Thứ Hai, 04/06/2012 17:12

TTCK: Tiền tươi có hóa giấy khô?

Hiện tượng đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) thời gian qua là hàng loạt cổ phiếu “đại gia” liên tục bị đưa vào diện kiểm soát. Điều gì đang diễn ra đằng sau các thua lỗ lớn này thật sự chưa minh bạch, nhưng niềm tin của các nhà đầu tư (NĐT) đã mất thì rõ như ban ngày.

Thót tim với đại gia

Chỉ trong một thời gian ngắn, NĐT liên tục chứng kiến những vụ “đại gia” bị kiện, bị cảnh báo. Trước hết là câu chuyện Quốc Cường Gia Lai (QCG) bị HOSE đưa vào diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế âm 39,83 tỷ đồng.

Có lẽ, việc âm 39,83 tỷ đồng sẽ chẳng là gì với ông chủ của công ty này, nhưng với những cổ đông nắm giữ cổ phiếu QCG thì lại khác. Lý do là mấy năm rồi TTCK đều minh chứng giá trị giấy vụn cho những tấm cổ phiếu ngang bằng với bó rau.

Rồi cổ đông của QCG lại tiếp tục “thót tim” với những tờ giấy của mình khi nghe thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, sẽ trích ra 150.000 cổ phiếu QCG đang sở hữu để làm quà tặng.

Đến nay, trong thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán HOSE, bà Loan không đề cập sẽ tặng 150.000 cổ phiếu QCG cho ai nhưng nếu giao dịch cho tặng thành công, bà Loan còn giữ 60,58 triệu cổ phần thay vì 60,73 triệu cổ phần như hiện tại.

Về cơ bản, bà Loan vẫn là cổ đông lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, nắm 49,98% tổng số cổ phần QCG lưu hành. VOF Investment Limited giữ 10% cổ phần, 40% còn lại thuộc sở hữu của nhiều cổ đông khác.

Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Cường (con trai bà Loan) sở hữu 537.500 cổ phần QCG. Nhưng từ 22/3-22/5, VOF Investment Limited đăng ký vừa mua vừa bán 6 triệu cổ phần QCG, nhằm cơ cấu danh mục, theo cả 2 hình thức khớp lệnh và thỏa thuận. Được biết, trong quý I, doanh nghiệp này chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 1,77 tỷ đồng.

Còn nhớ, trước tình trạng 79.014 doanh nghiệp phá sản, giải thể, hồi đầu năm, ông Đặng Thành Tâm, một trong những người giàu nhất TTCK Việt Nam, vẫn lạc quan nói rằng “sóng gió 2011 sắp qua, kinh tế năm tới sẽ khả quan hơn”.

Nhưng nay, cổ đông Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn - Saigon Tel cũng mất dần sự lạc quan cùng với ông chủ vì công ty này vừa bị đưa vào diện cảnh báo khi khoản lỗ đã lên tới 113,79 tỷ đồng. Rồi sau công ty của ông Tâm đến lượt Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến, chị gái ông, bị kiện do nợ tiền thi công.

Có lẽ, một khi Tân Tạo buộc phải thừa nhận bị kiện tại Sở Giao dịch Chứng khoán thì các cổ đông biết rằng họ đang phải đối mặt với rủi ro bào mòn tài khoản nhanh.

Mất niềm tin là mất tất cả

Những mã cổ phiếu bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liệt vào danh sách nghi vấn đều thuộc các ngành nghề chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát, như: bất động sản, vật liệu xây dựng, cáp, chứng khoán, vận tải...

Con số 50 mã cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát đặc biệt được dự báo sẽ còn kéo dài hơn nữa trong thời gian tới khi các doanh nghiệp tiếp theo công bố báo cáo tài chính.

Chứng khoán trong nước rơi vào những ngày tháng thê thảm như ngày hôm nay có rất nhiều nguyên nhân nhưng trong đó, việc các NĐT mất lòng tin vào thị trường được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đẩy lùi các chỉ số.

Tuy nhiên, việc mất giá của khá nhiều cổ phiếu “đại gia” - những cổ phiếu đóng vai trò chủ chốt cho xu hướng thị trường, cho thấy tương lai của thị trường ảm đạm và bi quan hơn nhiều người nghĩ. Nhiều chuyên gia đã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo “sốc” rằng “NĐT đang đối mặt với nguy cơ có thật là giá trị cổ phiếu là tờ giấy trắng”.

Thời gian vừa qua, có thể thấy thị trường chịu tác động khá mạnh bởi tâm lý hoang mang của giới đầu tư. Giao dịch rơi vào trạng thái cực kỳ bi quan, bán tháo được lựa chọn như một giải pháp an toàn và hiệu quả để tránh bão thời “khủng hoảng”.

Chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng làm sao NĐT có thể có niềm tin khi gần như tất cả các công ty lớn đều thua lỗ? Nói như TS. Trần Du Lịch thì “niềm tin chỉ có được khi các hành động được hiện thực hóa”.

NĐT không ngại đối mặt với thông tin xấu, vì đã là chu kỳ kinh tế thì sẽ có những năm tốt và những năm đi xuống, thậm chí khủng hoảng. Tuy nhiên, thị trường đang đón nhận quá nhiều “phát biểu”, trong khi chứng kiến quá ít kết quả thực tế.

Trong những thời điểm xấu nhất, NĐT cần có niềm tin vào các giải pháp của cơ quan quản lý, mà trước hết là định hướng cũng như hành động thực tế phải đảm bảo cam kết ban đầu.

Ví dụ như các vấn đề nhức nhối hiện nay là khi nào giảm được lãi suất cho vay, lạm phát 2012 sẽ dừng ở mấy phần trăm, hay các quy định mới của TTCK khi nào được áp dụng... cần có sự cam kết của người đứng đầu các bộ, ngành liên quan, đi liền với trách nhiệm cá nhân.

Đã đến lúc phải nhìn nhận lại vai trò của TTCK như một kênh huy động vốn chủ đạo của nền kinh tế thay vì khái niệm sai lầm khi xếp chứng khoán vào dạng “phi sản xuất” để hạn chế tín dụng.

Vũ Hoàng

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Bất thường ASM (04/06/2012)

>   Về đâu các quỹ đầu tư? (04/06/2012)

>   Rời ghế, vẫn canh cánh nỗi lo… vào tù (04/06/2012)

>   PVN: Hiện không có cơ chế bán cổ phần dưới mệnh giá (04/06/2012)

>   Tháng 5 khối ngoại bán mạnh BVH, VIC, và gom vào REE, MBB (04/06/2012)

>   04/06: Bản tin đầu tuần (04/06/2012)

>   Chứng khoán cảnh giác với lãi suất giảm (03/06/2012)

>   CTCK rút môi giới: Nhà đầu tư gian nan đòi chứng khoán (02/06/2012)

>   FTSE Vietnam Index loại REE, PET, KDH ra khỏi danh mục (01/06/2012)

>   Phiên chiều có thể được kéo dài đến 15h00 (01/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật