Tập trung giải phóng hàng tồn kho
Sản phẩm tồn kho nhiều, doanh nghiệp khó tiếp cận lãi suất thấp, thị trường xuất khẩu thế giới chưa phục hồi... là những khó khăn nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2012 được nêu lên trong cuộc họp sơ kết trực tuyến của Bộ Công Thương diễn ra sáng 9/7.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong các tháng cuối năm là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho.
Tính đến tháng 6/2012, mức độ hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng bình quân 26%, đã khiến cho chỉ số phát triển công nghiệp chỉ còn 4,6%, đây là con số thấp nhất trong 6 tháng cùng kỳ của nhiều năm gần đây.
Cụ thể, hàng tồn kho của đồ uống không cồn tăng 23,8%, bột giấy, giấy và bìa tăng 15,6%, giấy và bao bì tăng 130%, xi măng tăng 29,3%, đáng chú ý sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%...
Theo Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), ngành công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm trước
Mặc dù theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm, nhưng theo ý kiến của các Sở Công Thương, mức lãi suất vẫn chưa thực sự hợp lý. Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết không có doanh nghiệp nào trên địa bàn thành phố tiếp cận được lãi suất cho vay ở mức 14%/năm, phần lớn là 17-18%/năm.
Tuy nhiên, trong bức tranh công nghiệp 6 tháng qua vẫn nổi lên những điểm sáng. Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết 6 tháng đầu năm công nghiệp thành phố đạt tăng trưởng 5,4%. Đây là kết quả từ các cuộc gặp gỡ liên tục và quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh với các ngân hàng trên địa bàn.
Giữa tháng 7, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục tổ chức hai hội nghị kết nối doanh nghiệp với các ngân hàng, tài chính, thuế nhằm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề về vốn. Tại đây, các ngân hàng sẽ công bố các gói hỗ trợ tín dụng cũng như lãi suất theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ theo xu hướng giảm dần lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Dự báo 6 tháng cuối năm, tình hình kinh tế trong nước sẽ vẫn chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới song sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ lạc quan hơn khi các chính sách của nhà nước bắt đầu có tác dụng như giảm lãi suất, thuế.
Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần tập trung ưu tiên vốn cho các dự án được hoàn thành trong năm nay, hiệp hội ngành nghề cùng các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp cùng nhau đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tính toán lại phương án sản xuất, cơ cấu lại sản phẩm, bảo đảm giá thành hợp lý để hạn chế cao nhất lượng hàng tồn kho.
Linh Đan
Chính phủ
|