Dòng tiền, yếu tố cần soi kỹ khi đọc BCTC quý 2
Trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp vẫn có thể hạch toán có lợi nhuận nhờ các thủ thuật kế toán, nhưng sự thiếu hụt dòng tiền sẽ gây áp lực tài chính thậm chí là phá sản.
Trên TTCK Việt Nam, có một thực tế tồn tại lâu nay là hầu như giới đầu tư chỉ quan tâm đến lợi nhuận, EPS… mà thường không chú ý đến dòng tiền khi mua cổ phiếu.
Tại sao dòng tiền lại quan trọng?
Dòng tiền, được thể hiện trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, giúp chúng ta đánh giá được khả năng tạo tiền, khả năng thanh toán và dự báo khả năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.
Quan trọng không kém, nhờ loại trừ được các ảnh hưởng của việc áp dụng phương pháp kế toán khác nhau, dòng tiền sẽ giúp chúng ta đánh giá kết quả kinh doanh (KQKD) một cách khách quan và chính xác hơn.
Một cách cụ thể, trong hoàn cảnh khó khăn, doanh nghiệp vẫn có thể hạch toán có lợi nhuận nhờ các thủ thuật kế toán, nhưng sự thiếu hụt dòng tiền sẽ gây áp lực tài chính thậm chí là phá sản.
Các dòng tiền được trình bày theo 3 dạng hoạt động chính:
(1) Hoạt động kinh doanh: Là các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính.
(2) Hoạt động đầu tư: Là các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không thuộc các khoản tương đương tiền.
(3) Hoạt động tài chính: Là các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) chính sẽ là nguồn tiền để công ty trang trải chi phí hoạt động, hoàn trả các khoản nợ vay hay thanh toán cho nhà cung cấp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Trong ngắn hạn, dòng tiền HĐKD bị âm thì công ty có thể phải vay thêm tiền hoặc phát hành cổ phiếu để tài trợ cho nguồn vốn hoạt động. Nhưng nếu dòng tiền hoạt động vẫn tiếp tục âm trong khoảng thời gian dài thì công ty sẽ chị áp lực tài chính rất lớn, ví dụ không có tiền để trả lãi vay, nợ gốc hay lợi nhuận cho người cung cấp vốn (ngân hàng, cổ đông…).
Đây là thực tế xảy ra đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Theo đó, khi đầu ra sản phẩm khó khăn, doanh thu sụt giảm, dòng tiền kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Trước tình trạng đó, hoạt động vay nóng, đảo nợ hay “ráng” phát hành thêm cổ phiếu đã đẩy mạnh để có nguồn vốn bổ sung dòng tiền hoạt động.
Đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, còn trong dài hạn một công ty ổn định, phát triển tốt là công ty tạo được tiền bằng chính các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Hãy cùng nhìn lại dòng tiền HĐKD của các doanh nghiệp tiêu biểu trong quý 1/2012, và cần soi kỹ vấn đề này khi công bố BCTC quý 2, vốn được dự báo là tiếp tục cho thấy áp lực căng thẳng về mặt dòng tiền.
Dòng tiền HĐKD thấp nhất trong quý 1/2012
Dòng tiền HĐKD tiêu cực nhất trong kỳ là PVX khi âm 1,023 tỷ đồng, tiếp theo là PPC âm gần 928 tỷ đồng, OGC là âm 761 tỷ đồng.
Có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp có dòng tiền hoạt động kém nhất trong quý 1 đều nằm trong ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu do hàng tồn kho gia tăng, tăng các khoản phải thu hay phải gia tăng chi trả cho khách hàng; bên cạnh đó là lợi nhuận hoạt động trước thay đổi vốn lưu động thấp do HĐKD bị đóng băng…
Trong khi đó, dòng tiền hoạt động của PPC âm chủ yếu do gia tăng mạnh khoản phải thu khách hàng thêm 536 tỷ đồng và đặc biệt là các khoản chi khác từ HĐKD đến 819 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số này chỉ là 402 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp có dòng tiền phát sinh âm đáng chú ý khác gồm: PVS, VCG, DLG, SBT, MPC, HSG, HBC.
Dòng tiền HĐKD cao nhất trong quý 1/2012
Dẫn đầu về dòng tiền HĐKD trong quý 1/2012 là VIC với dòng tiền hoạt động trong kỳ phát sinh dương hơn 2,857 tỷ đồng.
Dòng tiền vào của VIC trong kỳ chủ yếu đến từ việc gia tăng của các khoản phải trả với 3,325 tỷ đồng nhờ gia tăng khoản mục người mua trả tiền trước, và lợi nhuận từ HĐKD trước thay đổi vốn lưu động 1,329 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng ra chủ yếu do gia tăng khoản mục hàng tồn kho 899 tỷ đồng và tiền lãi vay đã trả 474 tỷ đồng.
Đáng chú ý tiếp theo là DPM với dòng tiền hoạt động trong quý 1/2012 đạt 1,425 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lợi nhuận HĐKD trước thay đổi vốn lưu động là 975 tỷ đồng, giảm lượng hàng tồn kho gần 224 tỷ đồng, khoản phải trả gia tăng 319 tỷ đồng.
Các công ty có dòng tiền HĐKD cao tiếp theo là GAS, LAS, HPG, CTD, VGS, CSM, PVI, TCS.
Duy Nam (Vietstock)
ffn
|