Chủ Nhật, 17/06/2012 23:06

Xuất khẩu cá tra, tôm gặp khó

Theo VASEP, hiện chỉ còn 473 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, tôm đang gặp nhiều khó khăn

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dù xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng 2 ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra lại trong tình trạng khó khăn. Theo VASEP, hiện chỉ còn 473 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cá tra “chết” trên sân nhà

Giá cá tra vừa nhúc nhích lên được 24.000 đồng/kg hồi giữa tháng 5 vừa rồi nay lại giảm mạnh xuống dưới giá thành, chỉ còn khoảng  22.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang, người nuôi cá tra ở ĐBSCL bị lỗ ít nhất 1.000 đồng/kg nên không còn mặn mà. Giá cá tra giảm mạnh không phải do lượng cá trong dân nhiều mà do DN đang trong tình trạng khó khăn về vốn. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt của VASEP, cho biết ngành cá tra đang có nguy cơ “chết” trên sân nhà. Cho dù giá cá tra rẻ hơn giá thành nhưng DN không có tiền để mua. Ông Minh cho biết trong ngành cá tra chỉ có 20% DN đang tồn tại và phát triển được, còn 80% DN đang gặp khó khăn lớn vì phụ thuộc vào nguồn vốn eo hẹp của ngân hàng. Trong đó có 30% DN đang trong tình trạng “hấp hối”. Lãi suất ngân hàng quá cao kéo dài từ quý IV năm ngoái sang 4 tháng đầu năm nay, làm cho những DN sắp đến hạn trả nợ cũ cho ngân hàng buộc  phải bán phá giá khiến giá cá  xuất khẩu giảm mạnh. Giá  xuất khẩu sang EU hiện chỉ còn 2,7 USD/kg, giá sang Mỹ khoảng 3,1 USD/kg, giảm 15% so với trước. Giá  xuất khẩu giảm mạnh nhưng vẫn khó bán, nhất là vào thị trường EU. Theo phản ánh của nhiều DN, do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công và khó khăn về kinh tế, người tiêu dùng châu Âu đang giảm mạnh việc sử dụng cá tra trong bữa ăn hằng ngày. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết việc đồng euro đang mất giá mạnh so với USD cũng ảnh hưởng tới việc  xuất khẩu chung của nước ta vào khu vực này, trong đó có cá tra.

Tôm cũng “yếu”

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết giá tôm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU cũng giảm từ 1 - 1,5 USD/kg, thấp hơn giá thành nhưng cũng khó bán. Do giá tôm của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… liên tục hạ xuống, càng gây áp lực cạnh tranh trên trường quốc tế, làm cho mặt hàng tôm của Việt Nam thêm khó bán.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm, cảnh báo các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam về nguy cơ mất thị trường Nhật do liên tiếp có các lô hàng bị phía Nhật cảnh báo mức tồn dư hóa chất vượt mức cho phép. Giá trị thực các lô hàng bị phía Nhật trả lại trong năm 2011 lên đến hơn 30 triệu USD. DN bị thiệt hại tới 1/3 giá trị do phải thêm chi phí vận chuyển và giá bán ở trong nước thấp hơn so với giá xuất khẩu.

3 giải pháp cứu cá tra

Ngân hàng Phát triển Việt Nam vừa gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận 3 giải pháp cứu cá tra, gồm: gia hạn nợ, cho vay mua cá và phát triển vùng nuôi, khoanh nợ. Theo VASEP, hiện các DN đang cần nguồn vốn vay tới 5.000 tỉ đồng để thu mua 200.000 tấn cá nguyên liệu trong dân. Để giải cứu cá tra, cần phải tái cơ cấu các DN cá tra.

Theo ông Dương Ngọc Minh, ngân hàng phải cùng với VASEP phân loại các DN xuất khẩu cá tra. Những DN có nợ vay chỉ gấp 2 lần vốn sở hữu và đang hoạt động ổn định thì ngân hàng nên mạnh dạn cho vay tiếp để họ tiếp tục phát triển, tạo động lực kéo cả ngành cá tra đi lên. Những DN đang nợ gấp 3-4 lần vốn sở hữu nên tái cơ cấu nợ, để họ phục hồi sản xuất và trả được nợ ngân hàng. Còn những DN nào đang nợ quá nhiều thì không nên cho vay nữa, có thể chấp nhận cho phá sản.

Nguyễn Hải

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Sẽ thực hiện cổ phần hóa 8 doanh nghiệp xây dựng (17/06/2012)

>   Gần 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong quý I (17/06/2012)

>   Thị trường ôtô đóng băng vì phí (17/06/2012)

>   Petro VN quên nộp ngân sách: Quá ưu ái cho “ông lớn” (17/06/2012)

>   Tôm hùm rớt giá, tiêu thụ chậm (17/06/2012)

>   Sức mua đang giảm (16/06/2012)

>   Doanh nghiệp mất tích - Vì sao? (16/06/2012)

>   Ngành thủy sản Việt Nam gia nhập vào nhóm 20 nước trên thế giới (15/06/2012)

>   Bộ Tài chính chỉ đạo “siết” quản lý giá cước vận tải (15/06/2012)

>   'Tam sao thất bản' lỗ lãi của Vinalines (15/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật