáng xem xét.
Thế nhưng biên độ là con dao hai lưỡi. Trong thị trường bò tót, biên độ cao có thể giúp chứng khoán bật mạnh, đẩy VN-Index đi xa. Còn trong thị trường con gấu, quá trình đó ngược lại. Giá cổ phiếu nếu rớt hết biên độ, có thể giảm nhanh, gây xáo trộn thị trường và tác động mạnh theo hướng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Hiện nay khi kinh tế vĩ mô chưa ổn định, dòng tiền vào chứng khoán chưa được cải thiện, giai đoạn suy thoái của thị trường kéo dài từ năm 2008 chưa kết thúc, việc mở rộng biên độ có khả năng làm thị trường suy yếu nhanh hơn là làm nó tăng trưởng bền vững.
Còn nhớ vào năm 2008 cơ quan quản lý đã phải rút ngắn biên độ của HOSE để kìm hãm sự lao dốc của VN-Index. Sau này việc đưa biên độ trở lại mức cũ gặp phải sự phản ứng từ nhiều phía của thị trường. Và quan trọng là sự co hẹp đó đã không “cứu” được chứng khoán một cách căn bản. Nó chỉ làm cho những “vết thương” chứng khoán khó lành sẹo và biến mất hẳn. Chưa kể những chỉ trích cho rằng giải pháp này mang tính hành chính, phi thị trường đã làm giao dịch trở nên méo mó.
Bây giờ nếu mở rộng biên độ, liệu có ai đó đứng ra đảm bảo thị trường sẽ sôi động, hấp dẫn nhà đầu tư? Còn nếu không, tác hại ngược của nó đã được tính hết? Thay vì tăng trưởng, thị trường quay đầu giảm nhanh, liệu có đưa về lại biên độ cũ? Trên thị trường những quan điểm đầu tư khác nhau đang tồn tại. Một khi cơ quan quản lý chưa có các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát hành vi bán khống, cũng như chưa xử lý tận gốc rễ hoạt động ủy thác đầu tư, làm sao có thể đảm bảo mở rộng biên độ không có rủi ro? Chưa kể về lâu dài, chứng khoán Việt Nam đang cần những “cú hích” để thúc đẩy một cách bài bản và hệ thống đầu tư trung, dài hạn, hạn chế đầu cơ. Mở rộng biên độ đang rất gần với kích thích đầu cơ, kích thích hoạt động hỗ trợ đòn bẩy tài chính mà hậu quả của nó trong hai năm qua đến giờ vẫn chưa giải quyết hết.
Trong khi những giải pháp căn bản như T+2 chưa thể áp dụng; tái cơ cấu khối công ty chứng khoán tiến triển chậm; loại bỏ những đơn vị niêm yết suy giảm chất lượng (kinh doanh thua lỗ, vi phạm công bố thông tin, giao dịch bất thường như cổ đông lớn, ban lãnh đạo bán hết cổ phiếu trước khi thông tin bất lợi được công bố...) còn gặp trở ngại về mặt quy định pháp lý... thì động thái như điều chỉnh biên độ sẽ chỉ làm tính ổn định của thị trường bị tổn thương.
Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 8-8-2012, VN-Index vẫn đang dao động trong khoảng hẹp 400-430 điểm, đóng cửa ở 423,57 điểm, thanh khoản 23,7 triệu cổ phiếu, trị giá 349 tỷ đồng. HNX kết thúc ngày ở 70,48 điểm, có 39,6 triệu cổ phiếu, trị giá 529 tỷ đồng được chuyển nhượng.
Hải Lý
TBKTSG
|