Eurogroup chính thức phê chuẩn gói giải cứu ngân hàng Tây Ban Nha
Các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) vừa chính thức thông qua thỏa thuận cho Tây Ban Nha vay tới 100 tỷ EUR (tương đương 123 tỷ USD) để nước này có thể tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, quy mô chính xác của khoản vay chỉ được quyết định vào tháng 9 tới.
* Quốc hội Đức thông qua gói cứu trợ Tây Ban Nha
* Quỹ giải cứu vĩnh viễn châu Âu bị “đóng băng” tới giữa tháng 9
* Tây Ban Nha công bố gói thắt lưng buộc bụng tới 65 tỷ euro
* Các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ nhận được 30 tỷ EUR vào cuối tháng 7
Tại cuộc điện đàm trong ngày thứ Sáu, các bộ trưởng đã ký kết một biên bản ghi nhớ dài với Tây Ban Nha về các điều khoản của gói giải cứu có thời hạn giải ngân đầy đủ là vào cuối 2013. Tuy nhiên, trước khi có thể quyết định chính xác số tiền cần vay mượn, Tây Ban Nha cần có được kết quả kiểm toán kỹ lưỡng về hệ thống ngân hàng nước này.
Theo biên bản ghi nhớ trên, 14 tập đoàn ngân hàng cấu thành nên 90% hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha sẽ trải qua quá trình kiểm tra nhu cầu vốn dự kiến kết thúc vào nửa cuối tháng 9/2012. Tây Ban Nha hy vọng sớm nhận được khoản tiền đầu tiên trị giá 30 tỷ EUR để giải cứu các ngân hàng cần vốn gấp.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc điện đàm, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg, Luc Frieden, cho biết: “Chúng tôi vừa chính thức thông qua biên bản ghi nhớ bao gồm các điều kiện chi tiết để Tây Ban Nha có thể vay tiền nhằm tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng yếu kém của nước này”.
Ông nói thêm: “Tất cả 17 bộ trưởng tài chính đã phê chuẩn và điều này đồng nghĩa với việc chương trình có thể tiếp tục. Thế nhưng, tiền giải cứu sẽ chưa được giải ngân ngay lập tức vì quá trình phân tích tình hình của một số ngân hàng vẫn còn đang tiếp diễn”.
Kết quả kiểm toán độc lập từ hai công ty tư vấn Oliver Wyman và Roland Berger công bố hôm 21/06 cho thấy hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha cần tổng cộng tới 62 tỷ EUR. Tuy nhiên, kết quả của đợt kiểm toán thứ hai chi tiết hơn cũng như đợt thanh tra ngân hàng mới sẽ giúp nước này xác định chính xác nhu cầu vốn hay hình thức vay vốn.
Theo các nhà kiểm toán độc lập, 3 ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha là Banco Santander, BBVA và Caixabank sẽ không cần thêm vốn thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất. Đồng thời các nhà kiểm toán cho biết khó khăn trước mắt đối với 4 ngân hàng Bankia, CatalunyaCaixa, NovaGalicia và Banco de Valencia là khá nhỏ. Được biết, 3 trong số 4 ngân hàng trên là CatalunyaCaixa, NovaGalicia và Banco de Valencia đã được quốc hữu hóa.
Do đó, 7 tập đoàn ngân hàng còn lại sẽ trở thành tâm điểm chú ý là Sabadell, Popular, Ibercaja-Caja3-Liberbank, Unicaja-CEISS, Kutxabank, Banco Mare Nostrum và Bankinter.
Được biết, số tiền dùng để giải cứu hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha sẽ đến từ cơ chế giải cứu tạm thời của khu vực là Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF). Được thành lập năm 2010, hiện EFSF còn khoảng 250 tỷ EUR, chưa tính số tiền dành cho Tây Ban Nha. Trước dó, EFSF đã cung cấp tiền giải cứu cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Khoản vay dành cho Tây Ban Nha sẽ có thời gian đáo hạn trung bình từ 12.5 đến tối đa 15 năm với lãi suất từ 3-4%/năm.
Khi chính thức hoạt động với thời gian dự kiến là vào tháng 9/2012, cơ chế giải cứu vĩnh viễn của khu vực - Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) – sẽ đảm nhiệm việc tài trợ vốn cho Tây Ban Nha.
Hôm thứ Năm, Quốc hội Tây Ban Nha phê chuẩn các biện pháp cắt giảm chi tiêu và nâng thuế có tổng quy mô 65 tỷ EUR (tương đương 80 tỷ USD). Động thái này có thể khiến nền kinh tế Tây Ban Nha lún sâu vào suy thoái.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|