CTCK rút môi giới: Nhà đầu tư gian nan đòi chứng khoán Một số NĐT trót mở tài khoản tại các CTCK nay đã rút nghiệp vụ môi giới đang mắc kẹt bởi tài sản không chuyển đi được. Những nhà đầu tư “con rơi” Ông Trần Việt Tuấn, một khách hàng của CTCK SME cho biết, đến nay, ông không biết tài khoản của mình đang “lưu lạc” ở đâu. NĐT này không nhận được thông tin gì từ SME cũng như Trung tâm lưu ký (VSD) về tình trạng tài khoản. Khi SME rút nghiệp vụ môi giới, NĐT này phải chủ động liên lạc với SME để biết thông tin chi tiết về việc tất toán tài khoản. Ông Tuấn cho biết, từ ngày 9/2 đến ngày 22/2/2012, SME yêu cầu NĐT đến tất toán tài khoản. Do số lượng tài khoản của SME rất lớn, nên hết thời hạn trên, nếu còn tài khoản nào chưa chuyển đi thì Trung tâm Lưu ký (VSD) sẽ hỗ trợ SME chuyển tài khoản cho khách hàng. Đến nay, sau 2 tháng kể từ ngày SME ngừng cung cấp dịch vụ môi giới (1/3), tài khoản của ông Tuấn vẫn chưa được chuyển đi. “Hỏi SME, hoặc là điện thoại không có người nghe, hoặc là được trả lời tài khoản đã chuyển sang VSD, chờ VSD chuyển. Hỏi VSD, VSD bảo chưa đủ hồ sơ, chờ sang tuần giải quyết. Hy vọng, sang tuần, VSD sẽ giải quyết bởi tài khoản của tôi ‘sạch’, tức là không vướng mắc, nợ nần, không có margin gì hết”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn đã làm ủy nhiệm chi để chuyển tiền từ tháng 3, đến nay tiền vẫn “bặt vô âm tín”. Số tiền nhỏ nên ông Tuấn chủ yếu quan tâm tới số cổ phiếu. Ông giữ nhiều cổ phiếu bất động sản. Thời gian vừa qua, giá của nhóm cổ phiếu bất động sản tăng, ông muốn bán mà không thể làm được. Không những thế, NĐT này cũng không hài lòng vì cách hành xử của CTCK. Thành lập từ cuối năm 2006, trong 3 năm đầu hoạt động, SME liên tục duy trì được trên 2% thị phần, đứng trong top 15 CTCK lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 12/2011, cổ phiếu SME bị HNX đưa vào diện bị kiểm soát để bảo vệ quyền lợi của NĐT. Đồng thời, VSD cũng đã đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán của SME từ ngày 7/12/2011 đến ngày 7/1/2012. Đến nay, SME đã rút nghiệp vụ môi giới được vài tháng. Trong suốt quá trình đó, ông Tuấn không nhận được bất cứ thông báo trực tiếp nào từ SME, mặc dù trong thời gian SME còn cung cấp dịch vụ môi giới, thông tin dù nhỏ nhất liên quan đến hoạt động của SME, liên quan tài khoản, giao dịch của khách hàng, SME đều thông báo đầy đủ qua điện thoại, tin nhắn, email... “Có thể quy định pháp luật không buộc SME phải trực tiếp thông báo đến từng khách hàng, song việc thông báo qua tin nhắn đối với CTCK là vô cùng đơn giản, dễ dàng. Có làm việc này hay không chủ yếu phụ thuộc vào thái độ, trách nhiệm của CTCK đối với khách hàng”, ông Tuấn nói. Cho đến ngày 29/5 vừa qua, SME mới có thông báo sẽ chuyển toàn bộ tài khoản còn số dư chứng khoán sang CTCK Phú Gia và CTCK Đại Nam, nhưng thời điểm chuyển không thấy được nhắc tới. CTCK Hà Nội (HSSC) cũng đã chấm dứt tư cách thành viên với 2 Sở, đã dừng lưu ký và thực hiện tất toán tài khoản cho NĐT từ ngày 9/12/2011 đến ngày 9/1/2012. Sau thời gian này, NĐT nào chưa đến làm thủ tục tất toán tài khoản sẽ được HSSC chuyển giao tài khoản sang CTCK Thiên Việt. Tuy nhiên, một NĐT của HSSC đã phải vận dụng “quan hệ hành lang” mới có thể chuyển được tài khoản, dù rằng, không có vướng mắc gì về tài chính với CTCK. Trong suốt thời gian đó, NĐT này thường xuyên phải gọi điện, hỏi han, đốc thúc, nhưng Công ty đã chuyển địa điểm, gọi điện không ai nghe máy, họa hoằn mới có người nhấc máy thì câu trả lời chỉ là “chờ đi, đừng sốt ruột, chúng tôi đang làm thủ tục”. Sau khi thở phào vì cổ phiếu đã về tài khoản mới, NĐT này vẫn chưa thể nhẹ nhõm bởi tiền mặt trong tài khoản chưa thấy đâu. Đây là tiền cổ tức đã về tài khoản và NĐT đáng ra phải nhận được trong khoảng thời gian từ tháng 3, tháng 4/2012. “Tôi rất bức xúc vì cung cách làm ăn không minh bạch, không đàng hoàng trong một thị trường cần minh bạch nhất”, NĐT này nói. “Những NĐT, những khách hàng đem lại nguồn thu, nuôi sống công ty, khi còn hoạt động thì săn đón, chăm sóc nhưng khi không hoạt động nữa thì bỏ mặc khách hàng. NĐT như con rơi, không có phao nào để bám víu”. Cần hoàn thiện quy trình, thủ tục rút môi giới Việc chậm trễ chuyển tiền và chứng khoán của NĐT gây ra nhiều thiệt hại, như NĐT mất cơ hội mua bán chứng khoán, tiền bạc bị lạm dụng. Những vấn đề này cho thấy, quy trình, thủ tục rút nghiệp vụ môi giới phải được quy định chặt chẽ hơn. Ví dụ, khi CTCK ra thông báo và NĐT đã đến làm thủ tục tất toán, không còn vướng mắc nào thì trong thời hạn nhất định, tiền và chứng khoán phải được chuyển đi. Nếu quá thời hạn đó, NĐT có quyền yêu cầu CTCK bồi thường và CTCK có thể bị xử phạt vì không tuân thủ đúng các quy định. Hoặc thời hạn để NĐT tới tất toán cũng nên quy định rõ, tránh tình trạng mỗi công ty đề ra một thời hạn khác nhau như hiện nay. Thậm chí, CTCK Trường Sơn (TSS) từng làm khó NĐT khi yêu cầu một nhóm NĐT phải đến tất toán tài khoản chỉ trong 3 ngày kể từ ngày TSS ra thông báo. Nếu quá 3 ngày, TSS tự tất toán các tài khoản này. Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Chứng khoán - Ngân hàng - Đầu tư cho rằng, cần định chế hóa trình tự, thủ tục, quy trình trong việc rút môi giới của CTCK để đảm bảo quyền lợi của các NĐT. Hiện tại, theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK thì để rút bớt nghiệp vụ, trong hồ sơ nộp cho UBCK, các CTCK phải trình phương án xử lý các hợp đồng dang dở với khách hàng. UBCK sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ và trong vòng 7 ngày, kể từ ngày nhận được xác nhận phong tỏa vốn của ngân hàng và biên bản kiểm tra cơ sở vật chất trụ sở công ty (nếu có) đối với trường hợp bổ sung, rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, UBCK cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, trong quy trình, thủ tục rút bớt nghiệp vụ, nên quy định một khoảng thời gian khoảng 2 - 3 tháng cho NĐT để kiến nghị các vấn đề còn tranh chấp, vướng mắc. Đối với tình trạng CTCK chậm trễ chuyển chứng khoán, chuyển tiền cho NĐT sang CTCK mới, nếu giữa 2 bên không có vướng mắc tài chính, CTCK không đưa ra được lý do chính đáng thì CTCK đã vi phạm nguyên tắc hoạt động. NĐT có thể khiếu nại lên UBCK và nếu UBCK xác minh phản ánh của NĐT là đúng thì CTCK cần bị xử phạt. Điểm c, Khoản 2, Điều 31 của Nghị định 85/2010/NĐ-CP quy định, CTCK bị phạt từ 70 - 90 triệu đồng nếu vi phạm chế độ bảo quản, lưu giữ chứng khoán, chế độ đăng ký, lưu ký, bù trừ, thành toán chứng khoán. Theo Luật sư Đỗ Tiến Đạt, về nguyên tắc, khi hành vi chiếm giữ tiền, tài sản bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính, thì CTCK phải chấm dứt hành vi. Nếu không chấm dứt hành vi và có dấu hiệu tái phạm thì UBCK có thể xem xét và đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự của CTCK. Trường hợp có vướng mắc tài chính giữa 2 bên mà CTCK cho rằng NĐT còn nợ tiền và giữ lại tài sản để xử lý, nếu cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng, tranh chấp có cơ sở thì về nguyên tắc, thẩm quyền giải quyết đúng sai giữa các bên sẽ do tòa án quyết định. Tuy nhiên, thực tế, trên 90% vướng mắc xuất phát từ giao dịch vượt ngoài khuôn khổ pháp luật như cho vay ứng trước tiền mua chứng khoán, hợp tác đầu tư… Về bản chất, đây là lĩnh vực quản lý nghiệp vụ của UBCK và một phần nguyên nhân dẫn đến vướng mắc, tranh chấp là do cơ chế quản lý chưa bao quát hết. Về lâu dài, UBCK cần lấp đầy lỗ hổng các quy định pháp luật. Hoàng Duy đầu tư chứng khoán
|