Italia là “Hy Lạp thứ 2”?
Ngày 18-7, thêm hàng loạt các thông tin về sự bất ổn của kinh tế Italia, nền kinh tế đứng thứ 4 châu Âu, khiến dư luận lo lắng. Chưa giải quyết xong nỗi lo đến từ các quốc gia có nền kinh tế nhỏ như Hy Lạp, Bồ Đào Nha..., e rằng Liên minh châu Âu (EU) lại đau đầu với Italia - “điểm đen” tiếp theo trong cơn bão khủng hoảng.
Sicily, một điểm thu hút khách du lịch của Italia, đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Nỗi lo vỡ nợ
Thủ tướng Italia Mario Monti cảnh báo vùng tự trị Sicily của nước này có thể sớm vỡ nợ. Trong tuần qua, các nhóm doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và nhiều chính trị gia của Italia đã lên tiếng cảnh báo Sicily có thể trở thành Hy Lạp của Italia do nhiều năm liền quản lý tài chính yếu kém, một vấn đề mới bị phát hiện gần đây. Sicily đang gánh một khoản nợ công khoảng 5 tỷ EUR và hàng năm phải thanh toán lãi suất từ 500 - 600 triệu EUR.
Báo chí Italia cho rằng trong hoàn cảnh như vậy, chính quyền địa phương ở Sicily có thể sớm rơi vào tình trạng không chi trả được lương và các khoản trợ cấp. Trước tình trạng đó, Thủ tướng Monti đã viết thư cho người đứng đầu Sicily Raffaele Lombardo, kêu gọi ông này từ chức vào ngày 31-7 như đã công bố.
Nợ công của Italia trong tháng 5-2012 đã vọt lên mức cao kỷ lục 2.405 tỷ USD và đang ở mức khoảng 120% (GDP). Nền kinh tế nước này rơi vào đợt suy thoái lần thứ 4 kể từ năm 2001. Hồi đầu tháng, Chính phủ Italia đã nhất trí cắt giảm chi tiêu 26 tỷ EUR trong vòng 3 năm tới để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách. Hiện Rome cũng phải vật lộn, nhằm duy trì lòng tin của các nhà đầu tư, vốn đang đòi các mức lãi suất ngày càng cao hơn khi cho nước này vay tiền. Ngân hàng trung ương Italia cho biết, nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 2% trong năm 2012. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự đoán kinh tế Italia tăng trưởng -1,9% năm nay.
Thất nghiệp, đói nghèo gia tăng
Ngân hàng trung ương cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Italia sẽ tăng lên mức 11% trong năm 2013, trong khi con số này hiện tại là 10,1%. Theo kết luận trong bản báo cáo tình trạng nghèo đói hàng năm của Cơ quan Thống kê quốc gia Italia (Istat) công bố ngày 17-7, ít nhất 8 triệu người dân Italia trong tổng số gần 61 triệu dân đang phải sống ở mức nghèo đói, chủ yếu ở các khu vực miền Nam như Sicily và Calabria. Con số tồi tệ này đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ giới lãnh đạo chính trị, công đoàn và người lao động.
Ông Pietro Cerrito, Thư ký của Cisl - một trong những tổ chức công đoàn lớn nhất Italia - cho rằng con số mà Istat vừa công bố chỉ tô thêm bức tranh “đáng lo ngại” của Italia và cho thấy tình trạng nghèo đói đang tác động tiêu cực đến công nhân cũng như người về hưu. Trong khi đó, chính phủ không có những chương trình và sáng kiến cụ thể về đổi mới và tăng trưởng.
Chuyên gia Mariano Bella cho rằng, chỉ có tăng trưởng mới có thể giải quyết được những vấn đề nghiêm trọng khiến xã hội bị chia rẽ và cản trở cơ hội phát triển của Italia.
Hoàng gia Tây Ban Nha tự cắt giảm lương
Ngày 18-7, nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos thông báo tự giảm khoảng 7% lương của ông, tương đương 20.000 EUR/năm, nhằm góp phần nhỏ cùng đất nước đối phó với khủng hoảng kinh tế. Các thành viên khác trong Hoàng tộc cũng theo gương này. Số tiền cắt giảm sẽ góp được hơn 90.000 EUR cho ngân sách năm 2012 của Hoàng gia. Tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã công bố một loạt biện pháp mới nhằm giảm thâm hụt ngân sách, trong đó có cắt giảm thưởng Giáng sinh đối với nhân viên các ngành dịch vụ công, bao gồm cả y bác sĩ và lính cứu hỏa, đồng thời tăng thuế bán hàng.
|
Đỗ Cao (tổng hợp)
SGGP
|