Vietstock Daily: Nhận định thị trường chứng khoán ngày 26/06 Thị trường đã phản ứng không mấy tích cực với thông tin CPI tháng 6 cả nước công bố giảm 0.26%. I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀY 26/06/2012 VN-Index đóng cửa giảm 0.71% xuống 424.12 điểm, HNX-Index cũng sụt giảm mạnh 2.06% xuống 71.8 điểm. VS 100 và VN 30 đều giảm điểm lần lượt 0.98% và 0.45%, đứng tại 69.03 điểm và 498.09 điểm. VS-Mid Cap giảm mạnh nhất với 2.09%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 2.06%, VS-Micro Cap giảm 1.66% và VS-Large Cap giảm 0.28%. Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên HOSE đạt gần 47 triệu đơn vị, giảm 3.82% so với phiên giao dịch cuối tuần trước; trên HNX đạt 37.9 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0.71%. Trong khi đó, giao dịch thỏa thuận tăng đột biến với 15.8 triệu đơn vị, tập trung chủ yếu ở các mã OGC (12 triệu đơn vị), VIC (1.4 triệu đơn vị), và REE (0.24 triệu đơn vị). Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 54.5 tỷ đồng trên HOSE. Họ vẫn duy trì lực mua ròng mạnh ở các mã bluechips như REE (13.3 tỷ đồng), SSI (10.6 tỷ đồng), GAS (3.9 tỷ đồng) và các mã ngân hàng như MBB (8.3 tỷ đồng), EIB (6.4 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất VIC với gần 7.9 tỷ đồng, nhưng mã này vẫn đóng cửa tăng trần. Trên HNX, khối ngoại mở rộng mua ròng hơn 8.3 tỷ đồng. Họ tiếp tục thu gom mạnh DBC với hơn 4 tỷ đồng, PGS với 1.5 tỷ đồng, PVS với hơn 1 tỷ đồng; trong khi các giao dịch còn lại không đáng kể. Hàng loạt các mã đầu cơ cao ở nhóm khai khoáng, xây dựng, chứng khoán hay một số mã riêng lẻ ”đình đám” khác như SCR, PVX, VND, SSI, STB... bị bán mạnh đã dễ dàng kéo lùi tâm lý và chỉ số. Công bằng mà nói nếu không lực trụ đỡ từ nhóm Large Cap (VIC, MSN, VNM...), chỉ số thị trường có thể sụt giảm sâu hơn với tâm lý hoang mang lan rộng. Một diễn biến đáng chú ý khác là cú lội ngược dòng tăng trần của mã cổ phiếu DLG sau 8 phiên giảm sàn, nhờ tuyên bố mua vào 7 – 8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT cũng như ban điều hành đăng ký mua vào 800 ngàn cổ phiếu. Như vậy, thị trường đã phản ứng không mấy tích cực với thông tin CPI tháng 6 cả nước công bố giảm 0.26% so với tháng 5 và kéo CPI so với cùng kỳ năm trước (YoY) xuống còn 6.9%. Không còn lo ngại nhiều vào lạm phát cao, giới đầu tư lại chuyển sang dè chừng với rủi ro rơi vào giảm phát. Theo nhận định trước đó của chúng tôi, chỉ số giá tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong 1 – 2 tháng tới trước khi có tín hiệu phục hồi trở lại của nền kinh tế, nhờ vào hàng loạt các biện pháp kích thích của Chính phủ. Qua quan sát, chúng tôi cũng nhận thấy mức độ e ngại rủi ro đang có dấu hiệu tiếp tục tăng cao. Lực bán dù chỉ quanh giá tham chiếu được tung ra khá mạnh ngay khi thị trường xuất hiện “điểm sáng”. Đây tiếp tục là một rào cản lớn cho đà phục hồi của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh giới đầu tư trong nước đang ngày càng quan tâm đến diễn biến chứng khoán thế giới. Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Nếu thanh khoản không tăng, vùng 415 – 430 điểm có nguy cơ thủng. Trong phiên giao dịch ngày 25/06/2012, thanh khoản vẫn chưa có nhiều cải thiện so với phiên cuối tuần trước và đang nằm dưới đường trung bình 20 phiên gần nhất. Điều này khiến cho giới đầu tư cảm thấy bất an do lực cầu không cải thiện nhiều. Vùng 415 – 430 điểm đang được test lại thêm một lần nữa. Chúng tôi vẫn đánh giá cao khả năng đứng vững của vùng này nhờ vào sự hội tụ của các đường MA dài ngày (SMA 200, SMA 300...) cũng như khá nhiều lần test thành công trước đây. Nếu vùng này tiếp tục trụ vững sẽ là cơ sở để duy trì xu hướng tăng trong trung và dài hạn của VN-Index. MACD sẽ cho tín hiệu bán trở lại nếu VN-Index không bứt phá trong các phiên sắp tới. HNX-Index – Fibonacci Retracement 38.2% bị thủng. Khối lượng trên HNX-Index vẫn duy trì ở mức trung bình. Điều này khiến cho sự thận trọng đang ngày càng dâng cao. Một điều khiến cho giới đầu tư lo ngại hiện nay là ngưỡng chống đỡ mạnh Fibonacci Retracement 38.2% đã bị thủng. Đây là ngưỡng đã từng chống đỡ rất tốt cho giá trong các giai đoạn tháng 05/2012 và đầu tháng 06/2012. Nguy cơ về mẫu hình Head & Shoulder với mục tiêu xuống đến vùng 62 – 64 điểm lại được nhắc đến khá nhiều. Rủi ro hiện đã tăng lên so với giai đoạn trước. Chúng tôi cho rằng việc bắt đáy nên tạm thời ngưng lại cho đến khi thanh khoản hồi phục trở lại. VIETSTOCK INDEX VS 100: Giảm mạnh (-0.98%) trong phiên giao dịch ngày 25/06/2012, VS 100 hãm lại đà tăng trưởng của giai đoạn trước đó. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức thấp. Nếu tình trạng này không được cải thiện trong thời gian tới thì khả năng có điều chỉnh mạnh là khá cao. VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 25/06/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.15, tức số mã tăng giá bằng 0.15 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.02, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.02 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.2 lần và VS-U/D HNX bằng 0.01 lần. VS-Arms VN ngày 25/06/2012 đạt giá trị 12.07 chứng tỏ bên bán đang chiếm ưu thế trong phiên này. EMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 5,62, là mức cao của chỉ số này và cho thấy bên bán cũng đang chiếm ưu thế nếu xét trong 5 phiên gần đây. II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 25/06/2012 Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK FFN
|