Thứ Hai, 20/08/2012 09:29

Chưa qua lãi suất, lại rơi sụt cầu

Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như hạ lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, giãn thời hạn nộp thuế, giảm hoặc miễn một số loại phí… được thực hiện từ nhiều tháng qua. Thế nhưng, ngoài lãi vay đã hạ, doanh nghiệp vẫn “cõng” các chi phí đầu vào khác ở mức cao, đặc biệt là rào cản sức mua thấp.

Đến ngày 19.8, sau rất nhiều lần đề nghị giảm lãi suất về mức như đã công bố (khoảng 15%/năm), công ty gạo Vinh Phú (TP.HCM) mới được ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho khoản vay gần nửa tỉ đồng vốn kinh doanh hồi cuối tháng 5.2012 từ 17% xuống hơn 15%/năm. Ông Vũ Ngọc Duy, giám đốc công ty Vinh Phú rất vui vì từ nay công ty có thêm nguồn thu từ khoản lãi suất thấp để đầu tư thêm vào chích sách khuyến mãi, tiếp thị nhằm giải phóng bớt lượng gạo tồn kho.

Cách nay hơn hai tháng, công ty của ông H. chuyên nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm vẫn phải trả lãi suất hơn 17% cho khoản vay hàng trăm tỉ đồng thì đến giữa tháng 9 này cũng được ngân hàng điều chỉnh về dưới 15%/năm.

Ông Trần Quang Trung, một chủ trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai cũng hồ hởi với khoản giải ngân hơn 1 tỉ đồng của Agribank chỉ với lãi suất 14%/năm…

Tuy nhiên, lãi suất hạ chưa thể tháo hết nút thắt môi trường kinh doanh lúc này.

Theo bà Ngô Thị Báu, tổng giám đốc công ty thời trang Foci, lãi vay xuống thấp, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, nhưng điều quan trọng nhất là sức mua từ người tiêu dùng không tăng lên, mà còn có chiều hướng giảm, thì lãi suất có xuống 12 – 13%/năm cũng ít doanh nghiệp mạnh dạn đi vay.

Chưa dứt điệp khúc... ế

Ông Trịnh Thành Nhơn, tổng giám đốc công ty ICC nói: “Khó khăn lớn nhất của các công ty như chúng tôi là không giải được ẩn số sức mua. Nhìn vào các tín hiệu như giá xăng tăng, chi phí đời sống tăng, người lao động không có tiền mua hàng… thì các công ty đành bó tay!”

Ông Vũ Ngọc Duy cho hay, tiêu thụ gạo ở khu vực sản xuất bánh phở, miến, nấu rượu bia vẫn dậm chân tại chỗ. Doanh số bán hàng mỗi tháng chỉ trên dưới 30 tấn gạo, không tăng mà còn có xu hướng giảm thêm so với các tháng trước. Ông Duy phân tích, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nên dù mỗi gia đình sử dụng chỉ 10 – 20kg gạo là tối đa thì họ vẫn có xu hướng tiết kiệm. “Gạo loại 20.000 đồng/kg trở lên, nay rất khó bán. Thị trường chỉ tiêu thụ mạnh loại gạo 15.000 – 17.000 đồng, ông Duy nói.

Không chỉ gạo mà sản phẩm thịt gia cầm, gia súc cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm. Ông Đàm Văn Hoạt, giám đốc công ty Trại Việt (Vietfarm) nhận xét: “Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Trước đây bữa ăn hàng ngày có thịt, trứng, cá thì nay họ bớt được món gì tiết kiệm món đó nên người chăn nuôi vẫn phải bán sản phẩm dưới giá thành”. Chính vì vậy, ông Hoạt cho rằng một khi nút thắt thị trường vẫn chưa thể tháo gỡ thì doanh nghiệp còn đối mặt với khó khăn.

Doanh nghiệp co cụm

Tính đến tháng 8.2012, nhiều người tiêu dùng đi trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Âu Cơ (Tân Phú)… không còn thấy các cửa hàng thời trang S. Nhãn hiệu thời trang S. từng có hệ thống 15 cửa hàng tại TP.HCM, nay chỉ còn bốn.

Người phụ trách kinh doanh của hệ thống cửa hàng S. cho biết nguyên nhân đóng cửa hàng là do bán ế, hàng tồn kho tăng quá cao. Công ty đã chọn giải pháp mang đến các khu công nghiệp, khu chế xuất bán với mức giảm giá đến 80%, rồi buộc phải bán xôn 200.000 đồng/kg sản phẩm cho thương lái mang về tỉnh chứ không tiếp tục đưa vào cửa hàng bán nữa. Vị này tiết lộ đang chờ quyết định từ hội đồng quản trị xem duy trì hay đóng cửa nốt bốn cửa hàng còn lại.

Bà Ngô Thị Báu cũng than thở làm ăn khó khăn. Nhiều đối tác của Foci rơi vào tình trạng chỉ còn có tên đăng ký, mà gần như không hoạt động khiến Foci bị ảnh hưởng theo.

Các doanh nghiệp trong ngành may mặc cho biết đang có tình trạng chiếm dụng vốn, nợ dây chuyền. Chuyện doanh nghiệp nhận tiền cọc rồi không giao hàng, hoặc lấy hàng mà không giao tiền xảy ra phổ biến. Bà Nguyễn Thị H., chủ ba công ty kinh doanh vải và nguyên vật liệu may mặc cho biết đã ngưng kinh doanh hai công ty, dồn tất cả nhân sự và các hoạt động mua bán về một văn phòng có trụ sở gần chợ Tân Bình để cắt giảm chi phí. Theo bà H., đây là lựa chọn cực chẳng đã bởi ngoài hàng tồn khó bán, khách hàng còn nợ hơn 10 tỉ đồng khó thu nên mất khả năng cân đối. Sổ sách thống kê đến cuối tháng 7.2012 cho thấy, dù đã thu hẹp quy mô kinh doanh và giảm lượng hàng mua vào, bà H. vẫn còn tồn kho hơn 3 tỉ đồng vải các loại. Riêng vải cung cấp cho các đơn vị may quần áo mùa hè bà đã dự kiến giảm 30% số lượng, cuối cùng vẫn tồn kho gần một nửa.

Bích Nga – Hoàng Bảy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Cảng Cam Ranh sợ lỗ vì ôm nợ từ Vinalines (20/08/2012)

>   Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình thoái nợ (19/08/2012)

>   Tái cơ cấu DN thủy sản (19/08/2012)

>   Nỗi lo… tăng lương cơ bản (18/08/2012)

>   Giải phóng hàng tồn: Cần giải pháp trực diện (18/08/2012)

>   Ấn Độ mất 34 tỉ USD vì bán rẻ mỏ than (18/08/2012)

>   Cienco 5 và Vinacomin đồng loạt thay 'tướng' (18/08/2012)

>   Nhập khẩu ôtô: “Sóng thần” từ Thái Lan (18/08/2012)

>   Đặt quyền lợi nhà đầu tư trên người tiêu dùng (18/08/2012)

>   “Chết” vì tranh mua, tranh bán (17/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật