Thứ Sáu, 20/07/2012 09:03

Báo cáo phân tích: Hướng chuẩn quốc tế

Báo cáo phân tích CK cũng như các nhà phân tích CK là một bộ phận không thể thiếu đối với thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn của Việt Nam cho thấy hoạt động của các nhà phân tích CK cũng như sản phẩm của họ đang có những tiêu cực vì sự thiếu minh bạch trong hoạt động phân tích. UBCKNN cũng đang dự thảo thông tư nhằm quản lý hoạt động của các nhà phân tích CK. Vậy nên quản lý hoạt động phân tích CK như thế nào cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế?

Bất cập vì thiếu luật hướng dẫn

Từ khi TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ năm 2004, gắn liền sự ra đời của hàng loạt CTCK và trào lưu đầu tư CK của công chúng, hoạt động phân tích CK cũng phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu. Các sản phẩm báo cáo phân tích CK đa dạng và phong phú, chất lượng chuyên môn của nhiều báo cáo phân tích tại một số CTCK ngày càng được cải thiện. Đây được coi là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, đặc biệt đối với NĐT cá nhân.

Trong Đạo luật Sarbanes-Oxley (Hoa Kỳ) ban hành vào năm 2002, ngoài việc quy định về hoạt động của cơ quan kiểm toán, các nhà quản lý doanh nghiệp còn ban hành khung pháp lý về xung đột lợi ích của nhà phân tích. Do vậy, việc báo cáo phân tích đúng hay sai còn tùy thuộc vào năng lực của nhà phân tích. Điều này sẽ được quy luật thị trường điều chỉnh chứ không phải cơ quan quản lý. Những CTCK nào có báo cáo chất lượng, các NĐT sẽ đón nhận, còn nếu như có chất lượng kém, NĐT có quyền không sử dụng đến nó.

Thế nhưng, vài năm gần đây bộc lộ nhiều tiêu cực trong báo cáo phân tích. Nhiều báo cáo phân tích lợi dụng với mục tiêu PR, tạo thông tin hỗ trợ nhằm kích giá đối với một CP mà chính mảng tự doanh của CTCK đó đang nắm giữ để “bí mật thoát hàng”.

Nói cách khác, mục đích của báo cáo phân tích đa phần phục vụ cho một kế hoạch ngầm nên các phân tích đánh giá thiếu khách quan.

Nhiều NĐT lâu năm cho biết có những trường hợp báo cáo phân tích đưa ra khuyến nghị “mua” và vạch ra những triển vọng tăng trưởng rất lạc quan về thị trường nhằm “dụ” NĐT. Nếu NĐT không cẩn trọng, đặc biệt những NĐT thiếu kiến thức chuyên môn rất dễ bị thiệt hại.

Điều này cũng nảy sinh một thực tế, nhiều NĐT khi thấy báo cáo của CTCK nhận định sai về thị trường (khi trước đó họ đúng nhiều lần) tại một thời điểm nhạy cảm (chẳng hạn như đỉnh giá CK), cũng cảm thấy phân vân, không biết do “năng lực” hay “ý đồ” của nhà phân tích.

Chính vì vậy, UBCKNN đang có những động thái để quản lý hoạt động của nhà phân tích CK của các CTCK. Thực ra đây là một khoảng trống trong hệ thống Luật CK của Việt Nam khi chưa có bất cứ một văn bản pháp luật nào điều chỉnh hoạt động của các nhà phân tích CK. Trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ, nhà phân tích CK cũng là đối tượng được điều chỉnh bởi Luật CK. Những tiêu cực xảy ra tại Việt Nam trong những năm qua là kết quả tất yếu của thiếu luật hướng dẫn.

Tạo minh bạch, không can thiệp sâu

Theo thông tin từ một đại diện phía Nam của UBCKNN, dự kiến trong tháng 7 này sẽ có những hướng dẫn về hoạt động của CTCK, trong đó sẽ siết chặt nhận định, đánh giá thị trường vốn. Mặc dù hiện tại dự thảo thông tư chưa được công bố, nhưng theo phát ngôn của vị đại diện này, việc quản lý có vẻ như sẽ can thiệp sâu vào bên trong nội dung của báo cáo phân tích.

Cụ thể: “Thứ nhất, các CTCK không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập, lợi nhuận đạt được, hoặc “đảm bảo khách hàng không thua lỗ” trên khoản đầu tư của mình. Với các bản tin đưa ra thị trường, CTCK không được thông tin cho công chúng dự báo giá mã CK vào hoặc đưa ra các khuyến nghị giao dịch liên quan đến mã CK cụ thể.

Thứ hai, CTCK thực hiện nghiệp vụ môi giới không được đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá CK để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch”. Chính vì vậy, trong thời gian qua nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải nhiều bài viết với cách hiểu cho rằng các CTCK sẽ bị cấm đưa ra dự báo CK.

Theo tôi, việc dự thảo can thiệp quá sâu vào nội dung của báo cáo phân tích vừa không đúng với chuẩn mực quốc tế, vừa khiến cho hoạt động phân tích bị bóp nghẹt. Nếu một báo cáo không đưa ra dự báo về xu hướng giá của mã CP hay các mức giá mục tiêu thì không còn là bảng báo cáo phân tích đúng nghĩa. Hơn nữa, hoạt động tư vấn đầu tư là một trong 5 nghiệp vụ của CTCK. Can thiệp quá sâu vào nội dung báo cáo phân tích là điều không nên.

Theo thông lệ của thế giới, các cơ quan quản lý chỉ hướng đến việc quản lý tính minh bạch và các xung đột lợi ích liên quan của nhà phân tích, chứ không quản lý nội dung của báo cáo. Tại Hoa Kỳ, sau sự kiện Enron (các báo cáo phân tích nhận định quá tốt về CP Enron, từ các số liệu ảo do Enron cung cấp) vào cuối năm 2001, cơ quan quản lý nhận thấy vai trò của các nhà phân tích CK đối với Enron khi họ đã thổi phồng quá mức CP của công ty này.

Điều này do có những lợi ích ngầm giữa các nhà phân tích với đại chúng khi đang nắm giữ CP của Enron, cũng như các hình thức lợi ích khác. Do đó, xung đột lợi ích chính là vấn đề mấu chốt trong hoạt động của các nhà phân tích.

Nhìn từ Hoa Kỳ

Để tạo nên tính độc lập và khách quan trong báo cáo phân tích, Đạo luật Sarbanes-Oxley yêu cầu (1) sự công bố (disclosure) của nhà phân tích và (2) những quy định đối với hoạt động phân tích, nhằm tách bạch vai trò phân tích ra khỏi hoạt động ngân hàng đầu tư hoặc môi giới (cũng chính là các quy định bảo vệ nhà phân tích khỏi các vụ thao túng giá nên đạo luật đặt tên là quy định bảo vệ nhà phân tích).

Về quy định đối với hoạt động phân tích, có những quy định như “Giới hạn các thông tin bí mật chưa công bố, hoặc phê duyệt báo cáo nghiên cứu từ người được thuê bởi các nhà môi giới, hay các nhà giao dịch tham gia vào hoạt động ngân hàng đầu tư. Thông tin về kết quả lợi nhuận được chuyển đến cho cơ quan quản lý và có kế hoạch công bố đồng thời cho công chúng”.

Nhưng ở Việt Nam, việc công bố kết quả lợi nhuận còn mang tính tùy nghi. Một số nhà phân tích của các CTCK có thể biết trước kết quả lợi nhuận qua các buổi làm việc với các doanh nghiệp niêm yết. Điều này tạo nên thông tin bất cân xứng. Tại TTCK nước ta, một số nhà phân tích công bố các bảng báo cáo mà chính họ cũng là người cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư.

Điều này cũng để dễ dàng bán CP ra công chúng trong các đợt IPO, từ đó có thể nảy sinh việc định giá cao từ nhà phân tích. Trong khi tại Hoa Kỳ, trong phần công bố nếu một nhà phân tích thuộc một công ty môi giới hoặc có liên quan đến ngân hàng đầu tư (bao gồm cả thời gian cung cấp), phải công bố rằng trước đây họ đã từng cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư cho khách hàng.

Một công ty sau khi đã IPO và tiến hành niêm yết, tất nhiên các nhà phân tích của CTCK có thể tiếp tục công bố các bảng báo cáo có lợi cho giá CP vì phần lớn các nhân viên khi thực hiện tư vấn niêm yết cũng có mua CP của công ty niêm yết hoặc các lợi ích khác.

Như vậy, những quy định trong Đạo luật Sarbanes-Oxley cho thấy không hề can thiệp sâu vào nội dung của báo cáo nghiên cứu. Mọi quy tắc điều chỉnh chỉ hướng tới mục tiêu tạo nên sự minh bạch trong hoạt động phân tích. Đây là một quy định quản lý mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình soạn thảo thông tư.

TS. Lê Đạt Chí

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Trích lập dự phòng cổ phiếu OTC: Hết mò mẫm! (19/07/2012)

>   HOSE: 23/07 áp dụng chính thức rổ VN30 kỳ 2/2012 (18/07/2012)

>   CTCK rút môi giới được mở 1 tài khoản tự doanh ở CTCK khác (17/07/2012)

>   Gỡ dần bất cập cho thuế chứng khoán (14/07/2012)

>   HNX hướng dẫn công bố thông tin Báo cáo quản trị công ty và Báo cáo tài chính (12/07/2012)

>   Thất bại kép vì thuế trái phiếu (12/07/2012)

>   Đến 2015, Tập đoàn, TCty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành (09/07/2012)

>   Thuế: quyết không đánh oan! (06/07/2012)

>   HNX30 bao gồm những cổ phiếu nào? (05/07/2012)

>   Sẽ có chính sách thuế mới cho TTCK từ năm 2013? (04/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật