Thứ Bảy, 14/07/2012 20:00

Niềm tin: Một lần nữa bị thử thách

Thị trường đi xuống vì mất niềm tin, nên thị trường chỉ có thể phục hồi bằng… niềm tin!

Đây là câu nói nổi tiếng được lưu truyền trên mạng internet trong suốt thời kỳ chứng khoán ảm đạm của năm 2011.

Một câu nói, hai giọng điệu, nhiều ý nghĩa. Đó là sự châm biếm hài hước về khả năng phục hồi của chứng khoán, khi cho rằng nó dựa vào một thứ rất mơ hồ: niềm tin! Nhưng mặt khác, đó lại là một câu nói đầy tính… triết lý đối với TTCK Việt Nam.

TTCK là nơi phản ánh kỳ vọng. Khi tất cả các thành viên tin tưởng rằng thị trường sẽ phục hồi thì nó sẽ phục hồi; và khi mọi điều đều chống lại niềm tin ấy, ảm đạm và đi xuống là tất yếu.

Năm 2011 là một năm đầy bĩ cực đối với nền kinh tế nói chung cũng như TTCK nói riêng. Giao dịch ảm đạm chỉ vài trăm tỷ/phiên kéo dài lê thê; sóng tăng tháng 5 và tháng 9, từng được kỳ vọng là điểm đầu cho sự hồi phục sau thời gian dài thị trường chịu đè nén từ cuộc khủng hoảng kinh tế, đã nhanh chóng lộ ra mục đích chính là đánh lên để… giải chấp, thoát hàng; trong khi đó những bất cập từ chính sách, những bài học muôn màu muôn vẻ từ thị trường như DVD, BBT… liên tiếp xảy ra, làm niềm tin của NĐT trở thành một khái niệm xa xỉ trên TTCK!

Chỉ từ khi tiếng cồng mở đầu phiên giao dịch năm mới tại HNX của Bộ trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ vang lên, niềm tin ấy mới dần quay trở lại. Nó lớn dần lên cùng với những thay đổi tích cực trong chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ, sự ổn định về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, định hướng tái cấu trúc nền kinh tế,… đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài Chính đối với chứng khoán và hàng loạt thay đổi mới trong chính sách của Ủy Ban Chứng khoán (UBCK).

10/1/2012, Bộ Tài Chính phê duyệt Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán.

1/3/2012, thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Ngày hôm sau, 2/3/2012, thủ tướng ra chỉ thị về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán. Đặc biệt, văn bản được mong chờ nhất là Thông tư 52 của Bộ Tài Chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK đã được ban hành vào 5/4/2012.

Cùng với đó là những thay đổi tích cực của UBCK cũng như hai sở: cho phép giao dịch ký quỹ, giao dịch thêm buổi chiều… mới đây nhất là áp dụng lệnh thị trường vào giao dịch.

Những chuyển biến đó làm TTCK Việt Nam tiếp cận dần với các thông lệ quốc tế, và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các NĐT, kể cả các NĐT nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn, nó cứu vãn niềm tin đã bị xói mòn của NĐT đối với kênh đầu tư từng được ví là bị “chính sách bỏ rơi” này.

Niềm tin trở lại, chứng khoán Việt Nam có bước hồi phục mạnh mẽ từ đầu năm 2012. VN-Index từ dưới 340 vọt lên trên 480 điểm, HNX-Index cũng có bước phục hồi đến 50% tính từ đáy 55 điểm (tháng 1) đến đỉnh 83 điểm (tháng 5). Chứng khoán Việt Nam được báo chí quốc tế nhắc đến, thay vì kỷ lục buồn năm 2011 thì giờ đây lại là một trong những TTCK tăng nhanh nhất thế giới.

 

 

Niềm tin: Một lần nữa bị thử thách! (ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Niềm tin: Một lần nữa bị thử thách! (ảnh minh họa, nguồn: Internet

 

Mức hồi phục đến 50% có thể mang lại cho nhiều người sự ngạc nhiên, nhưng so với mức sụt giảm 80% so với đỉnh của VN-Index và 88% của HNX-Index thì 50% vẫn là khiêm tốn. Không ai giàu lên từ sóng tăng vừa qua, mà chỉ dừng lại ở… lấy lại được một phần đã mất!

Nhưng niềm tin lại một lần nữa trở thành khái niệm xa xỉ trên TTCK - khi nó “đánh nhanh rút gọn” và để lại màu đỏ loang lổ trên bảng điện trong thời gian qua.

Thị trường bước vào đợt điều chỉnh (rất có thể là đảo chiều) vào đầu tháng 5. Mong ngóng về một sóng tăng lần nữa trong năm nay cứ xa vời dần khi cả hai chỉ số sau thời gian lầm lũi đi ngang để… “tích lũy” đã tiếp tục lao dốc. Thị trường phản ứng thờ ơ với những tin tốt như giảm trần lãi suất huy động và cho vay, giảm giá xăng, hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, chính sách…vv thậm chí lực cung thoát hàng càng tăng mạnh khi tin tốt xuất hiện. Nhưng nghiêm trọng nhất là thanh khoản xuống rất kém và kéo dài. Tình trạng giao dịch “buồn ngủ” cũng trở lại ngày càng nhiều, hai bên mua bán lần lượt thi gan với nhau.

Đến bây giờ các chuyên gia vẫn đi tìm lời giải thích thỏa đáng cho sự đi xuống của thị trường.

Nếu “hàn thử biểu” luôn diễn giải sức khỏe nền kinh tế một cách đúng đắn, thì lời giải thích của TS. Trần Hoàng Ngân rất đáng chú ý: “Nền kinh tế chúng ta đang rơi vào giai đoạn suy giảm kép!”. Biểu hiện trực tiếp là tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4.38%, cùng với đó là tình trạng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, thu ngân sách vì vậy cũng sụt giảm…, và “ung nhọt” lớn nhất là món nợ xấu của hệ thống ngân hàng- nguyên nhân gây ra tình trạng tăng lãi suất trong năm vừa qua - chưa được chữa trị. Giải quyết đống nợ xấu này chẳng hề dễ dàng khi các chuyên gia còn đang vòng vo tam quốc tranh luận về các giải pháp và kiến nghị: lập công ty mua bán nợ hay chuyển nợ thành cổ phần…

Những biểu hiện trên có thể rất tiêu cực, nhưng thời gian sau Tết tình hình vĩ mô còn bi đát hơn thế nhiều nhưng chứng khoán lại có bước phục hồi ấn tượng! Còn bây giờ…

Phân tích vĩ mô không mang lại điểm tựa vững vàng cho quyết định đầu tư trong thời gian qua. NĐT tìm đến phân tích kỹ thuật. Nhưng một lần nữa, niềm tin lại bị thử thách vì sự vận động của VN-Index và HNX-Index đã không tuân theo giả thiết cơ bản của PTKT - lịch sử đã không lặp lại.

“Cái nêm hướng xuống” (falling wedge) - hình mẫu cảnh báo sự đảo chiều đi lên của VN-Index đã rất hoàn hảo với thời gian cả tháng 5 để hoàn thành, nhưng “cái nêm” đã tiếp tục… hướng xuống, cuốn theo bao kỳ vọng vào một đợt hồi phục, và để lại sự ngỡ ngàng cho những ai đánh theo mẫu hình kỹ thuật này.

Nhưng sự thất bại tạm thời của một trường phái không thể nào ngăn cản ý nghĩ chiến thắng được thị trường của NĐT. Họ tiếp tục tìm đến những “trường phái” khác. Con đường không quan trọng bằng đích đến; dù phương pháp nào đó chưa được kiểm chứng về hiệu quả thì nó vẫn được niềm tin của NĐT bấu víu vào trong thời gian qua. Vì vậy, người viết được mở mang tầm mắt với những “trường phái” phân tích chứng khoán lạ!

Nhưng rút cuộc, chỉ những ai đứng ngoài thời gian qua thì may ra bảo vệ được thành quả của mình từ đầu năm, còn những ai ham hố nhảy nhót dù theo cách nào thì số lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Niềm tin bị thử thách, số NĐT thất vọng và rời bỏ chứng khoán ngày càng nhiều. Thị trường đang trong trạng thái mơ mơ màng màng nhưng đầy nguy hiểm nếu khối lượng giao dịch tiếp tục lèo tèo như trong thời gian vừa qua…

… thèm được nghe tiếng cồng để tỉnh cơn buồn ngủ!

Đoàn Xuân Thạo (Vietstock)

FFN

 

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu SJS: Được “bơm tiền”, giá tăng (14/07/2012)

>   SBS: Giải trình giá cổ phiếu giảm sàn 15 phiên liên tiếp (13/07/2012)

>   Nên mua vào nếu thanh khoản hồi phục (13/07/2012)

>   Chứng khoán “rục rịch” tăng trong nghi ngờ? (13/07/2012)

>   Thị trường tài chính Việt Nam: Cuộc chơi của cáo và thỏ (13/07/2012)

>   13/07: Bản tin 20 giờ qua (13/07/2012)

>   Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu bị phạt 70 triệu đồng vì bán chui cổ phiếu (12/07/2012)

>   5.000 đồng có thể chọn mua gần 150 mã chứng khoán (12/07/2012)

>   Thị trường dửng dưng (12/07/2012)

>   Đừng chê thanh khoản thấp (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật