Cấm bán khống chứng khoán “vô hiệu” trong khủng hoảng tài chính
Nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc Cục Dự trữ khu vực New York cho thấy lệnh cấm bán khống áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã không đem lại sự ổn định cho giá cổ phiếu.
Bán khống là hiện tượng một NĐT vay mượn cổ phiếu và sau đó bán ra với kỳ vọng có thể mua lại cổ phiếu này với giá thấp hơn. Dù đây là hiện tượng khá phổ biến nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại rằng bán khống có thể khiến giá cổ phiếu giảm xuống dưới giá trị thực
|
Được biết, các nhà điều hành Mỹ đã ban hành lệnh cấm bán khống đối với nhóm cổ phiếu tài chính trong suốt cuộc khủng hoảng 2008-2009 vì cho rằng hoạt động bán khống chính là yếu tố đẩy giá cổ phiếu giảm xuống dưới giá trị cơ bản. Thời gian sau đó, Mỹ còn áp dụng lệnh cấm bán khống thêm một số lần nữa nhưng có chọn lọc.
Nghiên cứu trên hướng đến sự hiệu quả của các lệnh cấm bán khống trong việc hạn chế đà giảm giá cổ phiếu trong năm 2008. Đồng thời xem xét tác động của hoạt động bán khống áp dụng tháng 8/2011, thời điểm Standard & Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm dài hạn của Mỹ. Động thái của S&P đã khiến chỉ số S&P 500 lao dốc 6.66% trong ngày giao dịch tiếp theo, khi đó lệnh cấm bán khống vẫn chưa được áp dụng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy lệnh cấm bán khống được thực thi năm 2008 đã không thể ngăn chặn được đà giảm giá của nhóm cổ phiếu tài chính. Giá của nhóm cổ phiếu này vẫn rớt hơn 12% trong 14 ngày lệnh cấm được áp dụng. Ngoài ra, lệnh cấm còn khiến chi phí giao dịch trên thị trường cổ phiếu và quyền chọn tăng hơn 1 tỷ USD.
Cũng theo kết luận của các nhà kinh tế, không có chứng cứ nào cho thấy giá cổ phiếu sụt giảm sau khi S&P hạ bậc tín nhiệm Mỹ là do hoạt động bán khống. Nghiên cứu cho thấy: “Hoạt động bán khống và tỷ suất sinh lời của cổ phiếu hầu như không tương quan với nhau”.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|