IMF công bố công cụ giám sát rủi ro tài chính mới
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 18/7 đã công bố các biện pháp
mới nhằm tăng cường sự giám sát kinh tế của tổ chức này đối với các quốc
gia thành viên trong nỗ lực nhằm giám sát hiệu quả hơn những rủi ro tài
chính cũng như phát triển toàn cầu.
Trong một tuyên bố,
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nêu rõ trong môi
trường kinh tế toàn cầu ngày càng nhiều thách thức và mang tính kết nối
cao hiện nay, điều thiết yếu là phải có biện pháp giám sát hiệu quả nhằm
sớm phát hiện các nguy cơ và đưa ra tư vấn về chính sách kịp thời.
Theo
bà, trong khi giám sát chính sách hối đoái của các nước thành viên vẫn
là vấn đề trọng tâm của IMF, các biện pháp mới nói trên sẽ tạo cơ sở để
thể chế này can dự hiệu quả hơn với các nước thành viên về chính sách
kinh tế tài chính.
Ban lãnh đạo IMF cũng thông qua một
quyết định mới về giám sát song phương và đa phương cũng như đưa ra một
báo cáo hướng dẫn nhằm cải tiến cách thức thực thi hoạt động giám sát
của IMF.
Những quy định mới này sẽ được đưa vào Khoản IV các tham vấn
thường niên giữa IMF và 188 nước thành viên.
Các biện
pháp giám sát kinh tế mới của IMF được đưa ra trong bối cảnh thế giới
đang đối mặt với nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn
cầu mới.
Trong phát biểu mới đây, Tổng Giám đốc Lagarde nêu rõ nền kinh
tế thế giới hiện trở nên đáng lo ngại hơn so với nhiều tháng trước đây
với các chỉ số hoạt động kinh tế như đầu tư, việc làm, công nghiệp… đều
xấu hơn không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nền kinh tế mới nổi
hàng đầu như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Bà Lagarde cũng cảnh báo kinh
tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại với triển vọng tăng trưởng sẽ thấp
hơn những dự đoán trước đó vì châu Âu không giải quyết được ổn thỏa
cuộc khủng hoảng nợ của khu vực này.
Mặc dù vẫn giữ dự báo
tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2012 ở mức 3,5%, song IMF cho
rằng tỷ lệ này trong năm 2013 sẽ chỉ đạt 3,9%, giảm so với dự báo trước
đây là 4,1%.
Theo IMF, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi triển vọng kinh
tế toàn cầu ngoài những tác động từ tăng trưởng chậm hơn dự báo ở một số
nước công nghiệp phát triển lớn như Mỹ (giảm 0,1% xuống 2%); Anh (dự
báo chỉ đạt tăng tưởng 0,2% so với 0,8% trước đây) và Pháp (chỉ đạt
0,3%), chủ yếu do tăng trưởng chậm lại ở các nền kinh tế lớn mới nổi như
Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil.
Đặc biệt, Tây Ban Nha, quốc gia thứ tư trong
Eurozone được dự báo vẫn chìm trong suy thoái vào năm 2013.
Dự báo này
cũng ảm đạm hơn so với tiên đoán trước đây rằng nền kinh tế lớn thứ tư
trong Eurozone này có thể sẽ phục hồi vào năm sau./.
Vietnam+
|