Thứ Hai, 13/08/2012 13:30

Những vụ án kinh tế chấn động

Kỳ 1: Hối lộ ngành viễn thông Ấn Độ

Trong nhiều thập niên qua, kinh tế thế giới luôn phải đối đầu với khủng hoảng, suy thoái, kể cả những giai đoạn hưng thịch nhất. Bên cạnh đó, đối với từng quốc gia, nạn tham nhũng, hối lộ cũng đang hoành hành, khiến nền kinh tế nhiều nước phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Từ số báo này, ĐTTC xin điểm lại một số vụ án kinh tế nổi bật trên thế giới.

Vụ bê bối liên quan tới nhiều quan chức chính phủ ở Ấn Độ đã ăn hối lộ các công ty viễn thông di động khi cấp phép phân bổ tần số viễn thông mạng 2G, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho quốc gia, ước tính lên tới 31,97 tỷ USD.

Thiệt hại kinh tế nghiêm trọng

Ấn Độ được chia thành 22 khu vực viễn thông, với tổng số 281 giấy phép vùng trên thị trường. Theo chính sách viễn thông Ấn Độ, khi giấy phép được cấp cho nhà mạng, các tần số sẽ được phân bổ kèm theo, chưa có quy định về đấu giá tần số.

Theo kế hoạch ban đầu, việc cấp phép mạng 2G được thực hiện với tiêu chí ai nộp đơn trước sẽ được xét cấp trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Viễn thông A.Raja đã bẻ cong tiêu chí này bằng cách không dựa trên cơ sở ai nộp đơn trước mà dựa trên cơ sở ai đáp ứng được các điều kiện trước. Ngày 10-1-2008, các công ty được thông báo nộp hồ sơ xin xấp phép, họ chỉ có vài giờ để thực hiện việc này.

Những công ty “đi đêm” đã được “bỏ nhỏ” từ trước nên đã nhanh chóng nộp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. 122 giấy phép mạng 2G đã được cấp cho các công ty viễn thông này với mức giá của năm 2001 trên nguyên tắc “ưu tiên người đến trước”.

Sự mập mờ trong việc cấp phép mạng 2G thay vì phải qua quá trình đấu giá minh bạch đã gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho nguồn thu ngân sách của chính phủ. Con số thiệt hại chính xác vẫn gây tranh cãi vì mỗi đơn vị chức năng lại đưa ra một con số khác nhau.

Cục Điều tra Trung ương ngày 2-4-2011 chốt con số thiệt hại ở mức 5,61 tỷ USD, nhưng cùng năm 2011 Bộ trưởng Bộ Truyền thông - Công nghệ thông tin Kapil Sibal hùng hồn tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng “không có thiệt hại nào”.

Trong lúc đó, Cơ quan kiểm soát viên và Tổng kiểm toán Ấn Độ căn cứ vào cuộc đấu giá mạng 3G và BWA năm 2010 để tính ra thiệt hại vụ bê bối 2G vào khoảng 31,97 tỷ USD.

Cháy nhà lòi “mặt chuột”

Vụ bê bối xảy ra từ năm 2008 làm rung chuyển Ấn Độ, đến nay dư chấn vẫn tiếp tục xảy ra. Hàng loạt quan chức cao cấp của chính phủ và giám đốc điều hành các công ty viễn thông đã bị bắt, uy tín chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh hoen ố.

Tạp chí Time đã xếp vụ bê bối này đứng thứ 2 trong “top 10 lạm dụng quyền lực”, chỉ sau vụ Watergate của Hoa Kỳ. Vụ bê bối đã vạch áo cho người xem lưng sự chệch choạng “trên bảo dưới không nghe” trong bộ máy công quyền Ấn Độ.

Vụ án hối lộ mua bán giấy phép viễn thông gây chấn động
            Ấn Độ.
Vụ án hối lộ mua bán giấy phép viễn thông gây chấn động Ấn Độ.


Năm 2007, A. Raja nhậm chức Bộ trưởng Bộ Viễn thông vào tháng 5. 3 tháng sau, Bộ này lên kế hoạch cấp phép mạng 2G. Ngày 25-9, Bộ Viễn thông đột ngột ra thông báo dời hạn chót nộp đơn xin cấp phép sang ngày 1-10.

Ngày 2-11, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhận thấy có những ấu hiệu bất thường trong việc cấp phép nên đã đích thân gởi thư cho Bộ trưởng A. Raja để chỉ đạo phải đảm bảo việc phân bổ tần số mạng 2G diễn ra một cách công bằng, minh bạch và bảo đảm lệ phí cấp phép đã được sửa đổi cập nhật tình hình thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Raja hồi âm từ chối nhiều đề nghị của Thủ tướng. Ngày 22-11, đến lượt Bộ Tài chính ra công văn gởi Bộ Viễn thông nêu bật các mối quan ngại về quy trình thủ tục, nhưng Bộ Viễn thông phớt lờ và vẫn tiếp tục làm theo ý mình.

Ngày 10-1-2008, Bộ Viễn thông quyết định cấp phép vẫn theo nguyên tắc ưu tiên người đến trước, lấy hạn chốt danh sách nhận đơn là ngày 25-9. Đến cuối ngày, Bộ Viễn thông thông báo trên website rằng ai nộp đủ hồ sơ và lệ phí trong vòng 1 giờ đồng hồ từ 3:30 đến 4:30 chiều sẽ được cấp phép.

Năm 2009, từ các đơn tố cáo, Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ đã vào cuộc. Qua điều tra bước đầu đã phát hiện ra một số quy định đã bị vi phạm và quan chức viễn thông ăn hối lộ để ưu ái cho một số công ty trong quá trình cấp phép 2G.

Báo cáo kiểm toán của Cơ quan Kiểm soát viên và Tổng kiểm toán Ấn Độ cho biết thậm chí Bộ Viễn thông đã cấp phép cho cả những công ty không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực viễn thông hoặc không đủ điều kiện, để rồi sau đó họ nhanh chóng sang tay cho các công ty nước ngoài.

Thí dụ trường hợp của Unitech Wireless và Swan Telecom. Unitech Wireless được cấp phép với giá 300,64 triệu USD, sau đó họ bán lại 60% cổ phần với giá 1,12 tỷ USD cho Telenor của Na Uy. Tương tự, Swan Telecom nhận giấy phép với giá 278,2 triệu USD nhưng sau đó cũng bán lại 45% cổ phần cho Etisalat của Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất với giá 760,2 triệu USD.

Đi sâu điều tra vụ bê bối mua bán giấy phép viễn thông, Cục Điều tra Trung ương đã phát hiện mối liên kết giữa 3 nhà: nhà chính trị có quyền cấp phép, nhà doanh nghiệp muốn mua giấy phép và nhà truyền thông làm trung gian.

Hàng loạt đối tượng liên quan đã bị bắt và truy tố. Trong đó, nhân vật chủ chốt Bộ trưởng Bộ Viễn thông A. Raja bị cáo buộc đã nhận hối lộ lên tới 543 triệu USD để cắt danh sách ở ngày 25-9, thay vì 1-10-2007 và “bỏ nhỏ” trước cuộc đua nước rút ngày 10-1-2008 nhằm sắp sẵn cho một số công ty viễn thông giành được giấy phép.

Raja còn bị cáo buộc sử dụng các tài khoản ngân hàng đứng tên vợ tại Mauritius và Seychelles để che giấu tiền hối lộ. Ngày 2-2-2011, Raja bị Cục Điều tra Trung ương bắt giữ.

Tháng 2-2012, Tòa tối cao Ấn Độ ra quyết định hủy bỏ tất cả 122 giấy phép đã được A. Raja ký cấp, phạt tiền một số công ty trong đó có Unitech và Swan. Đến ngày 9-5-2012 lần đầu tiên Raja xin được bảo lãnh tại ngoại và đã được chấp thuận vào ngày 15-5-2012. Quá trình xét xử vụ bê bối giấy phép viễn thông tiếp tục được thực hiện bởi Tòa án đặc biệt của Cục Điều tra.

(Còn tiếp)

Bảo Trúc

Sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   “Chưa có thần dược cho kinh tế Trung Quốc” (13/08/2012)

>   Đức: Tây Ban Nha chưa cần gói cứu trợ tổng thể (12/08/2012)

>   Venezuela sắp tiếp nhận 4 tỷ USD của Trung Quốc (12/08/2012)

>   Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia tăng cao (12/08/2012)

>   Mỹ: Thâm hụt ngân sách liên bang tiếp tục tăng (12/08/2012)

>   Tăng trưởng của nền kinh tế Nga có thể đạt 4,0% (12/08/2012)

>   Ngân hàng Barclays có chủ tịch mới sau "vụ Libor" (10/08/2012)

>   Quốc hội Nhật thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng (10/08/2012)

>   Mỹ sẽ không truy tố ngân hàng Goldman Sachs (10/08/2012)

>   Triều Tiên từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hoá (10/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật