Ngân hàng và chiêu thức “làm đẹp” nợ xấu
Không có gì khó hiểu khi các nhà quản lý luôn tìm đủ mọi cách để “biến tấu” giữ cho ngân hàng của mình có một tỷ lệ nợ xấu “đẹp” nhất có thể.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/03/2012 được ghi nhận ở mức 8.6%. Trước đó, hàng loạt con số nợ xấu khác nhau như 4% hay 10% cũng được đề cập đến.
NHNN cũng cho rằng một bộ phận không nhỏ các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cố ý trong việc vi phạm phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Cách phân loại nợ và trích lập dự phòng chung, dự phòng cụ thể
Hiện nay, các TCTD đang áp dụng quy định phân loại nợ theo Quyết định 493/2005 và Quyết định 18/2007 của NHNN.
Chi tiết cách phân loại nợ và tỷ lệ trích lập dự phòng chung, dự phòng cụ thể đối với từng loại nợ như sau:
TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI NỢ VÀ TỶ LỆ DỰ PHÒNG
|
Phân loại
|
Tiêu chí
|
Dự phòng cụ thể
|
Dự phòng chung
|
Định lượng
|
Định tính
|
Nhóm 1
|
Nợ đủ tiêu chuẩn
|
Các khoản nợ trong hạn mà các tổ chức tín dụng đánh giá là có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Các khoản nợ có thể phát sinh như các khoản bảo lãnh, cam kết cho vay, chấp nhận thanh toán.
|
Các khoản nợ được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng hạn.
|
0%
|
0.75%
|
Nhóm 2
|
Nợ cần chú ý
|
Các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày và nợ cơ cấu lại trong hạn theo thời hạn đã cơ cấu lại.
|
Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi nhưng có dấu hiệu khách hàng suy giảm khả năng trả nợ.
|
5%
|
0.75%
|
Nhóm 3
|
Nợ dưới tiêu chuẩn
|
Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày.
|
Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là không có khả năng thu hồi nợ gốc và lãi khi đến hạn. Các khoản nợ này được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng tổn thất một phần nợ gốc và lãi.
|
20%
|
0.75%
|
Nhóm 4
|
Nợ nghi ngờ
|
Các khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày và nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày.
|
Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là khả năng tổn thất cao.
|
50%
|
0.75%
|
Nhóm 5
|
Nợ có khả năng mất vốn
|
Nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn trên 180 ngày và nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý.
|
Các khoản nợ được tổ chức tín dụng đánh giá là không còn khả năng thu hồi, mất vốn.
|
100%
|
0%
|
Nguồn: Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN
|
Nợ xấu theo quy định là các khoản nợ từ nhóm 3 (dưới tiêu chuẩn) đến nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ là chỉ tiêu dùng để đánh giá chất lượng tín dụng của TCTD; tỷ lệ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản cho vay của TCTD càng thấp.
Các khoản dư nợ tín dụng đều phải tiến hành trích lập dự phòng rủi ro, bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung.
Dự phòng chung được trích lập bằng 0.75% tổng giá trị các khoản nợ, các khoản bảo lãnh, cam kết ngoại trừ các khoản nợ trong nhóm 5. Dự phòng chung dùng để dự phòng cho những tổn thất chưa xác định.
Dự phòng cụ thể được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của phần chênh lệch giữa dư nợ thực tế và giá trị tài sản bảo đảm (như bảng trên).
Vì sao ngân hàng phải lách quy định phân loại nợ xấu?
Nợ xấu là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng của các ngân hàng, từ đó có thể thấy được sức khỏe tài chính, kỹ năng quản trị rủi ro… của ngân hàng đó. Do đó, việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu tốt có thể giúp ích rất nhiều cho TCTD, chẳng hạn như:
• Khách hàng tin tưởng hơn vào chất lượng hoạt động, quản lý của ngân hàng. Từ đó sẽ giúp đảm bảo hoạt động ổn định và gia tăng thêm khách hàng, mở rộng kinh doanh dễ dàng hơn hay thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nhờ báo cáo tài chính lành mạnh.
• Giảm bớt chi phí trích lập dự phòng, đảm bảo lợi nhuận kinh doanh đạt mục tiêu, làm vui lòng cổ đông và cấp quản lý nhận được các khoản chia thưởng hấp dẫn.
Cách thức các ngân hàng “làm đẹp” nợ xấu
Như vậy, không có gì khó hiểu khi các nhà quản lý luôn tìm đủ mọi cách để “biến tấu” giữ cho ngân hàng của mình có một tỷ lệ nợ xấu “đẹp” nhất có thể.
Đảo nợ là một trong những cách được áp dụng khá phổ biến. Hình thức này sẽ được áp dụng khi khách hàng vẫn còn khả năng “xoay sở” đủ số tiền để trả nợ gốc khi đáo hạn, rồi sau đó ngân hàng sẽ nhanh chóng giải ngân trở lại, giúp “châu về hợp phố”.
Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải vay nóng với lãi suất cao để đảo nợ. Nguồn vay nóng có thể xuất phát từ thị trường chợ đen hay thậm chí từ chính các cán bộ ngân hàng cho vay gợi ý. Thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều hệ lụy từ hoạt động cho vay đảo nợ này.
Một cụm từ cũng thường được dùng trong thời gian gần đây là cơ cấu lại nợ vay. Đây là việc ngân hàng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ hoặc gia hạn nợ cho khách hàng. Với việc cơ cấu lại nợ vay này thì ngân hàng cũng không cần phải điều chỉnh tăng nhóm nợ lên mức xấu hơn (và do đó phải áp dụng tỷ lệ dự phòng cao hơn) đối với các khoản vay không được hoàn trả đúng hạn. Nói cách khác thì đây cũng là một cách thức để ngân hàng không phải tăng ghi nhận nợ xấu trên sổ sách kế toán.
Một hình thức cho vay nhưng tránh được việc phải trích lập dự phòng nợ xấu là mua trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù hiện nay các khoản mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị tính chung vào tăng trưởng tín dụng, nhưng điều này không thực sự quan trọng. Nhiều ngân hàng sẵn sàng hoán chuyển các khoản vay tín dụng thành mua trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu doanh nghiệp vẫn chịu quy định trích lập dự phòng nhưng chỉ dưới dạng đầu tư và giúp ngân hàng tránh khỏi bị “mang tiếng” phát sinh nợ xấu dù vẫn ảnh hưởng đến lãi lỗ.
Thành lập các công ty liên kết (không nắm cổ phần chi phối), các công ty cùng hệ thống và chuyển các khoản nợ xấu qua các công ty này thông qua các hợp đồng đầu tư, góp vốn, ủy thác, mua bán nợ... Đây cũng là cách thường được dùng để che giấu những khoản đầu tư thua lỗ, tránh phải trích lập dự phòng.
Với hàng loạt các chiêu thức lách nợ xấu như hiện nay thì rõ ràng việc ghi nhận đúng thực trạng nợ xấu tại các TCTD là một thách thức không nhỏ.
Duy Nam (Vietstock)
ffn
|