Nhìn từ 30% doanh nghiệp “ảo”
“Tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể so với tổng số doanh nghiệp hiện có của toàn bộ nền kinh tế là khá cao, ngay cả ở các trung tâm kinh tế như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… thể hiện quy định của pháp luật về phá sản và thủ tục, quy trình phá sản doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp”, ông Lâm bình luận thêm.
Tổng số doanh nghiệp tính đến thời điểm 1/1/2012 trên phạm vi cả nước tồn tại về mặt phát lý là 541.103 đơn vị. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thực sự đang hoạt động chỉ có 375.732 đơn vị, tức là chiếm gần 70% tổng số đã đăng ký chính thức. Số còn lại thực tế là “ảo” và qua đó cũng thấy được nhiều điều.
Bệnh thành tích?
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có tới 92.710 doanh nghiệp trong quá trình rà soát đã không thể xác minh được do đã biến mất hoàn toàn khỏi nơi đăng ký kinh doanh.
“Có thể phần nào các doanh nghiệp này hoạt động trá hình, được thành lập ra để mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng, không đặt mục đích kinh doanh bình thường”, ông bình luận.
Trong con số đó, Tổng cục Thuế xác nhận có 60.454 chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích, chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, và Đắc Nông…
Nhưng khoảng 17% doanh nghiệp của nền kinh tế hình thành với mục tiêu ngoài kinh doanh là quá lớn. Con số đó cũng cho thấy chính sách nhà nước trong việc khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh dường như đã cởi mở “thái quá”.
Còn nhớ năm 2005, khi chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, một chiến lược tầm quốc gia về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã được ban hành, mục tiêu là phát triển tới 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010.
Ở thời điểm đó, cả nước mới có chưa đến 250.000 doanh nghiệp, việc đặt ra một chỉ tiêu quá cao đã làm dấy lên nhiều quan ngại. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp hiện nay, khi đó cho rằng đây là mục tiêu khó đạt.
Nhưng kết quả là tốc độ phát triển doanh nghiệp tăng rất cao trong nhiều năm liền và mục tiêu của Chiến lược không quá khó khăn để đạt được.
Tại thời điểm này nhìn lại, phải chăng việc đặt ra mục tiêu như trên đã tạo sức ép lên cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh, khiến cho con số doanh nghiệp ra đăng ký kinh doanh có độ “ảo” từ bệnh thành tích?
Còn giả sử không phải là số “ảo” đi nữa, câu hỏi đặt ra là việc quản lý doanh nghiệp dường như có vấn đề? Hay ít nhất, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp đã không được nắm chắc trong một thời gian dài, ngoài những con số để “báo cáo thành tích”?
Chết không chịu chôn
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) từng kể câu chuyện về một công ty đã 13 năm ngừng mọi hoạt động. Chỉ đến khi chủ doanh nghiệp muốn mở công ty mới, khi làm thủ tục vị này mới biết mình đột nhiên nợ thuế với số tiền quá lớn vì đã không “khai tử” cho doanh nghiệp đã chết của mình.
Dường như, với một nền kinh tế đi lên từ bao cấp, việc nhiều người đổ ra kinh doanh đã có lúc là trào lưu. Lòng tự tôn khiến cho không ít doanh nhân chẳng muốn tự chủ động thừa nhận thất bại trong hoạt động kinh doanh của mình dù, trên thực tế, doanh nghiệp mà họ tạo ra đã “chết”.
Con số thống kê cho thấy, hiện đang có 23.689 doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh và 17.547 doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa hoạt động. Ngoài ra, còn có 31.425 doanh nghiệp chờ giải thể.
Phân theo hình thức sở hữu, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm gần như tuyệt đối trong các con số kể trên, cho thấy sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, quản trị chưa bài bản của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
“Tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể so với tổng số doanh nghiệp hiện có của toàn bộ nền kinh tế là khá cao, ngay cả ở các trung tâm kinh tế như Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… thể hiện quy định của pháp luật về phá sản và thủ tục, quy trình phá sản doanh nghiệp còn nhiều điểm chưa phù hợp”, ông Lâm bình luận thêm.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động đang tăng nhanh, nhưng hiện tượng trên cũng đặt ra nhiều quan ngại trong hoạt động quản lý đối với doanh nghiệp và là minh chứng hàm ý môi trường kinh doanh của chúng ta chưa hoàn thiện, khi mà độ mở nền kinh tế ngày càng lớn và mong muốn thu hút mọi nguồn lực đầu tư của xã hội đang ngày càng trở nên “sống còn” .
Vũ Anh Quân
thời báo ngân hàng
|