MBBank: Không chỉ đơn thuần là cho vay
Cấp tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực nông nghiệp thường được coi là khá rủi ro, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, theo một số ngân hàng (NH) thì không hẳn phải như vậy.
Góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững
Không giống như các công ty lớn có thể tiếp cận nguồn vốn dồi dào hoặc sử dụng vòng quay vốn để đầu tư rộng rãi, các DN sản xuất nông nghiệp, nhất là những DN xuất khẩu lúa gạo phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính NH để phát triển nhưng lại thường thiếu các thành tích, thương hiệu uy tín hay chỉ số tài chính tốt mà họ cần để vay được ở mức lãi suất có thể chịu đựng được.
Do vậy, không phải đợi đến lúc lãi suất giảm, lạm phát ổn định, NH TMCP Quân Đội (MB) mới thiết kế gói sản phẩm tín dụng dành riêng cho nông nghiệp, nông thôn mà ngay từ khi thành lập, MB luôn có những gói tín dụng lãi suất rẻ dành cho các DN xuất khẩu lúa gạo để kích cầu tăng trưởng tín dụng.
Và mục đích cuối cùng để tạo được sự an tâm cho DN ngành mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Các NH trên thế giới đều có một nhận định chung là “cung cấp tín dụng cho DN nông nghiệp vay là một trong những phương thức cốt yếu để các tổ chức tài chính đóng góp vào việc xây dựng nền kinh tế bền vững”. MB cũng cùng mục tiêu đó.
Theo đại diện của MB, qua quá trình làm việc với hàng trăm DN ngành lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, MB nhận ra rằng, cũng như các DN ngành nghề khác, các DN kinh doanh lúa gạo có rất nhiều nhu cầu đối với các sản phẩm dịch vụ NH.
Những dịch vụ này có thể giúp xử lý việc thanh toán và quay vòng tiền mặt một cách hiệu quả hơn, tối đa hóa lợi nhuận trên vốn nhàn rỗi, hoặc bảo vệ hoạt động kinh doanh khỏi các rủi ro.
Nói cách khác, để kinh doanh thành công, các DN này cần NH có khả năng cung cấp cho họ các dịch vụ từ tài trợ cho các DN thu mua cung ứng nội địa, DN chế biến xuất khẩu với điều kiện các DN đã có hợp đồng xuất khẩu/ủy thác xuất khẩu/hợp đồng cung ứng; đến việc thực hiện tài trợ vốn theo từng giai đoạn sản xuất, kinh doanh với các điều kiện linh hoạt, đảm bảo nhu cầu vốn tại mọi thời điểm của DN, rồi đầu tư, đổi ngoại tệ, phái sinh...
Với các gói sản phẩm này, DN có thể giảm thiểu rủi ro tín dụng, đẩy nhanh vòng vốn, tăng khối lượng bán ra, hỗ trợ các khoản phải trả.
Bạn đồng hành với Doanh nghiệp
Mặt khác, bằng cách đào sâu và mở rộng mối quan hệ với các khách hàng lúa gạo thay vì chỉ tập trung cho vay, MB đang trở thành người bạn đồng hành với khách hàng hơn là mối quan hệ đối tác.
Bằng chứng MB đang phát triển rất mạnh các nghiệp vụ tài chính phái sinh ngoại tệ nhằm bảo vệ các DN xuất khẩu lúa gạo trước sự biến động khó lường của giá cả hàng hóa, lãi suất, tỷ giá trên thị trường.
Như vậy, để hạn chế thấp nhất những rủi ro thua lỗ có thể xảy ra, các nghiệp vụ tài chính phái sinh của MB đã được hình thành, đó thực chất là những hợp đồng tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một hợp đồng mua bán cơ sở (hay còn gọi là chính phẩm).
Một số nghiệp vụ phái sinh hiện đang giao dịch phổ biến trên thị trường tài chính quốc tế như hợp đồng mua bán kỳ hạn (Forward), hợp đồng mua bán trong tương lai (Future), hợp đồng lựa chọn (quyền chọn mua - Call Option; quyền chọn bán - Put Option), nghiệp vụ hoán đổi (Swap), hợp đồng quyền chọn lãi suất chặn trên và chặn hai đầu, nghiệp vụ tiền gửi kết hợp quyền chọn tiền tệ...
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, thị trường trong nước ngày càng có liên hệ mật thiết với thị trường quốc tế nên khả năng rủi ro liên quan đến tỷ giá, lãi suất sẽ lớn hơn, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN xuất nhập khẩu cũng như hoạt động kinh doanh của các NH.
Ngoài ra, các NH nước ngoài có rất nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh các sản phẩm tài chính phái sinh, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt đối với các NH trong nước trong bối cảnh hội nhập.
Do đó, việc MB phát triển các sản phẩm tài chính phái sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc mua bán của DN. Thừa nhận điều này, ông Đặng Quốc Tiến - Phó tổng giám đốc MB nói: “Đối với khách hàng, MB không chỉ là NH cho vay lấy lãi suất mà còn là người bạn đồng hành với khối DN này.
Bởi lẽ, MB không chỉ cung cấp tín dụng cho các DN mà còn mang tới cho Khách hàng các sản phẩm ngoại tệ và kinh doanh ngoại tệ với giá cả cạnh tranh, trực tiếp tư vấn cho khách hàng thời điểm kinh doanh ngoại tệ phù hợp với việc áp dụng các sản phẩm kỳ hạn, hoán đổi tiền tệ... giúp khách hàng tối đa hóa lợi ích từ ngồn ngoại tệ thu được và giảm thiểu chi phí tài chính trong từng thời kỳ”.
Đây là chiến lược đơn giản nhưng rất hiệu quả. Với chiến lược luôn tập trung vào mối quan hệ lâu dài với các khách hàng chứ không phải chỉ tập trung vào sản phẩm hay lợi ích ngắn hạn.
Điều này không chỉ giúp MB mở rộng mối quan hệ với khách hàng mà còn giúp NH mở rộng được mối quan hệ với chính các DN lớn, những DN đang là đối tác của các DN lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi hầu hết các DN kinh doanh trong ngành này là một phần trong các chuỗi cung ứng cho cả người mua lẫn người bán, là người kết nối tới các công ty lớn trong nước hoặc thậm chí là các công ty đa quốc gia.
Một minh chứng cho điều này là MB đã giao dịch thành công với Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) khoản chiết khấu với Cơ quan Lương thực Quốc gia Phillipines năm 2009 - 2012 trị giá 20 triệu USD.
Quỳnh Vũ
doanh nhân Sài gòn
|