Thứ Sáu, 03/08/2012 22:01

Cần sửa “tỷ lệ vàng” trong quản trị CTCP

Luật Doanh nghiệp đưa ra tỷ lệ vàng 51%, 65%, 75% trong quản trị CTCP. Nhiều ý kiến cho rằng, các tỷ lệ này còn nhiều điểm chưa hợp lý và đề xuất áp dụng thống nhất tỷ lệ 51% trong việc biểu quyết.

Những “tỷ lệ vàng”

Luật DN quy định một số tỷ lệ quan trọng đối với hoạt động quản trị của CTCP. Với việc triệu tập họp ĐHCĐ, khoản 1, Điều 102 quy định, ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu lần triệu tập thứ nhất không thành công, lần triệu tập họp thứ hai phải đạt tối thiểu 51% cổ phần và đến lần thứ ba thì việc tổ chức ĐHCĐ không còn phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông và số cổ phần tham dự.

Theo quy định tại Luật DN, Nghị quyết ĐHCĐ được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Với một số vấn đề khác (như quyết định về loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty; đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng tài sản) nếu Điều lệ công ty không có quy định khác, thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Ngoài ra, Luật quy định, cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có 3/4 thành viên HĐQT tham dự.

Gây vướng cho DN

Thực tế cho thấy, khi TTCK đi xuống, sự quan tâm của cổ đông đến hoạt động của DN cũng giảm sút theo. Mùa ĐHCĐ vừa qua, nhiều công ty niêm yết không tổ chức được Đại hội trong lần triệu tập thứ nhất do không đủ 65% số cổ phần đến dự họp và phải triệu tập đến lần thứ ba, gây không ít khó khăn và tốn kém cho DN.

Để giảm bớt gánh nặng về thời gian và chi phí cho DN trong việc tổ chức ĐHCĐ, luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng, nên rút bớt tỷ lệ tham dự lần đầu từ 65% xuống còn 51% và lần triệu tập thứ hai thì không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần tham dự. Đây cũng là kiến nghị từ nhiều DN trong thời qua để việc tổ chức ĐHCĐ thuận lợi và dễ dàng hơn.

Đối với cuộc họp HĐQT, thực tế ghi nhận, khi HĐQT có 3 thành viên và 1 thành viên bất đồng quan điểm không chịu tham gia cuộc họp, thì HĐQT không thể nào họp và ra quyết định quan trọng phục vụ hoạt động công ty.

Đối với tỷ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề được thảo luận tại ĐHCĐ, luật sư Hướng ủng hộ các tỷ lệ 75%, 65% và cho rằng, các tỷ lệ này nhằm đảm bảo quyết định của CTCP được thông qua với đa số cổ phần và đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá, các tỷ lệ này chưa hợp lý và vi phạm nguyên tắc thống nhất trong các văn bản pháp luật.

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Luật DN, trường hợp điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 71/2006/NQ-QH11 để phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO, trong đó quy định, công ty TNHH, CTCP được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau: tỷ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của HĐTV, ĐHCĐ. Trong khi Luật DN lại quy định tỷ lệ tối thiểu cần có để thông qua quyết định của HĐTV, ĐHCĐ là 65%. Điều này mâu thuẫn với cam kết WTO của Việt Nam.

Theo luật gia Cao Bá Khoát, phải định rõ phạm vi áp dụng cam kết WTO đến đâu. Theo ông Khoát, các DN liên doanh theo các cam kết trong Biểu cam kết dịch vụ và các liên doanh đã thành lập trước ngày Luật DN có hiệu lực đương nhiên có quyền áp dụng Nghị quyết 71/2006 của Quốc hội. Vấn đề được đặt ra là liệu các DN khác có quyền áp dụng Nghị quyết 71? DN phải áp dụng tỷ lệ theo văn bản nào thì được coi là hợp pháp?

Báo cáo rà soát Luật DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có ý kiến biện giải rằng, việc áp dụng tỷ lệ 51% theo Nghị quyết 71 chỉ giới hạn trong các DN liên doanh, còn các DN 100% vốn trong nước và 100% vốn nước ngoài đều không có quyền áp dụng. Cam kết WTO là sự thoả hiệp giữa Việt Nam với các bên đàm phán, trong đó Luật DN đã nhượng bộ các nhà đầu tư nước ngoài khi cho phép các bên liên doanh được quyền thoả thuận tỷ lệ tối thiểu 51% thay vì 65% như quy định của Luật DN, nên chỉ có các DN liên doanh mới có quyền hưởng sự nhượng bộ này, các DN khác vẫn phải tuân thủ quy định của Luật DN.

Tuy nhiên, theo luật gia Khoát, nếu chỉ có DN liên doanh có quyền áp dụng Nghị quyết 71 thì nhiều nguyên tắc cơ bản của WTO và pháp luật Việt Nam bị vi phạm. Đó là nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc không phân biệt đối xử trong WTO, nguyên tắc quyền tự do thoả thuận của Luật DN.

Quy định này có mục đích ban đầu là bảo vệ cổ đông nhỏ trước cổ đông lớn là Nhà nước, nhằm giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính vào hoạt động của DN. Tuy nhiên, quy định này lại chưa tính đến trường hợp cổ đông nhỏ lợi dụng quyền phủ quyết của mình làm cho hoạt động của DN đình trệ nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Thậm chí, tại một số DN, cổ đông lớn chỉ sở hữu tỷ lệ cổ phần 36%, thậm chí là 26% nhưng đã phủ quyết các vấn đề quan trọng, thậm chí phủ quyết toàn bộ các tờ trình của HĐQT tại ĐHCĐ và gây khó khăn cho ban điều hành DN.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, ấn định tỷ lệ biểu quyết ít nhất 65% và 75% như Luật DN là không hợp lý, hạn chế quyền thoả thuận của các chủ sở hữu. Các quốc gia trên thế giới hiện nay, thông lệ quốc tế đều áp dụng tỷ lệ đa số tối thiểu 51% trong quản trị công ty. Tại Việt Nam, các cơ chế biểu quyết thường lấy tỷ lệ quá bán (51% trở lên), thì không có lý do gì việc quản trị công ty lại có tỷ lệ khác. Lấy lý do bảo vệ cổ đông thiểu số để nâng tỷ lệ biểu quyết lên quá cao như Luật DN là không hợp lý, thậm chí nhiều trường hợp gây bế tắc trong hoạt động kinh doanh cho công ty, nhất là khi cổ đông 26%, 36% phủ quyết toàn bộ các nội dung thảo luận tại ĐHCĐ.

Nhiều kiến nghị cho rằng, cần ban hành văn bản hướng dẫn Nghị quyết 71/2006 trong thời gian chờ sửa đổi Luật DN. Theo đó, cần cho phép DN áp dụng tỷ lệ 51% và khi sửa Luật DN thì sửa đổi theo hướng vận dụng những quy định tại Nghị quyết 71/2006.

Hoàng Duy

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   HNX ban hành Quy trình đấu thầu trái phiếu Chính phủ (03/08/2012)

>   Phải công bố BCTC soát xét bán niên trong vòng 60 ngày (03/08/2012)

>   UBCK: Kiểm toán phải có ý kiến về các chỉ tiêu tỷ lệ vốn khả dụng của CTCK (03/08/2012)

>   Nghị định 58: Nâng chuẩn mới, sàng lọc cũ (02/08/2012)

>   NHNN thanh toán chung cho toàn TTCK: Vừa đá bóng vừa thổi còi? (01/08/2012)

>   Việt Nam sắp có CTCK 100% vốn ngoại (01/08/2012)

>   HNX 30: Điều chỉnh Tỷ lệ tự do chuyển nhượng và Tỷ trọng vốn hóa từ 01/08 (31/07/2012)

>   Người nuôi cá tra sẽ vay vốn với lãi suất 7,8%/năm (31/07/2012)

>   Nhà đầu tư lớn phải tự công bố thông tin khi bị bán giải chấp (25/07/2012)

>   Nghị định 58: Các giao dịch chứng khoán bị cấm (24/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật