Phát hành cổ phiếu giá “bèo”
Vấn đề đặt ra là việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá có lợi cho doanh nghiệp hay cho cổ đông và đằng sau vụ việc này là gì…
Gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết thi nhau lên kế hoạch phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, thậm chí chỉ bằng 50% mệnh giá. Đây là điều chưa từng xảy ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bất khả kháng?
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF), đề xuất sẽ phát hành quyền mua cổ phiếu TTF cho cổ đông theo tỉ lệ 2:1 với mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu. Điều đáng nói là giá trị sổ sách của TTF cuối quý I/2012 ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu, còn giá thị trường trong thời điểm công bố phát hành giá 5.000 đồng là 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, đại hội cổ đông của Tập đoàn Thái Hòa (TVH) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành hơn 42 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với giá 6.000 đồng/cổ phiếu. Hay một công ty chứng khoán đang niêm yết trên sàn cũng đã có kế hoạch phát hành riêng lẻ 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 7.000 đồng/cổ phiếu…
Ông Võ Trường Thành cho biết việc phát hành cổ phiếu giá 5.000 đồng là phương án dự phòng vì công ty cũng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu và trái phiếu cho đối tác chiến lược Hàn Quốc, có thể thu về khoảng 150 tỉ đồng. “Việc phát hành này nhằm tăng vốn, cải thiện tình hình tài chính của công ty nên dù dưới mệnh giá vẫn không gây bất lợi cho cổ đông”- ông Võ Trường Thành khẳng định.
Tổng giám đốc của một DN đang có chủ trương phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá thừa nhận: “Chúng tôi cần vốn để đẩy mạnh năng lực tài chính cho công ty nhưng giá cổ phiếu trên sàn dưới mệnh giá thì khó lòng chúng tôi phát hành được trên 10.000 đồng nên phải bán giá “bèo”. Đây là chuyện bất khả kháng”.
Nhà đầu tư nên cân nhắc
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc phân tích tài chính của Công ty CP Bamboo Capital, cho rằng khi DN phải chọn hình thức phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là đã “cân, đo, đong, đếm” rất kỹ và có thể nói là “bước đường cùng”. Bởi khi DN phát hành cổ phiếu giá 5.000 đồng thì phần thu chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu nhưng lại phải ghi nhận với giá bằng mệnh giá là 10.000 đồng. Điều này đồng nghĩa giá trị DN bị sụt giảm vì không có phần thặng dư vốn sau phát hành.
Một chuyên gia tài chính nhận xét: Nếu là nhà đầu tư, cần cân nhắc khi mua cổ phiếu phát hành loại này bởi một DN phải phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, nhiều khả năng không vì mục đích lấy vốn kinh doanh mà rất có thể là để trả nợ. Còn nếu là nhà đầu cơ, có thể mua vào vì khi thị trường tốt lên, giá cổ phiếu nào cũng sẽ “chạy”. Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý: Việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá cũng có thể tốt hơn nếu DN đó hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tài chính.
Có thể là “kịch bản” thâu tóm
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho rằng: Về nguyên tắc tài chính trên thế giới, việc phát hành cổ phiếu trong lúc thị trường giảm và giá cổ phiếu dưới mệnh giá là không nên. Vì như vậy DN đã tự định giá thấp cổ phiếu của mình. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, lãi suất cũng đã thấp, nếu DN không có khả năng tiếp cận được vốn với mức chi phí khoảng 13%, nhà đầu tư cũng cần xem xét lại khả năng tồn tại và phát triển của DN đó.
Ông Chí còn lưu ý: Trường hợp DN chỉ phát hành cổ phiếu giá “bèo” cho cổ đông riêng lẻ mà không phát hành cho cổ đông hiện hữu thì nhà đầu tư cần phải xem xét lại bởi khả năng thâu tóm DN với giá rẻ trong trường hợp này là rất lớn. Ví dụ, một DN có vốn điều lệ 80 tỉ đồng, muốn mua 50% vốn của DN này, nhà đầu tư phải chi 40 tỉ đồng (giá bằng mệnh giá) nhưng nếu phát hành giá chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra 20 tỉ đồng đã sở hữu được 50% cổ phần. Chưa kể, thực tế có phải DN cần vốn thật sự hay chỉ là vì một lý do nào khác. Nhà đầu tư có quyền nghi ngờ việc DN muốn “câu kết” với đối tác để tạo ra một cuộc thâu tóm...
Giới tài chính cho rằng Nhà nước cần có quy định và chế tài mức độ hay ngưỡng cho phép DN được phát hành cổ phiếu, vì nếu DN sắp phá sản mà vẫn được phát hành thì làm sao bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư?
Sẽ có hướng dẫn cụ thể
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao động, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (CKNN), cho biết việc DN niêm yết phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá là điều mà Ủy ban CKNN đang rất quan tâm. Nếu phát hành dưới mệnh giá thì việc ghi nhận vốn điều lệ sẽ theo vốn thực góp hay theo phần vốn nào? Vì vậy, cần phải xin ý kiến từ đơn vị cấp phép là Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Ủy ban CKNN đang có công văn gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư để cho ý kiến về việc ghi nhận phần vốn điều lệ cụ thể như thế nào.
Ông Bằng cho biết việc phát hành dưới mệnh giá chưa có tiền lệ trong lịch sử thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ghi nhận tình hình chung, trong thời gian tới, Ủy ban CKNN sẽ xem xét và có chủ trương cũng như hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
|
Sơn Nhung
Người lao động
|