Thứ Ba, 14/08/2012 19:29

Điểm mặt các nền kinh tế tốt nhất và tồi tệ nhất thế giới trong 2012

Danh sách các nền kinh tế tốt nhất và tồi tệ nhất trên thế giới trong năm 2012 dựa trên số liệu ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lộ diện.

Mỗi quốc gia được xếp hạng dựa theo ít nhất một trong những tiêu chí như GDP, GDP đầu người, tăng trưởng GDP, nợ công, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và thu hút đầu tư.

5 NỀN KINH TẾ MẠNH NHẤT THẾ GIỚI

1. Luxembourg: GDP đầu người cao nhất thế giới

GDP đầu người 2012 dự kiến: 106,958 USD

Dù là một thành viên nhỏ bé của châu Âu nhưng Luxembourg lại là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Với quy mô 55.9 tỷ USD, nền kinh tế Luxembourg thực sự khá nhỏ nhưng dân số cũng khá khiêm tốn nên GDP đầu người lên tới 106,958 USD. Đối thủ duy nhất của Luxembourg hiện nay là Qatar.

Luxembourg có xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát thấp với hai mũi nhọn của nền kinh tế là tài chính và công nghiệp. Tuy nhiên, nước này vẫn còn vấp phải một số khó khăn như gần 60% lực lượng lao động là người nước ngoài. Bên cạnh đó, các bộ luật lỏng lẻo về thuế đã thu hút được chú ý của cộng đồng quốc tế.

2. Madagascar: Nợ công thấp nhất thế giới

Nợ công 2012 dự kiến: 5% GDP

Nằm ở ngoài khơi phía đông châu Phi, Quốc đảo Madagascar có tỷ lệ nợ công/GDP thấp nhất thế giới. Theo dự báo của IMF, nợ công nước này có thể chỉ ở mức 5% GDP vào cuối 2012 so với mức 68% của Ấn Độ, 107% của Mỹ và 236% của Nhật Bản. Tuy nhiên, các chỉ báo kinh tế khác cho thấy nền kinh tế nói chung đang đối mặt với nhiều khó khăn. GDP đầu người chỉ ở mức 470 USD và nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2012.

3. Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất thế giới

GDP 2012 dự kiến: 15.6 ngàn tỷ USD

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ dự kiến chạm mức 15.6 ngàn tỷ USD trong năm 2012 và tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiếp sau Mỹ là Trung Quốc khi nước này vượt mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2011. Theo ước tính, GDP 2012 của Trung Quốc đạt 7.9 ngàn tỷ USD, chỉ bằng hơn một nửa của Mỹ. Thậm chí với tốc độ tăng trưởng 7-10%/năm, Trung Quốc cũng phải mất nhiều thập kỷ nữa mới có thể bắt kịp Mỹ.

Dĩ nhiên, kinh tế Mỹ cũng đang đối mặt với những thách thức đáng kể như đà phục hồi chậm chạp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bức tranh yếu kém của thị trường lao động và thị trường nhà ở phải mất nhiều năm nữa mới có thể phục hồi từ đợt bong bóng gần đây.

4. Libya: Tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới

Tăng trưởng GDP 2012 dự kiến: 76%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Libya không phải do hoạch định tốt, bùng nổ tài nguyên hay quản trị hiệu quả mà là nhờ đà phục hồi mạnh của sản lượng dầu thô sau chiến tranh. Được biết, sản lượng dầu thô của Libya sụt giảm mạnh trong năm 2011 do các lực lượng nổi dậy phát động chiến dịch chống lại cựu lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Trước năm 2011, sản lượng dầu mỏ của Libya chiếm hơn 70% GDP nhưng khi quân nổi loạn tiến vào Tripoli, sản lượng giảm mạnh từ 1.77 triệu thùng/ngày xuống còn 22,000 thùng/ngày. Với đà phục hồi mạnh hơn dự kiến của sản lượng dầu, Libya có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh dù phải mất nhiều năm kinh tế nước này mới hoàn toàn phục hồi.

Trên thực tế, hầu hết những quốc gia đứng đầu danh sách các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của IMF đều thuộc khu vực xảy ra xung đột trong thời gian qua. Chẳng hạn như quốc gia trải qua cuộc nội chiến tàn khốc Sierra Leone thuộc khu vực Tây Phi được dự báo tăng trưởng 35.8%, Iraq 11.1% và Afghanistan 7.2%.

5. Mông Cổ: Thu hút đầu tư tốt nhất thế giới

Tổng giá trị đầu tư 2012 dự kiến: 64% GDP

Nằm giữa Trung Quốc và Nga, kinh tế Mông Cổ đang trong giai đoạn bùng nổ nhờ mức tăng trưởng ấn tượng của hoạt động khai mỏ. GDP của Mông Cổ tăng 17.3% trong năm 2011 và được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong năm 2012.

Mông Cổ cũng dẫn đầu thế giới về tổng nguồn vốn đầu tư/GDP với mức ước tính năm 2012 ở vào khoảng 63.6% GDP. Dường như đây cũng là xu hướng chung của các quốc gia láng giềng khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai với 48.4% và Bhutan ở vị trí thứ tư với 46.6%. Tuy nhiên, kinh tế Mông Cổ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia lân cận khi Trung Quốc chiếm tới 90% thị trường xuất khẩu nước này và Nga cung cấp 95% dầu mỏ cho Mông Cổ.

5 NỀN KINH TẾ YẾU NHẤT THẾ GIỚI

1. Sudan: Tăng trưởng kinh tế yếu nhất thế giới

Tăng trưởng GDP 2012 dự kiến: -7.3%

Cuộc nội chiến và xung đột sắc tộc kéo dài nhiều thập kỷ qua đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của quốc gia Bắc Phi này. Khó khăn gần đây nhất của Sudan là việc miền Nam Sudan chính thức tách ra vào tháng 7/2011 và mang theo khoảng 70% sản lượng dầu mỏ của quốc gia cũ. Do đó, IMF dự báo kinh tế Sudan có thể giảm 7.3% trong năm 2012, mạnh hơn cả mức giảm 4.5% của Hy Lạp.

2. Congo: GDP đầu người thấp nhất thế giới

GDP đầu người 2012 dự kiến: 231.51 USD

Dù sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào nhưng Cộng hòa Dân chủ Congo phải liên tục chống chọi với bạo loạn, nghèo đói, và tham nhũng sau khi giành được độc lập từ Bỉ vào năm 1960.

Kinh tế Congo đang tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh, khoảng 6-7%/năm sau cuộc xung đột về tài nguyên (bao gồm quặng sắt và kim cương) tại nước này. Tuy nhiên, tổng GDP vẫn còn thấp với khoảng 25 tỷ USD nhưng dân số trên 73 triệu người nên Congo nằm cuối cùng trong danh sách GDP đầu người của IMF với 231 USD. Được biết, phần lớn hoạt động kinh tế của nước này đều diễn ra ở lĩnh vực phi chính thức nên không được tính vào ước tính GDP chính thức.

3. Belarus: Lạm phát cao nhất thế giới

Lạm phát 2012 dự kiến: 65.9%

Dưới sự cầm quyền của Tổng thống Alexander Lukashenko từ năm 1994, Belarus được xem là chế độ độc tài cuối cùng của châu Âu và vấn đề nan giải mà nước này phải đối mặt chính là lạm phát. Theo IMF, lạm phát tại Belarus sẽ chạm 65.9% trong năm 2012. Dù vậy, con số này thấp hơn so với mức 109% trong năm 2011 dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ lạm phát Belarus cao chót vót là do cuộc khủng hoảng tiền tệ tại nước này xuất phát từ việc nâng lương cho các quan chức nhằm hỗ trợ chế độ độc tài.

Hậu quả của việc này là cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán và tình trạng siêu lạm phát trong năm 2011. Trước tình cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Belarus đã nâng lãi suất, cho phép thả nổi đồng rúp và thống nhất tỷ giá. Bên cạnh đó, Belarus còn nhận được gói giải cứu 3 tỷ USD từ các quốc gia láng giềng.

4. Macedonia: Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thế giới

Tỷ lệ thất nghiệp 2012 dự kiến: 31.2%

IMF không công bố tỷ lệ thất nghiệp của từng quốc gia nhưng trong số những quốc gia nằm có tên trong danh sách, Macedonia là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với dự báo có thể lên tới 31.2% trong năm 2012.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Macedonia luôn duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua bất chấp tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh nếu không nói là ngoạn mục của quốc gia này. Điều đó cho thấy Macedonia đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết số liệu chính thức về tỷ lệ thất nghiệp lại không bao gồm thị trường bất hợp pháp vốn chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng hoạt động kinh tế của quốc gia này.

5. Nhật Bản: Nợ công cao nhất thế giới

Nợ công 2012 dự kiến: 235.8% GDP

Xét theo hầu hết các tiêu chí thì kinh tế Nhật Bản vẫn giành vị trí hàng đầu thế giới. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế nhưng kinh tế nước này vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, sự thịnh vượng và ổn định nhờ ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang đối mặt với khoản nợ công khổng lồ và theo dự báo của IMF, nợ công của nước có thể lên tới 239% GDP vào cuối năm nay, bỏ xa các quốc gia còn lại.

Dù vậy, phần lớn nợ của Nhật Bản do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ và lãi suất còn thấp. Thêm vào đó, dù nhiều lần bị hạ xếp hạng tín nhiệm trong vòng một thập kỷ qua nhưng lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật vẫn thấp hơn 1%.

Lần hạ bậc tín nhiệm gần đây nhất là vào tháng 5/2012 khi Fitch cắt giảm xếp hạng tín nhiệm của Nhật Bản với nhận định kế hoạch kiểm soát nợ của nước này quá “lỏng lẻo”. Lời cảnh báo của Fitch đã đẩy các nhà làm chính sách nước này vào tình thế khó khăn. Hiện Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn phục hồi từ thảm họa kép năm 2011 nên việc nâng thuế để hạ thấp nợ công là một lựa chọn đầy mạo hiểm.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   "Đồng USD vẫn là lựa chọn tối ưu" (14/08/2012)

>   Nền kinh tế Hy Lạp vẫn tiếp tục chìm trong suy thoái (14/08/2012)

>   Những nền kinh tế mạnh nhất thế giới (14/08/2012)

>   Ý có nguy cơ kêu cứu khi nợ công chạm kỷ lục gần 2,000 tỷ EUR (14/08/2012)

>   Italy thặng dư thương mại 2,5 tỷ euro trong tháng 6 (14/08/2012)

>   Chèn ép đối thủ, General Motors bị kiện (14/08/2012)

>   Nhật có thể tiến hành biện pháp kích thích kinh tế (13/08/2012)

>   Cấm bán khống chứng khoán “vô hiệu” trong khủng hoảng tài chính (13/08/2012)

>   Indonesia đang là điểm đến FDI hấp dẫn ở châu Á (13/08/2012)

>   Những vụ án kinh tế chấn động (13/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật