Rối ren Sudico: Lại chờ phán quyết mới Diễn biến mới liên quan đến việc Tòa án yêu cầu Sudico dừng tổ chức ĐHCĐ thường niên khiến cho vụ việc tại DN này tiếp tục gây chú ý của NĐT. * SJS: Chưa nhận được quyết định dừng tổ chức Đại hội Những diễn biến mới nhất liên quan đến việc Tòa án Kinh tế Hà Nội ra quyết định yêu cầu CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico (HOSE: SJS) dừng tổ chức ĐHCĐ thường niên dự kiến tổ chức trong tháng 6 khiến cho vụ việc tại doanh nghiệp này tiếp tục gây chú ý trong cộng đồng nhà đầu tư. Câu hỏi đặt ra là sau khi có quyết định của Tòa án, hoạt động của doanh nghiệp có bị ảnh hưởng, tác động đến kết quả kinh doanh của Công ty hay không? Đại hội đồng cổ đông bất thường Sudico được tổ chức ngày 16/4/2012 do Ban Kiểm soát Sudico triệu tập theo yêu cầu của cổ đông lớn là Tập đoàn Sông Đà. Đại hội đã thông qua việc miễn nhiệm 3 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Sudico gồm ông Phan Ngọc Diệp, ông Vi Việt Dũng và ông Đặng Hồng Quang; thông qua việc bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT thay thế 3 thành viên miễn nhiệm (theo phương thức bầu dồn phiếu) gồm ông Hồ Sỹ Hùng, ông Đỗ Văn Bình và ông Phạm Văn Viết. Sau đó, ông Hồ Sỹ Hùng (người đại diện vốn của Tập đoàn Sông Đà tại Sudico) đã được bầu là Chủ tịch HĐQT; ông Đỗ Văn Bình (cổ đông lớn mới tham gia đầu tư vào Sudico) được bầu là Phó chủ tịch HĐQT. HĐQT mới đã có ít nhất 4 cuộc họp và có nhiều chỉ đạo liên quan đến dự án Nam An Khánh như tạm dừng việc triển khai kinh doanh và huy động vốn cho dự án Nam An Khánh nhằm xây dựng lại phương án kinh doanh; cho phép Tổng giám đốc Công ty chỉ đạo và điều hành trực tiếp các công việc liên quan đến công tác kinh doanh tại dự án Nam An Khánh. Sudico cũng đã thực hiện một số việc tái khởi động dự án như mời thầu một số gói thầu xây dựng hạ tầng… HĐQT Công ty này cũng tiến hành chốt danh sách cổ đông để tiến hành ĐHCĐ thường niên nhằm thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012... Tạm gác lại lý lẽ đôi co giữa 2 bên, bên tổ chức đại hội và bên khiếu kiện, gần 10.000 cổ đông khác của Sudico đang đặt ra câu hỏi, hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trước các diễn biến hiện nay. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp cho biết, theo quy định, khi diễn ra khiếu kiện liên quan đến phiên họp ĐHCĐ bất thường của doanh nghiệp, trong thời gian chờ phán quyết của Tòa án, nghị quyết phiên họp ĐHCĐ bất thường ngày 16/4 của Sudico vẫn có hiệu lực, đồng nghĩa với HĐQT được bầu trong phiên họp đó được công nhận và tiếp tục điều hành hoạt động của Công ty. Hoạt động của Sudico do đó không bị ảnh hưởng lớn. Cũng theo ông Cung, những văn bản để xem xét tính hợp lệ của phiên họp ĐHCĐ bất thường ngày 16/4 bao gồm Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Công ty, Nghị định 139, Nghị định 102 hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp. Việc đánh giá để đưa ra phán quyết về phiên họp trên đúng hay sai thường được căn cứ trên việc phân tích kết quả phiên họp. Trong trường hợp phiên họp có một số thủ tục sai thì thủ tục đó có làm thay đổi nghiêm trọng kết quả của phiên họp không. Theo biên bản phiên họp ĐHCĐ bất thường của Sudico ngày 16/4, tổng số cổ đông và đại diện ủy quyền tham dự Đại hội đại diện cho 74.084.040 cổ phần tương ứng 74,08% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty (theo quy định Đại hội được tiến hành khi có số cổ đông đại diện ít nhất 65% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty dự họp). Tỷ lệ thông qua việc miễn nhiệm 03 thành viên HĐQT đạt trên 90%. Tỷ lệ bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT Sudico thay thế 03 thành viên HĐQT miễn nhiệm (theo phương thức bầu dồn phiếu) cũng ở mức rất cao (79 triệu, 72 triệu và trên 57 triệu cổ phần). Với căn cứ như trên, sẽ không dễ để Tòa án đưa ra phán quyết. Theo tìm hiểu của ĐTCK, trường hợp Tòa án thụ lý vụ kiện, theo trình tự thủ tục bình thường hiện nay sẽ mất khoảng 6 tháng để phiên tòa diễn ra và có phán quyết cuối cùng. Trong khi đó, theo quy định áp dụng đối với các doanh nghiệp niêm yết, ĐHCĐ thường niên phải được tổ chức muộn nhất trong tháng 6. Sudico chưa tổ chức được ĐHCĐ thường niên, Công ty sẽ hoạt động mà không có kế hoạch kinh doanh, không thể thực hiện các quyết định đầu tư lớn, có thể tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của các cổ đông trong Công ty. Sudico nhận Quyết định dừng ĐHCĐ chậm… 8 ngày Theo tìm hiểu của ĐTCK, lúc 15 giờ ngày 12/6, CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã nhận được Quyết định số 175/2012/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Khánh ký ngày 4/6/2012. Như vậy là sau 8 ngày kể từ khi Tòa ban hành Quyết định này, Sudico mới nhận được Quyết định từ Tòa án. Theo Quyết định của Tòa, Sudico sẽ phải tạm dừng việc tổ chức họp ĐHCĐ thường niên năm 2012 (dự kiến diễn ra ngày 28/6/2012). Trước đó, ngày 11/6, Sudico đã có đơn gửi Chánh án Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu làm rõ việc có hay không Quyết định số 175 nói trên do đến ngày 11/6, Sudico vẫn không nhận được Quyết định của Tòa. Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 123 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004, sửa đổi năm 2011 thì các quyết định như trên phải được gửi cho đối tượng bị áp dụng biện pháp khẩn cấp đó ngay sau khi ra quyết định. Theo diễn biến này, cũng trong ngày 11/6, Sở GDCK TP. HCM (một trong các nơi ghi nhận Quyết định 175 nói trên) đã có công văn đề nghị Sudico giải trình công bố thông tin bất thường này trong vòng 24 giờ, với lý do Sở vẫn chưa nhận được thông tin nào về Quyết định dừng tổ chức họp ĐHCĐ Sudico của Tòa án. Tòa đính chính vì nhầm tên Sudico Cùng thời điểm 15h ngày 12/6/2012, Sudico nhận được Thông báo của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đính chính Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, do thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Khánh ký ngày 11/6/2012. Văn bản này thông báo đính chính tên “Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và công nghiệp Sông Đà” trong Quyết định 175/2012/QĐ-BPKCTT thành “Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà”. HOSE cũng không nhận được Quyết định từ Tòa án Đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) Quanh sự kiện của SJS, chúng tôi cũng chỉ mới nhận được thông báo từ phía DN là chưa nhận được quyết định của Toà án Nhân dân TP. Hà Nội. Ngoài ra, chúng tôi không nhận được văn bản nào cả. Tuy nhiên, lâu nay, HOSE không phải là địa chỉ để các tòa án gửi các quyết định liên quan đến DN. Vì thế, nếu có tranh chấp gì xảy ra ở DN, tòa án thường không có trách nhiệm phải thông báo với chúng tôi. Sự việc ở SJS đã được HOSE báo cáo lên UBCK, vì đây mới là cơ quan có thẩm quyền ra những quyết định liên quan. Chúng tôi chỉ là tổ chức giám sát các thành viên trên thị trường, nhắc nhở DN việc tuân thủ theo đúng luật định. Theo quy định, tối đa hết tháng 6 này, SJS phải tổ chức ĐHCĐ. Có những phát sinh gì đặc biệt, chúng tôi sẽ xin UBCK sẽ có ý kiến chỉ đạo thêm. Tuy nhiên, ông Phan Ngọc Diệp, sau ĐHCĐ bất thường của Sudico, đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ lần 2 (một đơn gửi trước Đại hội), đồng thời 2 cổ đông khác có đơn kiện gửi Tòa án Kinh tế Hà Nội với lý do Đại hội được tổ chức sai quy định của Luật Doanh nghiệp và đề nghị Tòa tuyên hủy Nghị quyết phiên họp ĐHCĐ bất thường ngày 16/4. | “Biên bản và Nghị quyết ĐHCĐ thông qua ngày 16/4/2012 đã được các cổ đông thông qua hợp pháp và hợp lệ theo Điều lệ Công ty và quy định của pháp luật. Căn cứ mà những người khởi kiện đưa ra Tòa để tuyên hủy Biên bản và Nghị quyết của ĐHCĐ là không đúng sự thật và thể hiện sự thiếu hiểu biết toàn diện, đầy đủ các quy định pháp luật. Chúng tôi đề nghị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xem xét và bác bỏ toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hương Giang và ông Đỗ Tiến Đôn, ông Chu Quang Tú, không thể vì quyền lợi của một số ít cổ đông (đại diện cho 75.140 cổ phần, chiếm 0,75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại Sudico) mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đa số cổ đông còn lại của Sudico”. Trích trong Bản tự khai của ông Ngô Vĩnh Khương, Tổng giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Sudico, gửi Tòa án nhân dân TP. Hà Nội ngày 7/6/2012. | Anh Việt - Bùi Sưởng - Ngọc Thủy Đầu tư chứng khoán
|