Chính sách tiền tệ đã hỗ trợ hiệu quả chính sách vĩ mô
Điểm sáng của điều hành chính sách tiền tệ trong gần một năm trở lại đây là tích cực hỗ trợ kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, với các giải pháp của Ngân hàng Nhà nước đã ổn định được tỷ giá VND/USD, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Đây là nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng.
Thưa ông, với hàng loạt giải pháp của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, trong khoảng một năm qua chính sách tiền tệ đã mang lại những điểm sáng nào?
Nhìn lại chính sách tiền tệ trong gần 1 năm trở lại đây cho thấy, Ngân hàng Nhà nước khá linh hoạt, uyển chuyển và ứng phó cao với những biến chuyển trên thị trường tiền tệ. Tôi có cảm giác gánh nặng của nền kinh tế đặt lên vai của chính sách tiền tệ quá nhiều và nhưng chính sách này đã thực hiện được nghĩa vụ của mình là hỗ trợ chính sách vĩ mô.
Chẳng hạn, với vấn đề điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp là luôn mong mỏi lãi suất giảm xuống. Với mức lãi suất huy động đưa về 9%/năm sớm hơn dự kiến là tiền đề quan trọng cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn tín dụng phù hợp. Đặc biệt, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm đã khẳng định kết quả của hàng loạt giải pháp trong thời gian gần đây từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Điểm sáng nữa là, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tỷ giá phù hợp, như kéo lãi suất tiền gửi USD xuống 2%/năm để làm giảm sức hấp dẫn của tiền gửi ngoại tệ so với VND, kiểm soát chặt chẽ việc bán ngoại tệ cho doanh nghiệp, đồng thời tăng cường mua vào USD để tăng dự trữ ngoại tệ, góp phần vào sự ổn định của VND.
Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất việc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và với những biện pháp tích cực để cuối năm 2011 hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần. Trong thời gian tới, chưa rõ các ngân hàng nào sẽ sáp nhập, nhưng có thể khẳng định cơ quan này đang nỗ lực sáp nhập các ngân hàng yếu kém.
Vấn đề giảm lãi suất ngân hàng được nhắc khá nhiều trong thời gian gần đây và dường như Ngân hàng Nhà nước cũng đeo đuổi nhằm đạt mục tiêu này?
Khi thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP ban hành đầu năm 2011 nhằm kéo lạm phát xuống, hành động tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất cả huy động và cho vay. Và đến nay đã đạt được những thành công bước đầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khá thận trọng trong vấn đề giảm lãi suất bởi nếu lãi suất giảm sâu sẽ lo ngại lạm phát bùng nổ trở lại. Bởi khi lãi suất giảm tín dụng sẽ được đẩy ra nền kinh tế nhiều hơn làm tăng cung tiền dễ dẫn tới lạm phát. Vì vậy, theo tôi, từ nay đến cuối năm, phải cân nhắc kỹ có nên giảm lãi xuống nữa hay không. Đặc biệt, với lãi suất huy động, nếu giảm xuống sâu nữa thì hệ thống ngân hàng sẽ khó khăn trong việc huy động vốn.
Điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách lãi suất thời gian tới nên theo hướng nào, thưa ông?
Tôi đồng tình với quan điểm áp dụng trần lãi suất là biện pháp hành chính “cực chẳng đã” của Ngân hàng Nhà nước trong một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, theo tôi, bài toán lãi suất hiện nay nên để cho thị trường tự vận hành. Đó là lãi suất theo cung - cầu thị trường, “thuận mua vừa bán” cho cả người gửi tiền và người cho vay là các ngân hàng thương mại. Vì trên cơ sở lãi suất thả nổi, lãi suất cho vay sẽ bị kéo xuống tạo sự cạnh tranh. Khi cạnh tranh lãi suất cho vay thì đương nhiên lãi suất huy động sẽ tự kéo xuống. Bởi với mức lạm phát năm nay theo tôi chỉ khoảng 6% nên khi áp dụng mức lãi suất thả nổi, không cần áp dụng trần, có thể lãi suất huy động “tự động” kéo xuống dưới 9%/năm.
Với việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tự đưa ra mức lãi suất huy động với kỳ hạn trên 12 tháng có thể hiểu việc thả nổi lãi suất sẽ diễn ra trong tương lai. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cần có thông điệp rõ ràng hơn nữa, và khi điều kiện đã có không nên sử dụng biện pháp hành chính quá lâu.
Từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn để đưa lãi suất cho vay xuống 15%/năm và thấp hơn nữa để đưa mức lãi suất này đi vào cuộc sống. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có thông điệp ở các khía cạnh: Lãi suất sẽ định hướng thế nào; kế hoạch xử lý nợ xấu; cụ thể hơn tái cấu trúc hệ thống tổ chức tín dụng. Ít nhất trong 3 lĩnh vực đó từ nay đến cuối năm phải cụ thể hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lạm phát năm nay có khả năng kiểm soát ở mức 6% và tăng trưởng GDP nếu đạt mức 5-6% sẽ tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế. Mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng nếu đạt được hai chỉ tiêu trên, Việt Nam sẽ vượt qua một năm đầy sóng gió. |
đầu tư
|