Thứ Hai, 23/07/2012 06:32

Những “kẻ phá bĩnh” tăng trưởng tín dụng

Gọi là những “kẻ phá bĩnh” vì kết quả của họ khiến những lý giải về tăng trưởng tín dụng vừa qua có vẻ chưa ổn, hoặc chưa đầy đủ. Kết quả của họ còn đặt ra khía cạnh trách nhiệm của các tổ chức tín dụng một cách rõ ràng hơn.

6 tháng đầu năm 2012, tín dụng gần như không tăng trưởng, chỉ được 0,76% so với cuối năm 2011. Đây là một hiện tượng khi lần đầu tiên trong hơn chục năm qua mới có tỷ lệ thấp như vậy.

Kết quả quá thấp đặt ra dấu hỏi lớn đối với năng lực dự báo và hoạch định chính sách vĩ mô, khi đầu năm chỉ tiêu năm nay đưa ra là 15 - 17%. Câu hỏi khác là vai trò của chính sách tiền tệ, cụ thể ở đây là tín dụng, đối với tăng trưởng kinh tế, với sự sa sút trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp…

Trước khi trả lời câu hỏi đó, thời gian qua nhiều ý kiến đã tập trung lý giải cho nguyên nhân hụt hơi của tăng trưởng tín dụng. Điểm chung và được nhấn mạnh nhiều nhất là do bối cảnh nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến nợ xấu tăng cao, việc đáp ứng điều kiện vay vốn kém đi và ngân hàng thận trọng giải ngân; bản thân khó khăn, tồn kho cao khiến cầu từ doanh nghiệp cũng hạn chế…

Còn trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong vấn đề này lại được đề cập đến khá chung chung và mờ nhạt.

Thử tham khảo một lý giải chính thống nhất, có thể xem là có trọng lượng nhất. Tại báo cáo về điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước viết: “Tín dụng giảm do nhiều nguyên nhân như cầu tín dụng ở mức thấp do cầu trong nước và nước ngoài tăng thấp, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho lớn nên hạn chế khả năng hấp thụ vốn của ngân hàng; khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp và hộ dân suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra, thị trường bất động sản thanh khoản kém gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng do phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản, bởi vậy các tổ chức tín dụng có xu hướng quy định các điều kiện cho vay chặt chẽ hơn để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn tín dụng...”.

Như vậy, về nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, họ có lý do là phải phòng thủ trước môi trường rủi ro gia tăng, phải đảm bảo an toàn tín dụng.

Nhưng trong những lý do rất chính đáng đó, và đang thuyết phục công chúng, lúc này thị trường xuất hiện những “kẻ phá bĩnh”. Họ có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất cao, chí ít cũng đảm bảo tiến độ thực hiện kế hoạch của mình.

Ngay từ cuối tháng 5/2012, khi mà tín dụng toàn hệ thống chưa thoát khỏi trạng thái âm, chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết có trường hợp đã tăng tín dụng gần hết chỉ tiêu cả năm và vẫn có nhu cầu tiếp tục mở rộng.

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng 2012 các ngân hàng thương mại vừa công bố cũng cho thấy những trường hợp cụ thể có tăng trưởng tín dụng cao, ít nhất cũng vượt trội so với mặt bằng chung.

Gọi là những “kẻ phá bĩnh”, vì kết quả của họ khiến những lý giải trên có vẻ chưa ổn, hoặc chưa đầy đủ. Và nó đặt lại việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trước vấn đề tín dụng tăng trưởng thấp một cách rõ ràng hơn. Hay là, vì sao vẫn có những trường hợp tăng trưởng cao như vậy? Có phải họ đẩy mạnh nguồn vốn mà xem nhẹ rủi ro? Hay họ có một cơ địa khác mà không ngại “say” như lo ngại chung?

Trung tuần tháng 7 này, thị trường đón nhận thông tin từ lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) với tăng trưởng tín dụng sau 6 tháng đã đạt tới khoảng 8%.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết, tính đến 30/6/2012, tăng trưởng tín dụng của MB (không bao gồm chi nhánh nước ngoài và đồng tài trợ) đã là 11,6%, đạt 95% kế hoạch dư nợ năm 2012, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2011.

Là thành viên nhóm 1 ứng với chỉ tiêu 17%, mức tăng trưởng trên là phù hợp. Thậm chí theo tìm hiểu của VnEconomy, MB dự kiến sẽ trình Ngân hàng Nhà nước xin chấp thuận tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 25% để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng đã được cấp hạn mức.

Hay ở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đã đạt 4,3%, không quá cao nhưng là vượt trội so với kết quả chung của hệ thống và so với nhiều thành viên khác.

Do hơn 2/3 các tổ chức tín dụng hiện chưa hoặc không công bố dữ liệu kinh doanh định kỳ giữa năm nên không loại trừ sẽ còn nhiều trường hợp khác có tăng trưởng tín dụng cao như những trường hợp trên.

Trở lại với câu hỏi tín dụng tăng cao như vậy có đi cùng với rủi ro? Một phần của câu trả lời nằm ở thì tương lai. Với HDBank, thông tin nợ xấu hiện khá “kín” ngoài tiết lộ “được kiểm soát dưới mức quy định”. Còn MB, việc tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2012 được khẳng định là “kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động”; và tỷ lệ nợ xấu thời điểm 30/6/2012 ở mức thấp với 1,85%. Còn với DongA Bank, tỷ lệ nợ quá hạn đến 30/6/2012 là 4,04%, tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) chưa công bố cụ thể.

Vì sao họ đạt được kết quả như vậy, trong khi nhiều thành viên trầy trật để “trở về mặt đất”?

Lãnh đạo HDBank giải thích là do đã áp dụng và đưa ra một loạt các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp và đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua, cũng như tập trung cho cả tín dụng tiêu dùng. Và ngay từ đầu năm, ban lãnh đạo đã nhận thấy vấn đề xu hướng lạm phát trong năm 2012 chắc chắn sẽ được kìm chế và nền kinh tế đòi hỏi có một nhu cầu vốn để phát triển, từ đó để hoạch định kinh doanh hợp lý.

“Việc xác định rõ những nguyên nhân làm tăng trưởng tín dụng không cao ngay từ đầu năm HDBank đã có những bước đi mang tính đột phá trong việc phát triển tín dụng”, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank nói.

Còn tại MB, ngân hàng này đưa ra nhiều yếu tố để giải thích cho tỷ lệ 11,6% của mình. Cụ thể, ngay từ đầu năm, MB đã ban hành chỉ đạo hoạt động tín dụng năm 2012 và xác định rõ nguyên tắc tăng trưởng tín dụng có chọn lọc chọn lọc, xác định các đối tượng khách hàng ưu tiên để đơn vị kinh doanh chủ động triển khai kế hoạch tăng trưởng tín dụng.

Một yếu tố khác là MB áp dụng lãi suất cho vay phù hợp và các chính sách dịch vụ ưu đãi để kích thích tín dụng, thu hút khách hàng. Ngân hàng này cũng nói rằng, chính vì đã áp lãi suất thấp trước đó nên việc thực hiện chỉ đạo rút về tối đa 15%/năm cho các khoản vay cũ là không mấy khó khăn, cũng như không nhiều ảnh hưởng.

Các thông tin giải thích từ HDBank, MB còn chung chung và chưa cho thấy thực sự khác biệt. Có thể họ ngại tiết lộ các đặc điểm cơ địa của mình. Nhưng những con số 4,3%, 8%, 11,6%... đáng để các ngân hàng thương mại khác tham khảo.

Và như đề cập ở trên, nhiều thành viên có tín dụng âm hoặc rất thấp có thể giải thích là do phòng ngừa rủi ro, phải bảo đảm an toàn tín dụng. Nhưng, nếu cố thủ và không đẩy vốn ra được một cách hợp lý cũng rất dễ đẩy rủi ro cho tương lai.

Hạn chế cho vay, họ an toàn lúc này, nhưng dòng máu cho nền kinh tế nghẹt lại, dòng vốn cho sản xuất kinh doanh yếu đi và nhiều doanh nghiệp dễ gục ngã hơn trong tương lai. Khi khách hàng gục ngã, ngân hàng cũng khó đứng vững.

*So sánh tỷ lệ nợ xấu theo biểu trên chỉ tương đối do có sự khác nhau trong phân loại (Vietcombank và MB theo điều 7 Quyết định 493 - được xem là tiêu chuẩn cao hơn, các thành viên khác theo điều 6). Trường hợp DongA Bank, tỷ lệ tham khảo là nợ quá hạn, tỷ lệ nợ xấu chưa công bố (cuối năm 2011 là 1,69%).

Minh Đức

TBKTVN

Các tin tức khác

>   “Không nên thấy doanh nghiệp khó khăn quá lại bung ra” (23/07/2012)

>   Chặt chẽ huy động, nửa vời cho vay! (23/07/2012)

>   Nguy cơ phá trần lãi suất ngắn hạn (23/07/2012)

>   Lãi suất không giảm đại trà (22/07/2012)

>   Nợ xấu là của cả nền kinh tế (22/07/2012)

>   Sợ bị bẫy lãi suất (22/07/2012)

>   Tăng chỉ tiêu tín dụng: Ai đủ sức vượt rào? (22/07/2012)

>   Vì sao tăng lãi suất huy động vàng? (21/07/2012)

>   HDBank Tây Đô: Bị khách hàng “tố” câu kết lừa đảo (21/07/2012)

>   Xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng (21/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật