"Cởi trói" cho doanh nghiệp bao bì
Nhiều doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tại TPHCM cho biết sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng tiêu chí công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường cũng đã được ban hành với các quy định rõ ràng, thoáng hơn.
Ngày 25-8, Tổng Cục môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo phổ biến và hướng dẫn cho hơn 100 doanh nghiệp ngành bao bì tại TPHCM thực hiện Thông tư 07/2012/TT-BTNMT quy định các tiêu chí, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện môi trường. Thông tư vừa có hiệu lực từ ngày 20-8 vừa qua.
Doanh nghiệp bớt khổ!
Theo thông tư 07, túi ni lông thân thiện môi trường phải đáp ứng các tiêu chí như có một trong hai đặc tính kỹ thuật sau: có độ dày một lớp màng lớn hơn 30 micromet, kích thước lớn hơn 20 cm và các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi ni lông phải có kế hoạch thu hồi, tái chế. Đặc tính thứ hai là có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 2 năm.
Theo ông Đinh Minh Phú, đại diện Công ty Nam Thái Sơn (Khu công nghiệp Cát Lái, quận 2), các qui định về tiêu chí túi ni lông thân thiện môi trường cũng như thủ tục đăng ký chứng nhận túi thân thiện môi trường tương đối thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ông Phú cho rằng, mặc dù thời gian qua, công ty đã đầu tư sẵn sàng thiết bị, máy móc sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường với công suất khoảng 300 tấn/tháng, nhưng vì chưa có tiêu chí cụ thể nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu bởi sản phẩm làm ra bị đánh thuế môi trường, giảm sức cạnh tranh.
Còn theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong khi điều kiện các phòng thử nghiệm đặc tính thân thiện môi trường túi ni lông trong nước còn hạn chế, thông tư mới ban hành cũng cho phép doanh nghiệp được thử nghiệm ở bất cứ đâu (kể cả phòng thí nghiệm nước ngoài).
Thuận lợi khác được bà Mỹ đề cập là trong hồ sơ gởi về Tổng Cục môi trường để được chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường nhằm được miễn đánh thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp còn được nợ lại kết quả kiểm nghiệm khả năng phân hủy sinh học trong vòng một năm trong khi chờ đợi việc hoàn thiện năng lực của các phòng thí nghiệm trong nước.
Theo bà Mỹ, có thể trong thời gian tới, thay vì chịu thuế môi trường 40.000 đồng/kg, nhiều doanh nghiệp có thể
Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhựa, sản xuất túi ni lông, trong đó tại TPHCM có khoảng 200 doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì và 300 hộ sản xuất nhỏ lẻ khác.
sẽ chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường đáp ứng theo tiêu chí “có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 2 năm” bởi dễ thực hiện hơn tiêu chí “có độ dày một lớp màng lớn hơn 30 micromet, kích thước lớn hơn 20 cm và phải có kế hoạch thu hồi, tái chế”.
Ông Đặng Văn Lợi, Phó cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng Cục môi trường, cho biết điều doanh nghiệp cần lưu ý trong thông tư này là ngoài các đặc tính kỹ thuật, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận túi thân thiện môi trường phải có đầy đủ các giấy tờ về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Cụ thể, phải có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, giấy đăng ký cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo kết quả quan trắc, giám sát môi trường định kỳ mới nhất của cơ sở sản xuất…
“Một doanh nghiệp đăng ký chứng nhận sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường mà ở địa phương lại gây ô nhiễm, không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất là không thể chấp nhận được,” ông Lợi nhấn mạnh.
Hạn chế cần tháo gỡ
Tại hội thảo sáng nay, ông Trần Quốc Trang, Chủ tịch Hiệp hội nhựa TPHCM, cho rằng hiện nay cả nước có 6 trung tâm kiểm định nhưng mới chỉ có Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) là có khả năng kiểm nghiệm, nhưng năng lực còn hạn chế, các trung tâm còn lại vẫn chưa biết năng lực kiểm định ra sao, liệu có đáp ứng nổi nhu cầu của doanh nghiệp hay không.
Giải thích khó khăn này, ông Đặng Văn Lợi cho biết các trung tâm kiểm định trong nước đang nỗ lực hoàn thiện năng lực thử nghiệm. Thông tư cho phép doanh nghiệp có thể mang mẫu sản phẩm đi thử nghiệm ở bất cứ đâu, kể cả phòng kiểm định nước ngoài.
Dự kiến đến cuối năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn chung về các đặc tính kỹ thuật túi ni lông thân thiện môi trường để doanh nghiệp dễ dàng so sánh, áp dụng.
Còn theo ông Lê Phúc Duy, Chủ tịch HĐTV Công ty Nhựa Đạt Phát, quận Bình Tân thì quy định nếu doanh nghiệp sản xuất túi có độ dày lớn hơn 30 micromet, kích thước lớn hơn 20 cm thì phải có kế hoạch thu hồi, tái chế e rằng khó thực hiện bởi sản phẩm làm ra tiêu thụ cả nước, xuất khẩu, lỡ khi phát hiện không đạt thì làm sao thu hồi được.
Theo ông Duy, Việt Nam có đến gần 3.000 doanh nghiệp nhựa, liệu Tổng Cục môi trường có kham nổi hết việc cấp chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường như quy định là 45 ngày hay không, tại sao không phân cấp xuống cho các sở tài nguyên và môi trường tỉnh thành cấp chứng nhận.
Trả lời câu hỏi này, phó cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm Đặng Văn Lợi nói: “Doanh nghiệp cứ việc làm đúng thủ tục, hồ sơ đăng ký, còn chứng nhận đúng thời hạn là trách nhiệm của tổng cục, nếu hồ sơ doanh nghiệp đầy đủ, đúng mà được cấp chậm thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”.
Hồ sơ đăng ký gởi đến đâu?
Theo Tổng Cục môi trường, doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường gởi hồ sơ đầy đủ về Bộ phận một cửa, Văn phòng Tổng Cục môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường sẽ có hiệu lực không quá 36 tháng kể từ ngày được cấp. Doanh nghiệp được gia hạn, cấp lại trước khi giấy chứng nhận hết hiệu lực 60 ngày. Nếu sản phẩm không đáp ứng tiêu chí theo quy định sẽ bị thu hồi chứng nhận.
|
Văn Nam
TBKTSG ONLINE
|