Habeco “sợ” cổ đông chiến lược?
Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đang phải giải trình nhiều nội dung xung quanh kế hoạch bán thêm cổ phần cho NĐT chiến lược, Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S.
Giá mua 50.015 đồng/CP
Sau gần 1 tháng kể từ ngày thông báo hoãn họp ĐHCĐ bất thường với nội dung chính là lấy ý kiến thông qua việc bán tiếp cổ phần thuộc phần vốn nhà nước, tương đương 13% vốn điều lệ của Habeco cho Carlsberg Breweries A/S, thông tin từ Habeco cho thấy, chưa biết đến bao giờ cuộc họp mới được tổ chức. Nguyên nhân, theo một cán bộ có trách nhiệm tại Habeco, việc này đang được cân nhắc thêm.
Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu, việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong các DN tốt của Việt Nam cần phải xem xét cẩn thận. Thực tế thời gian gần đây cho thấy, có rất nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của NĐT nước ngoài, trong đó có những thông tin như thâu tóm các DN tốt của Việt Nam, hoạt động của các liên doanh có nhiều vấn đề nhạy cảm như chuyển giá, trốn thuế…
Habeco được Carlsberg Breweries A/S đề nghị mua thêm hơn 13% cổ phần
|
“Chúng tôi phải có phân tích, đánh giá, báo cáo lại các vấn đề liên quan đến việc tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài với cơ quan quản lý cấp trên”, một cán bộ tham gia lĩnh vực này của Habeco cho biết.
Hiện Carlsberg Breweries A/S sở hữu 16,07% cổ phần Habeco và họ chủ động đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty. Theo phương án, Carlsberg Breweries A/S sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30%, với giá mua bằng giá IPO thành công bình quân hồi năm 2008 của Habeco là 50.015 đồng/cổ phần. Dự kiến, Habeco sẽ thu về hơn 1.507,152 tỷ đồng từ đợt bán bớt phần vốn nhà nước này.
… nhưng bên bán thận trọng
Trên thị trường, dù rất ít giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu Habeco, song giá giao dịch được ghi nhận qua một số CTCK ở mức 25.000 - 28.000 đồng/CP. Chấp nhận mua giá cao hơn gấp đôi so với thị trường, song sự hiện diện nhiều hơn của Carlsberg Breweries A/S tại DN sản xuất bia lớn thứ hai Việt Nam chưa tạo được sự an tâm với bên bán. Có 2 vấn đề được giới quan sát cho là nguyên nhân dẫn tới sự thận trọng trên.
Thứ nhất, với việc sở hữu tới 30% cổ phần tại Habeco và hiện diện chủ lực tại một loạt nhà máy bia lớn tại Việt Nam như Bia Đông Nam Á (sở hữu 60% cổ phần), Bia Huế (sở hữu 100% cổ phần), Bia Hạ Long (sở hữu 30% cổ phần); Bia Hà Nội - Vũng Tàu (sở hữu 55% cổ phần), vị thế của Carlsberg Breweries A/S trên thị trường bia Việt Nam sẽ rất lớn. Nếu cộng sản lượng các nhà máy bia có mặt Carlsberg Breweries A/S, vị trí số 1 sẽ thuộc về họ. Hơn nữa, nếu nhìn lại đường đi của Carlsberg Breweries A/S tại các công ty Việt Nam, có lý do để tin rằng, 30% sở hữu không phải là đích cuối cùng của họ tại Habeco. Tại hầu hết DN, phía nước ngoài đều gia tăng tỷ lệ sở hữu sau một thời gian ngắn và cố gắng chiếm mức chi phối nếu điều kiện cho phép. Có nhiều cách để tăng tỷ lệ sở hữu và điều này liệu có dẫn tới việc một trong những công ty bia lớn nhất Việt Nam bị thâu tóm? Câu hỏi không dễ trả lời, song không phải không thể xảy ra.
Nhiều tồn tại hậu CPH Habeco
Trong khi đó, xung quanh việc cổ phần hóa Habeco vẫn còn nhiều tồn tại chưa được giải quyết. Vướng mắc lớn nhất với DN và chính các cổ đông là việc xác định giá trị DN khi tiến hành cổ phần hóa, trong đó có lợi thế vị trí địa lý khu đất tại địa chỉ 183 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Khu đất này Habeco vẫn sử dụng cho mục đích sản xuất, song được định giá tới gần 1.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 40% giá trị DN (khoảng 2.500 tỷ đồng).
Theo Habeco, định giá cao như vậy và trên thực tế, DN phải để lại một tỷ lệ rất lớn lợi nhuận để bù đắp cho khoản “vốn ảo” đó hàng năm là thiệt thòi cho cổ đông đại chúng. DN đã đưa ra nhiều lý lẽ để giảm tỷ lệ trên xuống, song đến thời điểm này, câu trả lời từ phía cơ quan chức năng vẫn chưa có.
Trong công văn mới đây của Bộ Công thương yêu cầu Carlsberg Breweries A/S phải chấp hành mọi nghĩa vụ phát sinh liên quan đến việc xử lý những tồn tại về lợi thế quyền sử dụng đất theo quyết định của Chính phủ Việt Nam sau này. Đây là một khoản tiền rất lớn, khi cổ đông nhà nước nắm tỷ lệ chi phối, mọi việc có thể giải quyết dễ dàng. Tuy nhiên, khi tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tăng lên, thậm chí đến mức phủ quyết mọi vấn đề của ĐHCĐ, liệu họ có chấp nhận truy nộp hàng trăm tỷ đồng?
Hoạt động của Habeco sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần dường như không có gì thay đổi so với trước kia. Cán bộ phụ trách cổ đông của Tổng công ty chia sẻ, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước quá lớn, tỷ lệ sở hữu của NĐT nhỏ lẻ (không kể Carlsberg Breweries A/S) chưa đến 1%, nên dù Habeco có hơn 1.000 cổ đông, nhưng họ cũng không quan tâm nhiều, vì tiếng nói của những cổ đông này hầu như không có trọng lượng. Có lẽ, chia sẻ này là thật lòng, khi năm 2012 chỉ còn vài ngày là kết thúc mà cổ đông của Habeco không được biết DN có kết quả kinh doanh như thế nào. Trên website của Tổng công ty, báo cáo tài chính bán niên 2012 là cập nhật nhất, nhưng bị lỗi, không thể đọc được.
Anh Việt
đầu tư chứng khoán
|