Phí môi giới - Cạm bẫy hoa hồng
Vài năm nay, rất nhiều CTCK công bố lấy hoạt động môi giới làm nền tảng phát triển, nhưng thực tế không hề đơn giản khi cuộc cạnh tranh phí vô cùng khốc liệt.
Áp lực doanh số
Hiện nay phí giao dịch online vào khoảng 0,15-0,2%, trong khi giao dịch qua điện thoại với nhân viên môi giới hoặc đặt lệnh tại sàn dao động từ 0,2-0,3%. Từ đây có thể ước tính phí giao dịch trung bình trên thị trường vào khoảng 0,2%.
Khi thu phí của NĐT, CTCK đồng thời phải trả phí cho HOSE hoặc HNX 0,03%, như vậy tỷ lệ phí giao dịch thực thu của CTCK từ NĐT trung bình ở mức 0,17%.
Hiện tại, các CTCK áp dụng chế độ hoa hồng cho nhân viên môi giới với tỷ lệ từ 30-40% phí giao dịch, tức các CTCK sẽ phải chia lại 0,05-0,07% hoa hồng, còn lại mới là phần “ròng” cho mình vào khoảng 0,1-0,12%, phần này sẽ tiếp tục trang trải các khoản chi phí như mặt bằng, lương…
Đến đây, sẽ xuất hiện câu hỏi nhân viên môi giới được hưởng hoa hồng khoảng 0,05-0,07% là cao hay thấp? Giả sử tổng giá trị giao dịch mà một nhân viên môi giới đem về cho CTCK là 10 tỷ đồng, nhưng không có nghĩa nhân viên đó sẽ được hưởng 5-7 triệu đồng tiền hoa hồng.
Bởi mỗi CTCK đều “áp” doanh số cho nhân viên của mình ở một mức nào đó, để từ đó tính toán ra cơ sở lương bổng và hoa hồng. Chẳng hạn tính theo giá trị giao dịch mỗi tháng ước chừng phải đạt từ 6-7 tỷ đồng, còn nếu tính theo phí thì mỗi tháng phải tạo ra khoảng 15 triệu đồng/phí mới được hưởng lương cứng, phần vượt trên các mốc này mới được hưởng hoa hồng.
Ngược lại, nếu không đạt được doanh số sẽ bị trừ ngược vào lương cứng. Một nhân viên môi giới khá dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, khi thanh khoản của thị trường đạt khoảng 1.200-1.500 tỷ đồng sẽ không khó để đạt doanh số 25-30 tỷ đồng mỗi tháng, nhưng nếu cứ diễn biến như tháng 5 và 6 vừa qua thì việc không đạt chỉ tiêu cũng là chuyện bình thường.
Trong thực tế, số nhân viên môi giới có thu nhập cao không nhiều, chủ yếu là những nhân viên giàu kinh nghiệm, trong khi một số CTCK với chính sách phát triển môi giới mạnh đã tuyển mộ rất nhiều môi giới mới và tạo ra một cuộc cạnh tranh cực kỳ gay gắt.
Đã từng có trường hợp CTCK tuyển các môi giới là sinh viên mới ra trường, hoặc những người mới tham gia ngành CK và cho thời hạn 2-3 tháng làm cộng tác viên, đồng thời áp chỉ tiêu kinh doanh nhưng không trả lương mà chỉ trả hoa hồng. Sau thời hạn đó, nếu không hoàn thành cộng tác viên sẽ nhận được thông báo thôi hợp tác.
Bí quá hóa liều
Hiện tại, cộng tác viên của CTCK không chỉ là những môi giới mới vào nghề mà còn có cả những môi giới tự do, nhưng nắm giữ một cơ số khách hàng tốt và tầm ảnh hưởng với một số CTCK tầm trung hoặc nhỏ là cực lớn. Các CTCK dạng này khi không thể hoặc không có cơ hội tự doanh sẽ phải tìm cách phát triển môi giới.
Theo đó, các CTCK sẽ giảm phí đến mức tối thiểu trong khi chi hoa hồng ở mức cao cho các môi giới tự do để kéo khách về. Ở đây, trong trường hợp một số môi giới tự do có thể “xui” khách hàng của mình giao dịch nhiều, đồng thời ép CTCK cho vay đòn bẩy với tỷ lệ ký quỹ thấp; cho sử dụng các CP có độ rủi ro cao để làm tài sản đảm bảo và cái đích cuối cùng chính là để hưởng càng nhiều hoa hồng càng tốt.
Nếu CTCK không “cứng”, ngoài việc phải chi nhiều hoa hồng, trong khi hiệu quả chưa chắc đạt được, mà còn có thể “dính” vào những trường hợp như giải chấp, thậm chí “âm vốn” nếu cho sử dụng đòn bẩy những CP “lởm”.
Có một câu chuyện mà giới CK khi nghe đều cười mỉm là thị trường diễn biến bình thường thì tỷ lệ đòn bẩy vẫn là “chuẩn” 6:4 (bỏ vốn 6 vay 4), nhưng khi có sóng sẽ đảo ngược thành 4:6 hoặc thậm chí 3:7 và những CTCK càng nhỏ, càng yếu có thể càng “bạo”.
Giả định một CTCK nằm trong top 10, chiếm 5% thị phần, với GTGD trung bình mỗi ngày là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, phí giao dịch “ròng” của CTCK này sau khi trừ đi chi phí cho các Sở GDCK, hoa hồng sẽ vào khoảng 50-60 triệu đồng/ngày.
Với một CTCK chiếm khoảng 5% thị phần thì số lượng nhân viên, cơ sở hạ tầng phải khá hùng hậu, nên khó có thể nói rằng khoản tiền phí thu về như vậy là cao. Vậy tại sao các CTCK vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động môi giới? Loại bỏ đi những mục đích kiểu như thu hút khách hàng để thuận tiện tự doanh hoặc làm giá CP, mà chỉ tính đơn thuần trên góc độ “chuyên môn”, các CTCK vẫn có những nguồn thu “khủng” khác ngoài chuyện phí giao dịch.
Hiện tại mức phí cho vay ứng trước tiền bán vào khoảng 0,05-0,06%/ngày/giá trị giao dịch. Nếu sau khi bán CK và thực hiện ứng tiền ngay lập tức, NĐT sẽ phải vay ứng trước 3 ngày (vì đến ngày T+3 CP mới về tài khoản), ứng với mức phí phải trả sẽ là 0,15-0,18%/giá trị giao dịch, tương đương với phí giao dịch mà NĐT phải trả cho CTCK.
Điều này có thể hiểu nôm na là nếu bán CK và ứng tiền lập tức NĐT sẽ phải trả đến 2 lần phí giao dịch. Phần phí thu từ các dịch vụ ứng trước này tất nhiên CTCK hưởng và đây mới chính là phần “nạc” bù đắp cho phần “xương” từ phí môi giới.
Thái Ca
sài gòn đầu tư tài chính
|