Thứ Hai, 04/06/2012 14:13

Bất thường ASM

Dù tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2012 vẫn suôn sẻ, nhưng CP của CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai An Giang (ASM) lại bị bán tháo một cách bất thường trong thời gian gần đây. NĐT đang nắm giữ CP ASM như ngồi trên lửa khi tài sản bị “bốc hơi” mỗi ngày.

Sản xuất kinh doanh khả quan

Năm 2011, dù phải đối mặt với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng hoạt động sản xuất của ASM vẫn diễn ra khá thuận lợi khi các lĩnh vực kinh doanh đều mang lại lợi nhuận.

Tuy doanh thu ngành bất động sản của công ty giảm 31% so với năm 2010, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu lợi nhuận khi đóng góp 68% lãi gộp. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu thủy sản cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của ASM.

Trong năm 2011 tình hình xuất khẩu thủy sản phát triển mạnh mẽ khi ASM mở rộng được nhiều thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, việc thành lập chi nhánh tại Ukraine đã góp phần làm doanh thu thủy sản tăng 152% so với năm 2010 và đóng góp 28% lãi gộp cho ASM.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 của ASM, tổng doanh thu đạt 873 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 66,5 tỷ đồng. Với kết quả này, ASM sẽ chi trả cổ tức cho năm 2011 lên đến 18%. Tại ĐHCĐ thường niên 2012 vừa được tổ chức, lãnh đạo ASM đã mạnh dạn đề ra các chỉ tiêu cho năm nay cao hơn hẳn so với năm 2011.

Chẳng hạn, mục tiêu doanh thu 1.310 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 130,4 tỷ đồng. Đặc biệt, phần lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết của ASM ước đạt 30 tỷ đồng, tăng hơn 35 lần so với con số chưa đến 1 tỷ đồng của năm 2011.

Có “bàn tay” của NĐT lớn?

Với tình hình hoạt động kinh doanh được đánh giá khá cao, nên từ khi được niêm yết trên sàn HOSE (tháng 1-2010) đến nay, giá CP ASM chưa bao giờ rơi xuống dưới mốc 20.000 đồng/CP. Ngay thời điểm xấu nhất của TTCK trước đây, mức giá thấp nhất của mã CP này cũng 20.400 đồng/CP.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, mã CP liên tục rớt giá với tổng cộng 18 phiên giảm, trong đó có 11 phiên giảm sàn. Đến hết phiên giao dịch cuối tuần trước, mã CP này giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử giao dịch của mình là 14.400 đồng/CP.

Như vậy, nếu tính từ mức giá 25.300 đồng/CP ở thời điểm đầu tháng 5, CP ASM đã mất 43% giá trị. Điều bất thường là trong khoảng thời gian này, không có thông tin xấu liên quan đến ASM, ngoại trừ sự điều chỉnh của thị trường chung sau thời gian tăng nóng.

Ngược lại, trong khoảng thời gian này, ASM còn đón nhận nhiều thông tin hết sức tích cực: Chỉ tiêu tăng trưởng mạnh được thông qua tại ĐHCĐ; ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Hảo Vị Nguyên (Trung Quốc), theo đó tập đoàn của Trung Quốc sẽ trở thành cổ đông chiến lược và nắm giữ 20-30% cổ phần tại ASM.

Theo giải trình của lãnh đạo ASM, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn hết sức ổn định. Việc CP sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây do diễn biến xấu của TTCK và nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo ASM vô can trong sự việc này, lý do duy nhất có thể lý giải cho sự tuột dốc không phanh của ASM là có “bàn tay” của các NĐT lớn.

Có thể khẳng định hiện tượng này qua khối lượng giao dịch của mã CP này. Trước thời điểm ASM đi xuống, rất hiếm khi nào mã CP này được giao dịch trên 1 triệu đơn vị. Thế nhưng trong các phiên giao dịch gần đây, mã ASM luôn được giao dịch đột biến và nằm trong nhóm CP dẫn đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HOSE với nhiều hơn 1 triệu đơn vị/phiên.

Thậm chí có phiên giao dịch đạt hơn 6 triệu đơn vị. Như vậy, khả năng lớn nhất có thể nghĩ đến là CP ASM đang bị các NĐT lớn mượn hàng đánh xuống.

Nếu như hành động thổi giá CP luôn bị soi mói thì hoạt động đánh xuống rất ít được giới đầu tư chú ý và dường như cơ quan quản lý cũng không quan tâm, ngoại trừ những NĐT đang nắm giữ CP này. Cũng chính vì lý do này mà hầu như chưa có vụ đánh xuống nào bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Trong khi NĐT lớn thu lợi, NĐT nhỏ hàng ngày vẫn bị “rút ruột” bởi các hoạt động không lành mạnh này. Đã đến lúc UBCKNN cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa với các hoạt động này nếu muốn tạo sự trong sạch và bình đẳng cho TTCK. Đây là việc làm không quá khó vớí các cơ quan chức năng nếu muốn thẳng tay và ASM là thí dụ điển hình.

Hải Hồ

sài gòn đầu tư tài chính

Các tin tức khác

>   Về đâu các quỹ đầu tư? (04/06/2012)

>   Rời ghế, vẫn canh cánh nỗi lo… vào tù (04/06/2012)

>   PVN: Hiện không có cơ chế bán cổ phần dưới mệnh giá (04/06/2012)

>   Tháng 5 khối ngoại bán mạnh BVH, VIC, và gom vào REE, MBB (04/06/2012)

>   04/06: Bản tin đầu tuần (04/06/2012)

>   Chứng khoán cảnh giác với lãi suất giảm (03/06/2012)

>   CTCK rút môi giới: Nhà đầu tư gian nan đòi chứng khoán (02/06/2012)

>   FTSE Vietnam Index loại REE, PET, KDH ra khỏi danh mục (01/06/2012)

>   Phiên chiều có thể được kéo dài đến 15h00 (01/06/2012)

>   01/06: Bản tin 20 giờ qua (01/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật