Chứng khoán “rục rịch” tăng trong nghi ngờ?
Những động thái mới nhất trong điều hành tiền tệ đã giúp thị trường chứng khoán hai phiên gần đây “rục rịch” phục hồi. Tuy nhiên mức độ nghi ngờ vẫn còn rất cao khi chưa có dòng tiền lớn hưởng ứng.
Cắt “khối u lãi suất cao”
Không rõ các NHTM nhận được văn bản chỉ đạo như thế nào từ NHNN (vì không thấy đăng tải công khai), nhưng vẫn còn 3 ngày nữa mới “tới hạn” 15.7, khá nhiều NHTM đã “nhanh nhảu” công bố việc giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm. Một lần nữa công cụ hành chính lại được sử dụng để cố gắng đưa mặt bằng lãi suất thực về mức “dễ thở” hơn cho các DN. TTCK lập tức có những phản ứng tích cực ban đầu vì việc cắt bỏ “khối u lãi suất cao” cho các khoản vay cũ là điều được trông đợi từ lâu để khơi thông dòng vốn dễ dàng hơn và nhất là giảm áp lực thanh khoản cho các DN vốn đang rất khó khăn.
Lần phản ứng này của TTCK tỏ ra nhanh nhạy hơn nhiều và có hiệu ứng rõ rệt so với lần giảm lãi suất cho vay về 15%/năm trước đó. Giới đầu tư nhìn nhận việc giảm lãi suất cho khoản vay cũ có tác dụng tốt hơn việc giảm trần lãi suất cho vay, vì cơ bản lúc này DN đang “ngập đầu” trong nợ. Hoạt động sản xuất kinh doanh bết bát nhưng gánh nặng lãi suất cho khoản vay cũ vẫn còn nguyên. Chỉ các khoản vay mới mới được hưởng mức lãi suất 15%/năm, trong khi không phải DN nào cũng muốn vay mới. Khả năng đảo nợ cũng rất thấp vì rút kinh nghiệm các lần hạ lãi suất trước, NH giám đã sát chặt chẽ “bài” đảo nợ.
Việc NHNN chính thức bật đèn xanh cho DN có cơ hội giảm tải gánh nặng lãi suất được hưởng ứng nhiệt liệt. Đây cũng là lần hiếm hoi cơ quan quản lý “ép” thiệt hại cho giới NH để hỗ trợ DN. Trước đó, các lần giảm lãi suất được xem là tạo dư địa “béo bở” cho các NH, khi vẫn huy động được vốn đầu vào với lãi suất thấp và cho vay ra với lãi suất ngất ngưởng. Lần này NH phải chịu thiệt thòi lớn khi các khoản vay cũ có lãi suất cao bị điều chỉnh về 15%/năm.
Vì sao còn e ngại?
TTCK tăng điểm dè dặt hai phiên gần đây không hẳn là do “trơ” với thông tin tốt như hồi tháng 5 - tháng 6. Việc điều chỉnh giảm lãi suất này có hiệu lực dễ nhìn thấy, là DN có thể giảm bớt đáng kể áp lực tiền mặt trả lãi suất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc DN có khả năng dư tiền mặt hơn cho hoạt động sản xuất, hoặc chí ít có khả năng chi trả tốt hơn. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận phản ứng của TTCK còn rất khiêm tốn, thể hiện ở mức thanh khoản gần như suy sụp xuống cấp độ yếu nhất kể từ đầu năm 2012. Một dòng vốn ít ỏi tham gia thị trường không hẳn là biểu hiện của dòng vốn suy kiệt, mà đúng hơn là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng, hoặc vẫn chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.
Đầu tiên, việc giảm áp lực lãi suất các khoản vay cũ mới chỉ là liều thuốc bổ ban đầu cho DN. DN có khỏe lại được hay không, sản xuất kinh doanh có tiến triển hay không vẫn còn là ẩn số. Vấn đề cơ bản lúc này vẫn là sức tiêu thụ sản phẩm thấp, khiến khả năng giải phóng hàng tồn kho chậm chạp. Do bị bí đầu ra, DN không có nhu cầu mở rộng sản xuất, thậm chí là cắt giảm hoặc ngừng sản xuất. Trong trường hợp xấu này, lãi suất có giảm cũng không mang lại nhiều lợi ích, hay nói theo ngôn ngữ thị trường là triển vọng còn rất mờ mịt.
Ngay trong báo cáo của NHNN cũng nhận định tín dụng tăng thấp nhưng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn rất khó khăn. Tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân như: Cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, DN gặp nhiều khó khăn. Hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của NH. Khả năng trả nợ NH của DN và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra. Thị trường BĐS thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc BĐS, bởi vậy các tổ chức tín dụng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng... Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phải có sự đồng bộ các giải pháp từ phía các chính sách kinh tế vĩ mô.
Vấn đề nữa là nợ xấu. Có ít nhất hai điểm khiến TTCK rất lo sợ. Một là con số nợ xấu thực sự là bao nhiêu. Có khá nhiều số liệu khác nhau có thể chênh lệch hàng chục ngàn tỉ đồng. Sự mù mờ luôn là ác mộng đối với giới đầu tư vì họ không thể có căn cứ để đánh giá rủi ro, hay ít nhất là biết chắc được bức tranh thực ở cấp độ nào. Thứ hai là phương hướng giải quyết nợ xấu vẫn còn gây tranh cãi. Kiến nghị, đề xuất thì có nhiều, nhưng bao giờ mới có phương án cuối cùng và triển khai như thế nào. Nợ xấu vẫn là rào cản chính trong trung và dài hạn đối với triển vọng của TTCK.
Hoàng Nguyên
lao động
|