'Bão' hủy niêm yết: Bớt 'rác' trên sàn chứng khoán
Rất nhiều công ty đã bị hoặc tự nguyện hủy niêm yết trong thời gian vừa qua. Nhiều nhà đầu tư mắc kẹt với những cổ phiếu không mong muốn này. Tuy nhiên, ở 1 khía cạnh nào đó, sự đào thải là cần thiết cho thị trường chứng khoán (TTCK) về dài hạn.
Ồ ạt hủy niêm yết
Thông tin mới nhất về hủy niêm yết được Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa ra là trường hợp của CTCP Dược Trung ương Mediplantex (MED). Đây là trường hợp khá đặc biệt khi MED chưa giao dịch đã hủy niêm yết. Cụ thể, MED sẽ bị hủy niêm yết hơn 5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 50 tỷ đồng từ ngày 07/08/2012. Lý do là Mediplantex đã không hoàn tất thủ tục niêm yết trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày được chấp thuận niêm yết.
Trước đó, HNX đã chấp thuận cho Mediplantex vào ngày 14/6 và dự kiến cổ phiếu MED sẽ chào sàn vào ngày 22/6 với giá tham chiếu 15.500 đồng/cp.
Trên thực tế, trường hợp MED bị hủy niêm yết phần nhiều do doanh nghiêp chủ động trì hoãn để chờ thời điểm thích hợp và thuận lợi hơn trong bối cảnh TTCK đang giảm sút. Nhưng dù sao, nó cũng cho thấy 1 sự thắt chặt trong công tác quản lý niêm yết của các cơ quan chức năng.
Trong tháng 7 vừa qua, TTCK đã chứng kiến sự "ra đi" của khá nhiều doanh nghiệp. Ngày 26/7 vừa qua, HNX công bố quyết định về việc hủy niêm yết 9,6 triệu cổ phiếu VMG của CTCP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu. Quyết định huỷ niêm yết có hiệu lực ngay trong ngày. Lý do được đưa ra là VMG không có giao dịch tại HNX trong thời hạn 12 tháng.
Công ty này có kết quả kinh doanh khá tệ hại. Trong quý II/2012, công ty mẹ VMG lỗ 1,37 tỷ đồng, nâng lỗ 6 tháng lên 2,06 tỷ đồng. Và tính lũy kế đến hết quý II/2012 tổng lỗ lên tới hơn 54 tỷ đồng.
Cổ phiếu VMG không có giao dịch trong suốt năm qua và đứng giá ở mức 4.300 đồng/cp (từ ngày 26/7/2011).
CTCP Xây dựng số 11 (V11) cũng thuộc diện làm ăn kém hiệu quả. Công ty đã lên kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh và đặc biệt là báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2011 của V11 bị đơn vị kiểm toán không thể đưa ra ý kiến nhận xét đã khiến HNX buộc phải rời sàn trước khi V11 xin hủy niêm yết tự nguyện.
Cụ thể, 8,4 triệu cổ phiếu V11 (tương đương 84 tỷ đồng) buộc phải rời sàn kể từ ngày 17/8 tới. Trong năm 2011, V11 lỗ gần 31 tỷ đồng và dự kiến lỗ tiếp 22 tỷ trong năm 2012.
Trước đó, các trường hợp hủy niêm yết vì kinh doanh thua lỗ yếu kém khá nhiều như: VKP (từ 25/6, do lỗ 3 năm liên tiếp), AGC (từ 17/7, vốn chủ sở hữu âm), CAD (từ 4/6 do lỗ 3 năm liên tiếp), VSP (từ 1/6 do lỗ 3 năm liên tiếp), MCV (từ 10/5 do liên tục vi phạm công bố thông tin), TRI (từ 10/4 do thua lỗ nhiều, doanh nghiệp tự rút lui)...
Đầu tháng 8, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cáp Sài Gòn (CSG) cũng đã đồng thuận việc giải thể công ty, huỷ niêm yết cổ phiếu. Trong quý II/2012, CSG đã thoát lỗ nhờ hoạt động tài chính. Tình hình sản xuất kinh doanh chính của CSG gặp khá nhiều vấn đề. Doanh thu thuần quý II đạt vỏn vẹn 18,82 tỷ đồng, giảm 35,88% so với cùng kỳ năm 2011 và lỗ gôp 1,8 tỷ đồng.
Một số công ty khác cũng tính tới chuyện rời sàn do làm ăn kém hiệu quả và dường như không thấy được lợi ích "như mong muốn" trên sàn chứng khoán như: LGC, SGT, SQC...
Hết thời cổ phiếu lởm?
Một điều trông thấy rõ nhất mỗi khi 1 doanh nghiệp rời sàn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường thiệt hại rất nhiều.
Điều này là rõ ràng do cổ phiếu rời sàn HNX hoặc HSX sẽ được chuyển xuống Upcom hoặc OTC. Đương nhiên, khi đó giao dịch tại tại các thị trường thấp cấp hơn sẽ khiến cổ phiếu không có thanh khoản cao. Tính hấp dẫn giảm và theo đó giá sẽ giảm. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp sau khi hủy niêm yết bỗng mất tích (như trường hợp VKP) hoặc các cổ đông lớn tính chuyện mua lại cổ phiếu với giá bèo (như trường hợp TRI).
Trong trường hợp VKP, công ty bị hủy niêm yết bắt buộc vào cuối tháng 6. Trước đó, VKP công bố 29/6 là ngày chốt danh sách cổ đông họp ĐHCĐ thường niên 2011. Tuy nhiên, đến nay, VKP vẫn chưa làm thủ tục triệu tập ĐHCĐ. Hơn thế, các thông tin về VKP trên website chính thức đã bông dưng mất hết và số điện thoại cố định không liên lạc được. Cho tới nay, VKP cũng chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2011 và báo cáo quý I và II/2012.
Trong khi đó, TRI đã tính tới chuyện chuyển thể công ty và mua lại cổ phiếu của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Có thể thấy, việc các cổ phiếu bị hủy niêm yết trong thời gian vừa qua chắc chắn sẽ khiến cho nhiều nhà đầu tư, nhiều cổ đông nhỏ lẻ bị thiệt thòi. Trước hết là do thanh khoản của cổ phiếu kém. Sau là, giá trị tài sản và quyền lợi bị mất đi khá nhiều.
Việc thu hồi vốn, với nhiều nhà đầu tư, là rất khó khăn hoặc là phải chấp nhận thua lỗ nhiều.
Mặc dù "thuốc đắng" là vậy, nhưng theo nhiều chuyên gia, hàng loạt cổ phiếu bị hủy niêm yết (do yếu kém hay do sáp nhập, chuyển đổi) trong thời gian vừa qua không tác động nhiều đến thị trường. Thực tế, đây là một sự loại bỏ cần thiết các cổ phiếu yếu kém và nâng dần chất lượng hàng hóa trên TTCK.
Đây thực sự là 1 chuyển biến có lợi cho cả thị trường và cả các nhà đầu tư cũng như các thành viên trên TTCK. Đó là áp lực lên chính các công ty vẫn còn đang niêm yết trên 2 sàn để tự nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Chất lượng được nâng lên sẽ giảm thiểu rủi ro đối với hoạt động đầu tư trên TTCK và từng bước lấy lại niềm tin đối với thị trường này. Mặc dù vậy, trên thực tế có thể thấy số lượng cổ phiếu "lởm" trên cả 2 sàn vẫn còn rất nhiều. Nó thể hiện ở chỗ, còn quá nhiều doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ và rất nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên.
Thống kê cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp niêm yết không đạt chuẩn mới theo Thông tư 58 (hướng dẫn các quy định về Luật chứng khoán sửa đổi đã được Chính phủ ban hành, trong đó quy định các điều kiện để được niêm yết trên 2 sàn HSX và HNX đều được nâng lên so với trước, áp dụng kể từ ngày 15/9/2012).
Chuẩn niêm yết mới không áp dụng cho các doanh nghiệp đang niêm yết, do vậy TTCK cần có thời gian khá dài để các doanh nghiệp có thể đồng loạt nâng quy mô lên.
Tuy nhiên, quy mô chưa phải là vấn đề lớn. Vấn đề chất lượng còn đáng báo động hơn. Hiện tại, trên 2 sàn chứng khoán số doanh nghiệp làm ăn thực sự tốt đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết là hoạt động ở mức trung bình kém với tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp đang chìm ngập trong thua lỗ.
Tính sơ sơ tới đầu tháng 8, số doanh nghiệp lỗ quý II/2012 đã lên tới 65 doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp có doanh thu thuần giảm mạnh, thậm chí gần như không có. Trong số các doanh nghiệp có lãi thì có không ít doanh nghiệp thoát lỗ nhờ các khoản lãi khác hoặc nhờ các khoản hoàn nhập (như: BTS, BMG, VIG, TDH, TH1...).
Mạnh Hà
diễn đàn kinh tế việt nam
|