Vụ Sabeco: “Giám định lại chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước” Báo Người cao tuổi tiếp tục nhận được đơn của Cty TNHH (Thương binh nặng) Hòa Bình, kiến nghị về những tiêu cực trong việc C48 Bộ Công an khởi tố vụ án: Tổng Cty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mua malt của Cty Đường Man. “Công văn của Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng và Văn phòng Chính phủ đều có vấn đề” - ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Cty Đường Man khẳng định như vậy, khi trao đổi với phóng viên Báo Người cao tuổi... PV: - Như vậy vụ việc vẫn quẩn quanh, ngay cả khi hai lần cơ quan giám định của Bộ Tài chính kết luận việc mua bán malt giữa Sabeco và Đường Man không sai. Vậy diễn biến tiếp theo của vụ việc là gì, thưa ông? Ông Nguyễn Hữu Đường: - Đúng ra, sau khi có Kết luận giám định tư pháp của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính rằng, chưa đủ cơ sở kết luận việc thương thảo mua bán malt giữa SABECO với Cty Đường Man là có sai phạm, thì C48 phải dừng việc điều tra. Song ngược lại, họ lại ra quyết định khởi tố vụ án. Cty TNHH (Thương binh nặng) Hòa Bình và Cty Đường Man đã có năm lá đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu rõ một số cán bộ của Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng (C48), “làm theo đơn đặt hàng” của ông Văn Thanh Liêm... nhưng vẫn chưa được xem xét. Ngược lại, ngày 23-12-2011, Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng lại có Công văn số 581/PBCĐ-V.III, do một Phó Chánh văn phòng kí gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, đề nghị “cử giám định viên có năng lực, kinh nghiệm tiến hành giám định lại”. Tiếp đến, ngày 21-5-2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 709/VPCP-KNTN do một Phó Chủ nhiệm VPCP kí gửi: Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu “cử cán bộ có đủ năng lực và đạo đức nghề nghiệp, khách quan để giám định vụ việc theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an”. PV: - Ngoài kết luận của cơ quan giám định, còn những căn cứ nào để chứng minh không có chuyện Nhà nước bị thất thoát 5% tiền thuế? Ông Nguyễn Hữu Đường: - Đương nhiên, trong vụ việc này, Nhà nước không mất đồng tiền thuế nào cả, bởi Sabeco mua malt sản xuất trong nước. Trong khi thương thảo về giá, chúng tôi áp dụng theo công thức: Giá mua tại cửa khẩu (giá CIF) + 5% thuế nhập khẩu + các chi phí khác... để hình thành giá giao dịch, làm cơ sở kí hợp đồng. Công thức này được quy định tại QĐ số 06/2005/QĐ-BTC, hướng dẫn bằng Thông tư số 154/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính, mục đích là xây dựng giá tham chiếu làm cơ sở thương thảo về giá giữa bên bán và bên mua. Không thể nói cán bộ điều tra của C48 không hiểu được điều này. Hơn nữa, Cục Tài chính doanh nghiệp đã hai lần có Kết luận giám định tư pháp, mà đại diện C48 vẫn ra các văn bản đề nghị giám định lại, là đi ngược lại sự thật. Cụ thể, muốn đẩy lãnh đạo đương nhiệm của Sabeco đến bước đường cùng, tạo điều kiện cho ông Văn Thanh Liêm thực hiện mưu đồ thôn tính doanh nghiệp. Nếu công tâm xem xét, sẽ thấy rõ lo-gíc của vấn đề. Trước năm 2003, thuế nhập khẩu malt là 10%, sau này giảm xuống còn 5%, trong khi Chính phủ chưa có các hình thức bảo vệ sản xuất trong nước ngoài hàng rào thuế, ví dụ như thuế chống bán phá giá (nhiều nước trên thế giới áp dụng), thì sản xuất malt trong nước gặp rủi ro rất cao. Thứ nhất, do khí hậu, thổ nhưỡng không thích hợp để trồng giống lúa mạch barley, nguyên liệu chính để ủ malt bia, nên buộc phải nhập barley của các công ty thương mại nước ngoài với giá cao hơn từ 5 - 7% so với các nhà sản xuất malt nước ngoài, cộng với phí vận chuyển cao hơn các doanh nghiệp nước ngoài khoảng 30%, nghĩa là 1 tấn malt sản xuất trong nước có phí vận chuyển cao hơn 1 tấn malt nhập khẩu khoảng 15 USD. Do đó, giá thành sản phẩm malt sản xuất trong nước cao hơn giá thành do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất khoảng 25 USD. Năm 2005, giá malt nhập khẩu là 365 USD/tấn, dù không phải chịu 5% thuế nhập khẩu thì giá thành malt sản xuất trong nước vẫn cao hơn giá malt nhập khẩu. Với công thức tính giá tham chiếu theo quy định của Bộ Tài chính, thì Cty Đường Man vẫn phải chịu lỗ khi bán malt cho Sabeco. Năm 2005, Cty Đường Man lỗ 12 tỉ đồng, năm 2006 lỗ 13 tỉ đồng. Vậy thì làm sao có chuyện Nhà nước mất 5% thuế nhập khẩu khi Sabeco mua malt của Đường Man được? Song, với mong muốn người tiêu dùng trong nước được uống bia thật ngon, chúng tôi chấp nhận thua lỗ, để vượt qua khó khăn ban đầu. Từ năm 2007 đến năm 2010, Đường Man cung cấp malt cho Sabeco với giá thấp hơn các nhà cung cấp nước ngoài 1%. PV: - Trước tình hình phức tạp ấy, ông có kiến nghị như thế nào? Ông Nguyễn Hữu Đường: - Ngày 28-5-2012, Cty TNHH (Thương binh nặng) Hòa Bình đã gửi đơn đến Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phản ánh sự việc Văn phòng Chính phủ ra Công văn số 709/VPCP-KNTN. Trong đơn chúng tôi kiến nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra lại xem có đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, hay là sự lạm dụng chức vụ của cán bộ dưới quyền? Trước đó, chúng tôi cũng có đơn tố cáo việc làm trái của một bộ phận thuộc C48, Bộ Công an; tố cáo việc ra công văn không phù hợp của Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng, của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm. Từ đó, chúng tôi kiến nghị: Dừng ngay việc chỉ đạo thành lập Hội đồng giám định lại việc Sabeco mua malt của Đường Man, vì như vậy chỉ tốn công sức, tiền bạc của Nhà nước, lại gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kiến nghị đình chỉ việc khởi tố vụ án đối với Sabeco. PV: - Xin cảm ơn ông! Hoàng Linh - Quang Thuận (Thực hiện) Người cao tuổi
|