Áp lực nợ nần khiến QCG 'xui xẻo' tới mức nào?
Thời gian qua, hàng loạt tin không tốt về Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên tục được tung ra, như công ty làm ăn thua lỗ, đang phải gánh khoản nợ cả nghìn tỷ, cổ phiếu liên tục giảm mạnh, trái phiếu chuyển đổi ế ẩm…
Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai mới chỉ có đúng 1 phiên tăng điểm nhẹ là hôm 10/7 với mức tăng 300 đồng, còn lại giá giảm liên tục trong đó có 3 phiên giảm sàn, dù thị trường vẫn có ngày tăng điểm. Còn nếu tính từ phiên giao dịch 11/6 tới phiên hôm qua (11/7), tròn 1 tháng, cổ phiếu QCG đã giảm 23,1%, từ mức 11.300 đồng/cổ phiếu (ngày 11/6) xuống còn 8.700 đồng (ngày 11/7).
Trước đó, ngày 13/4, cổ phiếu QCG chính thức bị đưa vào diện cảnh báo do Công ty mẹ Quốc Cường Gia Lai làm ăn thua lỗ. Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai năm 2011 là âm 39,83 tỷ đồng. Hết quý I/2012, Quốc Cường Gia Lai vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thua lỗ khi lợi nhuận âm 3,84 tỷ đồng.
Theo giải thích của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai, trong báo cáo tài chính quý 4/2011 của công ty, việc Quốc Cường Gia Lai bị thua lỗ trong năm 2011 là do việc ảnh hưởng chung của tình hình khủng hoảng tài chính, nên chênh lệch trong doanh thu hàng bán bị hạn chế. Hàng hóa bất động sản không tiêu thụ được, trong khi đó công ty vẫn phải trả lãi cho vay ngân hàng, nên dẫn đến doanh thu thấp còn chi phí tài chính lại cao.
Minh chứng cho những khó khăn này, báo cáo tài chính cũng cho thấy hàng tồn kho của công ty chủ yếu là bất động sản được mua hoặc đang được xây dựng để bán trong điều kiện kinh doanh bình thường, hơn là nắm giữ nhằm mục đích cho thuê hoặc chờ tăng giá. Cùng với đó, khoản tiền vay ngân hàng trong năm của công ty cũng khá lớn.
Việc nợ nần của Quốc Cường Gia Lai cũng là một trong những đề tài làm xôn xao dư luận thời gian qua. Nhiều nguồn tin cho biết Quốc Cường Gia Lai đang nợ tới cả nghìn tỷ đồng. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí hồi tháng 6 vừa qua, bà Nguyễn Thị Như Loan cho hay, trong tổng số nợ của QCG, bà lo nhất là những khoản nợ vay tài trợ bất động sản. Nợ tài trợ bất động sản mà Công ty đang gánh là hơn 700 tỷ đồng, chủ yếu là nợ tài trợ dự án Phước Kiểng. “Cơ cấu lại được nợ này chúng tôi rất mừng. Còn lại khoảng 200 tỷ đồng là những khoản nợ vay để xây dựng các dự án chung cư. Nợ này vay từ nhiều nguồn. Dĩ nhiên, chúng tôi phải tìm cách để giảm áp lực nợ nần. Có rất nhiều cách, nhưng tạm thời tôi chưa thể công bố, vì chưa có ký kết chính thức. Ví dụ, chúng tôi sẽ tìm cách bán sỉ các dự án chung cư QCGL II, Giai Việt, Trung Nghĩa…, chấp nhận thiệt đôi chút để có tiền trả được nợ. Riêng những khoản nợ hàng trăm tỷ đồng cho thủy điện, cao su, chúng tôi không lo. Bởi lẽ, các khoản vay này là vay dài hạn và nguồn thu từ các dự án thủy điện, cao su sẽ đủ đảm bảo trả lãi và nợ gốc”, bà Loan nói.
Như vậy, có thể thấy Quốc Cường Gia Lai đang phải chịu một áp lực khá lớn từ các khoản nợ nần và có những động thái như bán rẻ dự án, chấp nhận chịu thiệt để trả được nợ.
Mới đây nhất, công ty của mẹ con Cường “đô la” lại đón nhận tin xấu khi 195 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi do Quốc Cường Gia Lai phát hành chỉ có 30% được các nhà đầu tư đồng ý chuyển thành cổ phiếu với giá chuyển đổi 10.524 đồng.
Theo đó, tổng giá trị trái phiếu đã chuyển đổi là 58,5 tỷ dồng, sang cổ phiếu phổ thông, mệnh giá 10.000 đồng với giá 10.524 đồng. Tổng số trái phiếu chuyển đổi chỉ chiếm 30% so với lượng phát hành trước đó, một tỷ lệ tương đối thấp.
Năm 2010, Công ty Quốc Cường Gia Lai phát hành trái phiếu chuyển đổi theo phương thức riêng lẻ cho các nhà đầu tư với giá trị 195 tỷ đồng, lãi suất 0% với kỳ hạn 2 năm. Ngày phát hành là 9/12/2010. Số tiền huy động được dùng để bổ sung vốn lưu động, hoàn thành các dự án bất động sản, phát triển thêm mảng trồng cao su...
Tuy nhiên, khi đáo hạn trái phiếu, phần lớn các nhà đầu tư không muốn chuyển đổi thành cổ phiếu do giá QCG liên tục tụt dốc và công ty làm ăn thua lỗ.
Thu Hạ
đất việt
|