Thứ Bảy, 18/08/2012 22:21

Giải phóng hàng tồn: Cần giải pháp trực diện

Hàng tồn kho không chỉ là nỗi lo riêng của doanh nghiệp. Nó đang trở thành tâm điểm chú ý của các nhà hoạch định chính sách và cơ quan quản lý. Nếu hàng tồn kho không được giải tỏa, vốn tiếp tục đọng ở đây, sản xuất đình trệ và tăng trưởng kinh tế bị thách thức nghiêm trọng.

Một phần mức tăng chỉ số công nghiệp nằm ở hàng tồn

Trong một báo cáo mới nhất về tình hình ngành công nghiệp và thương mại bảy tháng đầu năm, Bộ Công thương cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,8%). Mức tăng chỉ bằng hơn phân nửa cho thấy sự lồi lõm trong sản xuất công nghiệp: có những ngành vẫn tăng như hàng thiết yếu, thực phẩm, dược liệu, hóa dược, nhưng về tổng thể nhiều ngành giảm. Đáng lưu tâm là một số ngành sản xuất tăng, song tiêu thụ chậm và giảm, khiến cho hàng tồn kho nhảy vọt.

Tổng cục Thống kê đưa ra số liệu tính đến 1-7-2012 hàng tồn kho tăng 21% so với cùng kỳ. Những ngành có hàng tồn nổi cộm là sản phẩm nhựa tăng 61,5%; xi măng 49,2%; sắt thép 20,8%; linh kiện điện tử 53,8%; thiết bị truyền thông 98,5%...Có thể hiểu một phần lớn của mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp nằm ở hàng tồn kho. Điều này là tín hiệu cảnh báo tiêu cực vì vốn chảy đến đây bị đọng lại, không thể quay vòng. Nhu cầu sử dụng vốn của nhà sản xuất bị ngưng đột ngột. Họ không cần mua nguyên vật liệu để sản xuất tiếp và để gối đầu, trữ hàng. Thời điểm này lãi suất cao hay thấp không có nhiều ý nghĩa, giống như món ngon dọn ra vào lúc no, chỉ vài người khách đụng đũa. Tín dụng không tăng trưởng cũng không phải chuyện lạ!

Hàng chục tỉ đô la Mỹ tồn kho bất động sản, xây dựng

Sản xuất công nghiệp là một trong những mũi nhọn tác động đến tăng trưởng GDP. Tuy vậy, nó vẫn không phải tác động chủ lực. Vai trò chủ lực đẩy lên hoặc kéo GDP giảm thấp là bất động sản, xây dựng. Cho đến nay chưa có bất cứ thống kê nào chỉ ra con số tuyệt đối hàng tồn kho công nghiệp là bao nhiêu chục ngàn tỉ đồng và càng không có cơ quan quản lý nào công bố tồn kho bất động sản, xây dựng lên tới mức nào.

Giới tài chính ước lượng tồn kho bất động sản, xây dựng tối thiểu gấp đôi nợ xấu của hệ thống ngân hàng, tức khoảng hơn 400.000 tỉ đồng, tương đương 20 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con số thực phải cao hơn. Lượng hàng tồn kho của các công ty bất động sản niêm yết trên cả hai sàn đã xấp xỉ 90.000 tỉ đồng, trong khi số này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong toàn bộ ngành. Những doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lớn, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều chưa niêm yết.

Sự tăng trưởng ở mức cao và liên tục trong nhiều năm qua của tín dụng đều được dồn phần lớn vào đây, kích thích bong bóng tài sản lên tới đỉnh điểm. Tới năm ngoái khi tăng trưởng tín dụng rớt về mức 14,5%, bong bóng bất động sản xây dựng mới bắt đầu chu kỳ xẹp lụi. Năm nay khi vấn đề nợ xấu được công khai, được bóc tách, hệ lụy ảnh hưởng đến các ngân hàng rõ rệt, tín dụng bất động sản mới thực sự chùn bước.

Kích cầu từ đâu?

Trong một nền kinh tế mà sức mua ảm đạm, kích cầu tiêu dùng là cần thiết và cấp bách. Kích cầu không có nghĩa cứ “bơm” tiền ra là xong. Bài học kích cầu năm 2009 với lạm phát bùng phát mạnh mẽ hơn vào năm 2010, kéo sang tận 2011, để lại những thương tổn nặng nề vẫn còn chứa đựng tính thời sự của nó.

Động thái giảm lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% của ngân hàng có tính chia sẻ, gián tiếp làm giảm giá thành hàng tồn và trong một chừng mực nhất định giúp doanh nghiệp hạ nhanh giá bán. Tuy vậy đây không phải nhân tố duy nhất giúp cải thiện sức mua.

Không có gì thúc đẩy sức mua nhanh bằng giá. Nếu giá giảm 30%, hàng vẫn không bán được, thì nó có khả năng bán được nếu giá giảm 50%, thậm chí 70%. Dù lãi suất đã giảm, xi măng, sát thép, vật liệu xây dựng… vẫn tiêu thụ chậm vì một lẽ đơn giản giá bất động sản vẫn còn cao, quá cao so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Giá bất động sản phải giảm nữa và giảm nhanh vì đối tượng tiêu thụ nhà đất bây giờ là người sử dụng, không phải người kinh doanh nữa.

Chủ trương xây nhà giá thấp đã có, tiếc rằng triển khai không phải chỉ chậm chạp, mà đang ì ạch. Các doanh nghiệp xây lắp, bất động sản có lẽ chưa quen với mức lợi nhuận mà kinh doanh nhà giá thấp mang lại. Họ đã quen với lợi nhuận bất động sản tính bằng lần theo con số nhân. Nay lợi nhuận chuyển từ phép tính nhân sang phép tính cộng đâu có một sớm một chiều chấp nhận ngay được.

Những tính toán sơ sơ của một doanh nghiệp bất động sản nói rằng có 84 mặt hàng liên quan đến xây dựng. Một khi mặt bằng giá bất động sản rơi xuống mức hợp với túi tiền người dân, xây dựng sẽ khởi sắc. Trong khi chờ đợi những “cú cắt lỗ” mạnh tay của bất động sản, hàng hóa xây dựng có thể chuyển động bằng những công cụ tài chính thông qua giải ngân đầu tư công. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công các dự án bằng vốn ngân sách, có thể chốt giá, mua chịu xi măng, sắt thép, sản phẩm nhựa, vật liệu xây dựng…Không có tiền trả ngay, họ có thể trả bằng công cụ nợ như trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành. Người bán hàng là các nhà máy xi măng, sắt thép có thể cầm trái phiếu ấy ra ngân hàng chiết khấu thành tiền hoặc thế chấp vay tiền. Từ đây dòng vốn sẽ lưu thông. Còn nếu thế chấp xi măng, sắt thép tồn kho để vay tiền, chắc không ngân hàng nào dám nhận. Một phần vì ngân hàng không quản lý được những hàng hóa ấy. Phần khác dù vay được tiền, hàng tồn vẫn cứ tồn, doanh nghiệp đâu có nơi tiêu thụ. Trong khi sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng vào tay chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp thì lại khác. Họ sẽ sử dụng chúng, rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án, công trình.

Sau lãi suất, phải đến lĩnh vực thuế thể hiện vai trò kích cầu. Hơn 2 triệu người sẽ không còn nằm trong diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng đấy là đến tận tháng 7 năm sau. Nếu thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh, có hiệu lực ngay từ bây giờ, hẳn hơn 2 triệu người ấy sẽ chi tiêu số tiền lẽ ra dùng nộp thuế để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ, sức mua lẽ nào không chuyển động? Thiết thực hơn, tại sao không giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp? Mức động viên vào ngân sách của Việt Nam hiện bằng 23% GDP, thuộc hàng cao nhất thế giới. Muốn tăng sức mua, phải khoan sức dân và làm ngay, chứ không phải đợi đến năm sau, hay năm sau nữa, lúc mà tình hình kinh tế đã khác rồi!

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Ấn Độ mất 34 tỉ USD vì bán rẻ mỏ than (18/08/2012)

>   Cienco 5 và Vinacomin đồng loạt thay 'tướng' (18/08/2012)

>   Nhập khẩu ôtô: “Sóng thần” từ Thái Lan (18/08/2012)

>   Đặt quyền lợi nhà đầu tư trên người tiêu dùng (18/08/2012)

>   “Chết” vì tranh mua, tranh bán (17/08/2012)

>   Đòn bồi của giá xăng (17/08/2012)

>   Bộ Tài chính đề nghị kiểm soát cước vận tải (17/08/2012)

>   Vinafood1: Tiền đâu để tái cơ cấu? (17/08/2012)

>   Malaysia cảnh báo thép, tôn mạ màu nhập khẩu từ Việt Nam (17/08/2012)

>   Cần nhất là giảm thuế, giải phóng hàng tồn (17/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật