Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình thoái nợ
Việt Nam nên có giải pháp mạnh mẽ như: Chấp nhận tổn thất, khơi thông dòng vốn từ bộ phận không hiệu quả chuyển sang bộ phận năng động hơn và nên đẩy nhanh tiến trình thoái nợ... Đó là ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên chương trình kinh tế Fulbright trong một hội nghị đầu tư tại TPHCM.
Hiện nay tính bình quân nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của trên 600 doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam là trên 1,53 lần, các doanh nghiệp chưa niêm yết cũng tương tự. Con số này rất cao nếu so sánh với mức 1,06 của Trung Quốc và 1,2 của Mỹ. Đáng chú ý là tại Việt Nam có nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng lại có thể dùng đòn bẩy lớn. Thực tế này khiến doanh nghiệp rất rủi ro khi thị trường và lãi suất biến động.
Các chuyên gia cho rằng, mất bao nhiêu năm để tăng tỉ lệ đòn bẩy lên cao thì cũng phải mất bấy nhiêu năm để hạ xuống. Theo kinh nghiệm của các nước thì quá trình này mất không dưới 10 năm, tuy nhiên cũng có một số ý kiến không quá bi quan, mà cho rằng quá trình ổn định tình hình kinh tế có thể được đẩy nhanh thông qua một giải pháp dứt khoát.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc đẩy nhanh tiến trình thoái nợ sẽ tạo ra nhiều tổn thất trong ngắn hạn, cụ thể là doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, sử dụng lợi nhuận để trả nợ thay vì tái đầu tư, thậm chí có doanh nghiệp buộc phải bán tài sản, cổ phần hóa... Thế nhưng hiện nay dường như thoái nợ chấp nhận tổn thất là cách làm duy nhất để lành mạnh hóa nền tài chính, ổn định lại tình hình kinh tế.
Quang Sáng
VTV
|