Thứ Sáu, 13/07/2012 15:07

PVI không ngại việc thoái vốn của PVN

Nếu chính phủ có đề nghị giảm phần vốn góp của Nhà nước xuống dưới 18% thì vai trò của PVI đối với PVN cũng không hề thuyên giảm.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất với Chính phủ không coi vốn đầu tư tại CTCP PVI (trước đây là Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam) là đầu tư ngoài ngành. Cùng với đó, PVN cũng đề xuất được giữ lại 18% vốn trong lĩnh vực bảo hiểm tại PVI do đây là đơn vị được giao nhiệm vụ tư vấn, quản lý rủi ro và thu xếp các chương trình bảo hiểm đảm bảo an toàn cho các hoạt động của PVN. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI chia sẻ thêm với ĐTCK.

18% vốn trong lĩnh vực bảo hiểm là tỷ lệ mà PVN đề xuất với Chính phủ tiếp tục giữ tại PVI. Trên thực tế, PVN đang nắm tới 39,05% cổ phần. Liệu có mâu thuẫn gì ở đây không, thưa ông?

Theo lộ trình, PVN phải giảm vốn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm xuống còn dưới 20%. Tuy nhiên, PVI đã tái cấu trúc, và chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. PVI không còn trực tiếp kinh doanh bảo hiểm và không chịu điều chỉnh của Luật kinh doanh Bảo hiểm, mà hoạt động theo mô hình công ty đầu tư vốn và nắm giữ tài sản, chịu điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, 39,05% là tỷ lệ PVN đang sở hữu tại CTCP PVI.

Mặc dù không còn kinh doanh bảo hiểm, nhưng PVI có đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm. Cụ thể là các công ty con do PVI giữ 100% vốn: Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Công ty Tái bảo hiểm PVI và giữ 51% vốn: Công ty Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life. Trong đó, Tổng công ty Bảo hiểm PVI kế thừa mọi quyền lợi và trách nhiệm trong lĩnh vực bảo hiểm của PVI trước đây. Đề xuất được giữ lại 18% của PVN là tỷ lệ sở hữu riêng trong lĩnh vực bảo hiểm.

Để giảm vốn theo kế hoạch, PVI cũng đã đề nghị Tập đoàn tiếp tục nắm giữ đến 35,5% vốn điều lệ của PVI trong những giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, PVI sẽ giảm vốn tại các công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm xuống còn 51%.

Cơ cấu tỷ lệ sở hữu nói trên có đảm bảo Tập đoàn vẫn theo đúng chủ trương của Chính phủ?

Chúng tôi đang đi đúng chủ trương về giảm vốn nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh được xem là ngoài ngành. Không phải chỉ đến khi có chủ trương này, mà ngay từ trước đó, chúng tôi đã chủ động giảm nhanh vốn nhà nước. Từ năm 2006, PVI có 100% vốn nhà nước, nhưng chỉ sau hơn 6 năm, đã giảm xuống còn 39,05% như hiện nay. Và đến tháng 8/2012 sẽ là 35,5% sau khi PVI hoàn thành việc tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đến khi đó, vốn chủ sở hữu của PVI tăng lên khoảng 40 lần so với thời điểm trước cổ phần hóa năm 2006, và sẽ đạt gần 6.000 tỷ đồng.

Ông có nghĩ giảm vốn của Tập đoàn sẽ làm giảm bớt vai trò của PVI đối với PVN?

Không! Theo tôi, tỷ lệ nắm giữ cổ phần nhà nước tại một doanh nghiệp bao nhiêu là không quá quan trọng. Mà quan trọng ở chỗ, doanh nghiệp đó, với tư cách là công ty thành viên đóng góp những gì cho Tập đoàn trong chuỗi giá trị gia tăng mà Tập đoàn này nhận được. Cụ thể, với PVN, PVI đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ quản trị rủi ro của Tập đoàn, trong đó có các doanh nghiệp lớn như Vietsovpetro, PVEP, PV Gas, DPM… Mỗi sản phẩm của PVN cũng như các đơn vị thành viên bán ra đều được bảo hiểm với mức phí hợp lý, góp phần tạo nên sức cạnh tranh cho các sản phẩm của ngành dầu khí trên thị trường. Khi không may xảy ra sự cố, thậm chí có sự cố ngoài khơi thiệt hại tới hàng chục triệu USD, thì sẽ được thu xếp giải quyết bồi thường nhanh chóng, giúp Tập đoàn và các đơn vị thành viên giảm thiểu các rủi ro.

Ông nghĩ sao nếu có yêu cầu thoái toàn bộ phần vốn của Nhà nước tại PVI?

Tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước ở một doanh nghiệp nhiều hay ít không gắn với hiệu quả và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Tại PVI, PVN không nhất thiết phải nắm nhiều vốn mà vẫn có thể được hưởng dịch vụ bảo hiểm của chúng tôi. Nếu Chính phủ có đề nghị giảm phần vốn góp của Nhà nước xuống nữa (dưới 18%) thì vai trò của PVI đối với PVN cũng không hề thuyên giảm. Như tôi đã đề cập ở trên, mấu chốt ở đây là chất lượng dịch vụ bảo hiểm của PVI. Đối với PVI, PVN là cổ đông lớn nhưng cũng đồng thời là khách hàng lớn. Tương tự các cổ đông chiến lược khác của PVI như Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Talanx, Quỹ đầu tư Oman OIF, Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Sun Life Financial, cũng vừa là đối tác, vừa là khách hàng của PVI.

Giá trị về tài chính (nằm ở doanh thu hay lợi nhuận) mà PVI đóng góp cho PVN không thật lớn, tuy nhiên, ý nghĩa nằm ở việc quản trị rủi ro cho Tập đoàn.

Diệu Minh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   LCM: Kiểm toán Đông Á là đơn vị kiểm toán BCTC năm 2012 (13/07/2012)

>   PTL ký hợp đồng kiểm toán BCTC 2012 với AASC (13/07/2012)

>   CSC chọn VAE làm đơn vị kiểm toán (13/07/2012)

>   HOSE: Hướng dẫn thực hiện công bố BCTC theo Thông tư 52 (13/07/2012)

>   6 tháng, Hòa Phát miền Trung đạt doanh thu hơn 490 tỷ đồng (13/07/2012)

>   Áp lực nợ nần khiến QCG 'xui xẻo' tới mức nào? (13/07/2012)

>   Dòng tiền, yếu tố cần soi kỹ khi đọc BCTC quý 2 (13/07/2012)

>   THV hợp tác đầu tư trồng 100.000ha cà phê tại Angola (13/07/2012)

>   Bianfishco chưa thể trả nợ như cam kết (13/07/2012)

>   WSS: Quý 2 "thoát nạn" nhờ lợi nhuận khác và hoàn thuế hơn 4 tỷ đồng (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật