TPHCM: Doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng sản xuất
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TPHCM trong nửa đầu năm nay của các nhà đầu tư mới bị giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang hoạt động lại tăng vốn mạnh để mở rộng đầu tư.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong 6 tháng đầu năm nay toàn thành phố có 50 dự án FDI đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 495 triệu đô la Mỹ, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao gấp đôi so với vốn đăng ký của những dự án FDI mới được cấp giấy phép.
Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư hiện hữu tăng vốn để tăng cường qui mô sản xuất, mở rộng kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề mới… Trong số này các dự án tăng thêm vốn nhiều gồm Nhà máy Bia Việt Nam (Singapore) tăng thêm 68,1 triệu đô la Mỹ, Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) tăng thêm 25 triệu đô la Mỹ, BMS Việt Nam (Singapore) tăng 11,8 triệu đô la Mỹ, Sankyu Việt Nam (Nhật Bản) tăng thêm 9,5 triệu đô la Mỹ…. Một số doanh nghiệp khác cũng đang nghiên cứu tiếp tục mở rộng đầu tư tại TPHCM như Nidec của Nhật.
Trong khi đó, nguồn vốn của các dự án FDI đầu tư mới trong nửa đầu năm nay trên địa bàn TPHCM đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể trong 6 tháng qua toàn thành phố chỉ thu hút được khoảng 248 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư của các dự án mới, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân, theo các đơn vị quản lý, xúc tiến đầu tư vào thành phố, là do tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước. Nhưng bản thân thành phố cũng có những lí do khác đó là xuất phát từ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời gian qua.
Cụ thể, trong giai đoạn chuyển mình theo quy hoạch hướng đến giảm thiểu các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, để tập trung phát triển đến các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao và dịch vụ, TPHCM không tiếp nhận các dự án đầu tư thâm dụng lao động với giá rẻ như nhiều năm trước.
Mặt khác, các dự án đầu tư vào bất động sản, vốn chiếm nhiều vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố trong thời gian qua, cũng bị giảm mạnh do thị trường này bị đóng băng.
Tương tự, dòng vốn đầu tư vào công nghệ cũng có xu hướng chững lại do ngành công nghiệp phụ trợ và nhân lực chất lượng cao vẫn là nỗi lo của không ít nhà đầu tư.
Mặc dù vậy, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, luồng vốn đầu tư FDI vào thành phố đang đi theo đúng định hướng đề ra là tăng dần tỷ trọng lĩnh vực dịch vụ (chiếm hơn 50% tổng vốn FDI trong 6 tháng qua), công nghiệp chế biến.
Quốc Hùng
TBKTSG Online
|