Trung Quốc: Tăng trưởng GDP sẽ suy yếu quý thứ 7 liên tiếp
Một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ hạ nhiệt còn 7.4% trong quý 3/2012. Nhận định trên gia tăng lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa chạm đáy.
Ông Song Guoqing, thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc PBoC, cảnh báo sự suy giảm của giá cả sản xuất và lạm phát tiêu dùng có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty công nghiệp và khiến các công ty này không muốn mở rộng kinh doanh.
Được biết, GDP quý 2/2012 của Trung Quốc suy yếu còn 7.6%, đánh dấu quý giảm tốc thứ 6 liên tiếp. Khủng hoảng nợ châu Âu đã tác động xấu đến lĩnh vực xuất khẩu và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thẳng tay đối với hoạt động đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản đã làm giảm nhu cầu trong nước.
Hôm 15/07, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng động lực cho đà phục hồi vẫn chưa xuất hiện và chỉ hai ngày sau đó ông cảnh báo tình hình thị trường lao động sẽ trầm trọng hơn.
Phát biểu trong một diễn đàn kinh tế tại Bắc Kinh hôm 21/07, ông Song cho biết: “Ý kiến chung cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt gần 8% trong các tháng tới nhưng bản thân tôi bi quan hơn do các khó khăn của lĩnh vực xuất khẩu. Khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục leo thang và Trung Quốc có nguy cơ áp dụng các biện pháp không đủ mạnh nếu xuất khẩu tiếp tục suy yếu mạnh hơn dự báo trong các tháng tới”.
Quý giảm tốc tăng trưởng thứ 7 liên tiếp theo dự báo của ông Song bằng với đợt suy yếu trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dù mức độ suy giảm không mạnh bằng.
Trong báo cáo hôm 19/07, nhà kinh tế Lu Ting của Bank of America tại Hồng Kông cho rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc mạnh hơn trong nửa cuối năm nếu Bắc Kinh không cương quyết rút lại các biện pháp thắt chặt cũ và áp dụng các biện pháp kích thích mới hiệu quả hơn. Theo ông, Chính phủ Trung Quốc nên thực hiện các biện pháp có quy mô tương đương 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức khoảng 470 tỷ Nhân dân tệ (74 tỷ USD) để bù đắp khoản thâm hụt do xuất khẩu và hoạt động đầu tư cố định chậm lại.
Ông Song cho rằng, Chính phủ sẽ thận trọng với bất kỳ gói kích thích nào. “Thận trọng là tốt để tránh những biến động lớn nhưng sự giảm tốc của nền kinh tế có thể dẫn đến các biện pháp không đủ mạnh”.
Theo dự báo của ông Song, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, ông không xác định được thời điểm cụ thể khi cho rằng rất khó để dự báo về lãi suất vì PBoC cần phải cân nhắc thời gian và điều kiện thực hiện.
`Thu Ngân (Vietstock)
FFN
|