Thứ Năm, 12/07/2012 08:44

Thoái vốn: Nói nhiều, làm ít

Khi tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin) bỏ tiền mua cổ phần của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Công ty Chứng khoán SHB (SHS), góp vốn lập công ty bảo hiểm SHB - Vinacomin, họ không nghĩ một ngày có thể phải thoái vốn với một số lỗ nào đó. Từ “cắt lỗ” dường như không tồn tại trong quan điểm đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Hiện tại giá cổ phiếu SHB trên sàn dao động quanh mức 8.000 đồng, chứng khoán SHS 6.000 đồng. Ai sẽ nhận chuyển nhượng vốn tại những đơn vị này bằng giá vốn ban đầu cho Vinacomin đây? Còn không, Vinacomin bằng cách nào để tái cơ cấu những khoản đầu tư tại đây? Trường hợp Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lại cổ phần tập đoàn Bảo Việt của Vinashin bằng giá vốn ban đầu có lẽ sẽ không lặp lại nữa!

Vinashin: Công khai rao bán tài sản

Mấy tháng trước, trước thềm hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam, một quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin đang tìm đối tác chuyển nhượng cổ phần ở 32 dự án, bán toàn bộ 13 doanh nghiệp, 4 tài sản khác. Nếu chuyển nhượng thành công theo giá vốn, Vinashin sẽ thu được khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn so với khoản nợ hiện hành 19.600 tỷ đồng của tập đoàn.

Trong một hội thảo mua bán và sáp nhập mới đây ở TPHCM, Vinashin lặp lại chào mời này. Tuy nhiên cho đến nay chưa thấy tổ chức nào bày tỏ ý định mua hay đánh tiếng trả giá. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành ở Vinashin càng ngày càng cấp thiết vì hoạt động sản xuất - kinh doanh chính đang rất không thuận lợi. Ba tháng đầu năm, theo Bộ Giao thông Vận tải, doanh thu của tập đoàn chỉ có 282 tỉ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ. Nếu không được vay thêm tiền, Vinashin có nguy cơ trở lại tình trạng không thể trả lương cho công nhân.

Nếu Vinashin chấp nhận cắt lỗ, bán với giá khuyến mãi, có thể sẽ thu hút được những nhà đầu tư mạo hiểm. Song, ngay cả mạo hiểm, họ cũng phải thuê đơn vị kiểm toán vào đánh giá thực trạng tài chính của những dự án, doanh nghiệp rao bán. Sẽ mất thời gian, tốn chi phí kiểm toán và có thể một hiện trạng tài chính thực không mấy dễ chịu được phơi bày. Lúc ấy Vinashin có đồng ý bán giá thấp? Nhà nước và chủ nợ có cho phép? Nên nhớ tài sản của Vinashin phần lớn đã được thế chấp cho các chủ nợ.

Cắt lỗ cũng khó

Không công khai rao bán các khoản đầu tư như Vinashin, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty khác như Vinacomin, Điện lực (EVN), Vinalines, Bưu chính Viễn thông, Dầu khí, Sông Đà... không hẹn mà gặp đều xây dựng đề án tái cơ cấu, trong đó phần chủ lực là thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành vào năm 2015. Liệu ba năm rưỡi tính từ bây giờ có đủ thời gian để tìm người mua?

Những người lạc quan tin tưởng vài năm nữa kinh tế sẽ qua thời kỳ khó khăn, thị trường chứng khoán khởi sắc, chuyển nhượng dự án sẽ nhộn nhịp. Đó là cơ hội để thoái vốn theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn. Tuy nhiên, từ nay đến khi có thể bán được, những tài sản đã đầu tư vẫn “đòi ăn” vì chúng được “tậu” bằng vốn vay, nên quí nào, năm nào mà chẳng phải trả lãi. “Nuôi” một khoản đầu tư mà không biết khả năng sinh lời của nó đến đâu, chưa kể chi phí “nuôi” trong quá khứ đã đội giá thành lên gấp rưỡi, gấp đôi, sẽ bào mòn sự kiên nhẫn của người sở hữu.

Những người bi quan bám chặt quan điểm cắt lỗ. Khổ nỗi thanh khoản thị trường èo uột, bán cho ai, trong khi người bán nhiều, người mua ít. Đâu phải chỉ có mỗi Vinacomin được đề nghị cơ cấu lại vốn góp vào SHB. EVN có ý định bán phần sở hữu ở Ngân hàng An Bình (Abbank) đã lâu. PetroVietnam góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPbank) và giờ cũng muốn thanh lý. Vinatex ráo riết tìm những ai quan tâm đến cổ phần họ có ở Ngân hàng Nam Việt (NVB)... cổ phiếu những ngân hàng này, cả trong và ngoài sàn niêm yết, đều đang được giao dịch dưới mệnh giá. Bán là phải hạch toán lỗ liền tay.

Thật khó biết chính xác tổng vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước hiện bao nhiêu. Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố con số 22.590 tỷ đồng. Riêng tại TPHCM, Sở Tài chính tổng hợp số liệu của 89 doanh nghiệp quốc doanh trên địa bàn cho biết đến cuối tháng 5-2011 số tiền đầu tư chứng khoán của những đơn vị này tới 9.295 tỷ đồng. Giới quan sát cho rằng một năm trôi qua, dữ liệu thực có thể lớn hơn vì nhiều ngân hàng, doanh nghiệp tăng vốn và các cổ đông tập đoàn, tổng công ty bắt buộc phải góp thêm vốn. Điều đó có nghĩa những khoản chuyển nhượng theo giá thị trường sẽ đưa ra ánh sáng mức lỗ không nhỏ.

Sử dụng công cụ nợ: Mức nào là đủ?

Khối nợ của doanh nghiệp nhà nước sẽ giảm và hiệu quả kinh doanh sẽ được cải thiện phần nào khi thoái vốn đầu tư ngoài ngành hoàn tất. Phương thức đơn giản, minh bạch hơn cả để thoái vốn là đấu giá dựa trên mức giá khởi điểm cạnh tranh. Một số doanh nghiệp đã thực hiện phương thức này (chẳng hạn bán cổ phần và quyền mua cổ phần của một đơn vị quốc doanh ở ngân hàng H), nhưng giá khởi điểm lại ở “trên trời”, cách quá xa giá thị trường, khiến các bên quan tâm lắc đầu ngao ngán.

Đã đến lúc phải có một cơ chế linh hoạt cho thoái vốn, theo đó các doanh nghiệp nhà nước được phép theo giá thị trường, không thể căn cứ vào việc đầu tư lỗ lãi mà quy trách nhiệm sau này. Với sai lầm đầu tư ngoài ngành, các doanh nghiệp đã phải trả giá. Họ cần một cơ chế tạo điều kiện cho họ sửa sai. Thí dụ nguồn vốn thu được từ thoái vốn sẽ được kiểm soát chặt chẽ, giải ngân cho hoạt động chính, lấy hiệu quả của hoạt động này bù đắp phẩn lỗ trước kia của đầu tư ngoài ngành...

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, trả lời chất vấn Quốc hội, đã nhấn mạnh sẽ dùng bốn nguồn lực để tái cơ cấu khối quốc doanh bao gồm quỹ hỗ trợ, sắp xếp, phát triển doanh nghiệp; công cụ mua bán nợ; vốn của cổ đông - nhà đầu tư nước ngoài; và vay ODA. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cam kết cho Việt Nam vay 600 triệu đô la Mỹ cho mục đích này. Tập đoàn Sông Đà được chọn thí điểm với khoản vay 120 triệu đô la Mỹ, kỳ hạn 30 năm, lãi suất 0,5%/ năm. Trong số bốn nguồn lực, công cụ mua bán nợ được xem là hứa hẹn. Bộ Tài chính có thê phát hành trái phiếu, dùng tiền ấy mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành và chuyển nhượng lại vào thời điểm thích hợp trong tương lai. Vấn đề là sử dụng công cụ nợ đến mức nào cho đủ vì trong bối cảnh thị trường tài chính chưa phát triển như Việt Nam, công cụ nợ là con dao hai lưỡi.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   QCG: Chuyển đổi 30% trái phiếu thành 5.5 triệu cổ phiếu (11/07/2012)

>   TTF dự kiến phát hành cổ phiếu 2:1, giá 5,000 đ/cp (11/07/2012)

>   ASC: Tăng vốn điều lệ lên 56 tỷ đồng (11/07/2012)

>   Sáp nhập Alphanam và câu chuyện túi trái, túi phải (11/07/2012)

>   Bộ yêu cầu Tập đoàn cao su thoái vốn ở 46 công ty ngoài ngành (11/07/2012)

>   KSA phát hành 12 triệu cp cho 3 nhà đầu tư chiến lược (11/07/2012)

>   DAG: 11/07 GDKHQ nhận cổ tức 10% bằng cổ phiếu (09/07/2012)

>   Nắm 62,38% vốn FLC: SGInvest là ai? (09/07/2012)

>   Vì sao M&A chỉ mới có duyên với các doanh nghiệp lớn? (08/07/2012)

>   Fideco: Nỗi niềm thanh khoản (07/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật