Được cởi áp lực, đội tàu nội có lên đời?
Bắt đầu từ ngày 1/1/2013, toàn bộ thị trường vận chuyển container trên các tuyến vận tải biển nội địa sẽ thuộc về đội tàu Việt Nam.
Đối tượng đón nhận chủ trương này của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) một cách nồng nhiệt nhất đương nhiên là Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và các DN vận tải biển trong nước, vốn đang tìm kiếm cơ hội giành lại thị phần vận tải container tuyến nội địa từ tay các đội tàu treo cờ ngoại.
Trước đó, trong nỗ lực giải quyết bài toán dư thừa năng lực đội tàu Việt Nam đang ngày một trầm trọng, vào cuối tháng 6/2012, Bộ GTVT đã có Văn bản số 5063/BGTVT – VT, quyết định tạm dừng sự hiện diện của đội tàu biển treo cờ nước ngoài, gồm 20 chiếc với tổng trọng tải khoảng 500.000 DWT tại thị trường vận tải container nội địa. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2013, việc gia hạn, cấp mới giấy phép vận tải container đối với các tàu biển không treo cờ Việt Nam có thời hạn từ 3 đến 6 tháng sẽ bị tạm dừng.
“Các chủ tàu ngoại khó mà “cưỡng” được quyết định này, bởi việc giành quyền ưu tiên vận chuyển nội địa từ tay các đội tàu treo cờ nước ngoài cho đội tàu biển treo cờ Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Luật Hàng hải, cũng như những cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về bảo hộ quyền vận tải của các nước thành viên”, ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Vinamarine) nói.
Như vậy, đội tàu biển treo cờ Việt Nam sẽ có cơ hội rất tốt để giành lại thị phần vận chuyển container nội địa, vốn thuộc về các hãng tàu ngoại ước 1.000 tỷ đồng/năm.
Chủ trương này thực sự là liều thuốc tăng lực cho các hãng vận tải biển trong nước hiện ở trong giai đoạn đặc biệt khó khăn. Trong đó, chỉ tính riêng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), “anh cả” trong lĩnh vực vận tải biển, trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có 2.200 lao động không có đủ việc làm.
Được biết, cùng với việc thông báo sớm chủ trương này tới các chủ tàu ngoại, Vinamarine còn được Bộ GTVT yêu cầu chủ trì phối hợp với Vinalines, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam và các chủ tàu Việt Nam có tàu biển mang cờ Việt Nam xây dựng phương án đưa tàu biển mang cờ Việt Nam vào hoạt động trên các tuyến nội địa, đảm bảo không để xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển.
Những lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi cách đây đúng một năm, Văn bản số 3503/BGTVT – TV của Bộ GTVT với chủ trương tương tự đã sớm bị “vỡ”, khi đội tàu nội không đủ sức kham nổi nhiệm vụ vận chuyển hàng container trên tuyến nội địa.
Theo thống kê của Vinamarine, trong số 1.700 tàu biển treo cờ Việt Nam đang hoạt động trên tuyến nội địa, chỉ có hơn 30 tàu chở container, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vận chuyển hàng, nhất là hàng xuất nhập khẩu. Đây là lý do giải thích tại sao, Bộ GTVT buộc phải cấp phép lại cho tàu nước ngoài vào vận chuyển hàng trong nội địa chỉ sau 10 ngày tạm dừng.
Trên thực tế, ngoài việc cần thêm tới 6 tháng để kéo đội tàu đang cho thuê hạn định về nước, chất lượng đội tàu nội kém hơn rất nhiều so với đội tàu treo cờ nước ngoài, đặc biệt là tàu container của các hãng tàu quốc tế như Maersk hay NYK Lines.
“Không chỉ giá cước cao hơn tàu ngoại, tính liên thông trong vận tải quốc tế kém, năng lực khai thác yếu, hầu hết các tàu nội đều không đáp ứng yêu cầu về tiến độ giao hàng”, ông Thu thừa nhận.
Đây cũng chính là lý do khiến các hiệp hội chuyên ngành khá dè dặt trong việc ủng hộ chủ trương này. Thậm chí, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam còn lo ngại rằng, việc ưu tiên cho chủ tàu Việt Nam có thể sẽ sinh ra độc quyền và không nâng cao được chất lượng dịch vụ, làm ảnh hưởng tới chủ hàng khi sử dụng dịch vụ.
“Đây là cơ hội tốt để các chủ tàu Việt Nam chứng minh với các chủ hàng rằng, mình có đủ sức đảm nhận thị trường nội địa sau khi đã được “cởi” bớt áp lực cạnh tranh về giá từ phía các chủ tàu ngoại”, một lãnh đạo DN vận tải biển trong nước thừa nhận.
Anh Minh
Đầu tư
|