Trăm kế 'đẩy' tín dụng
Trả hoa hồng cho người giới thiệu khách hàng vay, lôi kéo khách hàng tiềm năng của ngân hàng khác sử dụng dịch vụ cùng loại..., các ngân hàng đang tìm mọi cách để “vớt vát” tăng trưởng tín dụng.
Sau hàng loạt chương trình nhằm đẩy vốn, như cho vay tín chấp đến cả 500 triệu đồng, đẩy mạnh cho vay cá nhân, hộ gia đình..., Ngân hàng Á Châu (ACB) mới đây đã có một chương trình khá đặc biệt, khiến nhiều ngân hàng rậm rịch ganh đua.
Sẵn sàng chi 10% doanh thu
ACB cho biết, từ 23.7 đến 30.12.2012, ngân hàng này sẽ thưởng hấp dẫn cho khách hàng giới thiệu người thân, bạn bè sử dụng “Bộ sản phẩm dành cho khách hàng cá nhân”. Theo đó, khi một người giới thiệu được khách hàng vay một trong hai sản phẩm như “Hỗ trợ Kinh doanh trọn gói”, “Hỗ trợ An cư trọn gói” với số tiền giải ngân từ 300 - 500 triệu đồng (tùy khu vực) với thời gian vay tối thiểu 3 tháng, khách hàng sẽ được ACB gửi tặng thẻ ghi nợ nội địa có mệnh giá tương ứng mức thưởng tính trên số tiền giải ngân của khách hàng được giới thiệu. Mức thưởng này, theo nhân viên tín dụng ACB, sẽ được trích từ 10% số lãi suất mà khách hàng vay trả trong 3 tháng.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết: “Chúng tôi chấp nhận giảm bớt doanh thu, giảm bớt lợi nhuận để đẩy mạnh cho vay và tìm kiếm khách hàng”.
Tương tự ACB, Sacombank cũng vừa “kích thích” cho vay khi đưa ra chương trình "Thêm bạn, thêm quà". Theo đó, một khách hàng là chủ thẻ tín dụng quốc tế của Sacombank khi giới thiệu được một khách hàng đăng ký thẻ thành công sẽ nhận được điểm tặng thưởng và được quy đổi ra thành nhiều quà tặng. Chương trình của cả hai ngân hàng nói trên đều có yêu cầu người được giới thiệu phải chưa từng giao dịch với ngân hàng, hoặc đã ngưng giao dịch với ngân hàng này ít nhất 6 tháng trước.
Không chọn hình thức chi trả hoa hồng này nhưng ANZ cũng có một “kế hay”. Anh Lê Giao, một chủ thẻ có hạn mức cấp tín dụng thẻ vàng của Techcombank, cho biết: “Tôi rất ghét mấy ngân hàng cứ gọi mời làm thẻ tín dụng vì thủ tục phức tạp, cứ đòi hết giấy tờ này đến giấy tờ khác, rồi cấp cho một hạn mức lửng lơ, nhưng mới đây tôi đã làm thẻ của ANZ.” Anh Giao cho biết, nhân viên tín dụng ANZ khi biết anh đang là khách hàng “hạng thẻ vàng” của ngân hàng khác thì không yêu cầu các giấy tờ như sao kê tài khoản ngân hàng, chứng minh bảng lương, không cần hợp đồng làm việc... “Tôi chỉ cần đưa cho họ 3 giấy tờ là chứng minh nhân dân, mặt trước của thẻ tín dụng mà tôi đang dùng và giấy tạm trú là... cấp cho tôi ngay một thẻ tín dụng hạng thẻ vàng, bằng hạn mức mà tôi đang xài ở ngân hàng cũ”, anh Giao nói.
Ngân hàng không còn “dễ ăn”
Tuy đã bước sang nửa cuối năm 2012 nhưng tình hình cho vay vẫn chưa có gì sáng sủa. Theo số liệu từ NHNN, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang có xu hướng giảm. Đến hết ngày 23.7, lãi suất qua đêm ở 5,26%, giảm khoảng 2,24% so với tháng trước. Đến hôm qua, lãi suất qua đêm tiếp tục được chào ra giảm chỉ còn 2,5%, các kỳ hạn tuần, tháng trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%, giảm khoảng 1% so với mấy ngày trước đó. Giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng ế ẩm khi mỗi ngày chỉ khoảng 25.000 tỷ đồng. Bức tranh thị trường liên ngân hàng càng khiến những ngân hàng muốn cho vay ra cũng khó vì thị trường đang thừa vốn, thiếu người vay.
Ông Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP.HCM lý giải việc các ngân hàng chi hoa hồng cho khách giới thiệu khách, giành khách hàng của các ngân hàng là do “bối cảnh chung quá khó”. Cũng theo ông Dương, nếu số tiền chi hoa hồng cho người giới thiệu trích từ việc ngân hàng chịu giảm bớt lợi nhuận thì “không sao”. “Nếu số tiền để chi hoa hồng đó lại đội vào lãi suất cho vay để người đi vay gánh chịu thì mới “phạm luật”. Tuy nhiên, trong điều kiện cho vay khó khăn, tìm kiếm khách hàng khó khăn như hiện nay, theo ông Dương, “ngân hàng sẽ không dám đưa hoa hồng vào để tính lãi suất, vì sẽ... mất khách hàng như chơi”.
Nhìn từ hướng cạnh tranh thị trường, ông Dương đưa ví dụ, dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng khó khăn, nhưng “có ngân hàng vẫn tăng được khoảng 8%, gấp đôi, thậm chí gấp 3 ngân hàng khác. Ngân hàng nào có chiến lược vẫn có thể cho vay”. Nhưng không thể tất cả các ngân hàng đều giành được người để cho vay. “Số lượng người đi vay tốt thì đang giảm đi, số lượng ngân hàng lôi kéo khách hàng thì đang nhiều lên. Nên từ nay đến cuối năm, cuộc chiến giành, giữ khách hàng càng gay gắt, và theo đà này, ngân hàng yếu, khỏe, dịch vụ tốt, xấu sẽ ngày càng rõ ràng hơn. Đến thời điểm này, làm ngân hàng thực sự không còn dễ ăn nữa, lợi nhuận ngân hàng năm nay chắc chắn sẽ giảm mạnh”, ông Dương nhìn nhận.
Hà Phương
đất việt
|